Trước nguy cơ khô hạn, nhiễm mặn xảy ra khốc liệt, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương trong tỉnh đang gấp rút triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại cho nhà nông trong vụ sản xuất hè thu 2016.
|
Tập trung nạo vét, khơi thông dòng chảy để đảm bảo cung ứng nước tưới. Ảnh: HOÀI NHI |
Gia cố hồ chứa, đắp đập ngăn mặn
Hồ chứa thủy điện Duy Sơn 2 (còn gọi là đập 3.2) ở huyện Duy Xuyên được xây dựng năm 1978 với dung tích chứa 250.000m3 nước, chủ động phục vụ tưới hơn 100ha lúa của 4 thôn Chiêm Sơn, Trà Kiệu Tây, Kiệu Châu, Trà Châu (xã Duy Sơn). Thế nhưng, cách đây không lâu công trình này bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Trước tình hình đó, các đơn vị liên quan khẩn trương đầu tư gần 700 triệu đồng để khắc phục sự cố. Đến nay, mọi khâu đã hoàn tất, đảm bảo cung ứng nước tưới cho vụ hè thu năm 2016. Theo lãnh đạo Hợp tác xã Duy Sơn 2, trong trường hợp các đập dâng khác trên địa bàn cạn kiệt nguồn nước, đơn vị sẽ tiến hành lắp đặt một số máy bơm dã chiến tại khu vực Ba Truông (thôn Chiêm Sơn) và đào đắp hàng trăm mét kênh mương nhằm tưới bổ sung cho những diện tích lúa trên các cánh đồng Hóc Khóm, Hóc Dung, Đồng Thị. Trong khi đó, nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho 86ha lúa và hoa màu ở các thôn Lệ An, Thanh Châu, Cù Bàn, Cổ Tháp…, chính quyền xã Duy Châu đã hoàn thành việc đào một con kênh dẫn tạm thời dài 600m, rộng 10m từ nhánh sông Thu Bồn phía huyện Đại Lộc để đưa nước vào trạm bơm Cù Bàn với tổng kinh phí 124 triệu đồng.
Trong vụ đông xuân vừa qua, UBND thị xã Điện Bàn và Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam đã tiến hành thi công tuyến đập bổi ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện. Công trình có chiều dài 100m, rộng 4m, cao 7m với tổng kinh phí đầu tư 1,5 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn, vụ hè thu 2016, nhờ tuyến đập ngăn mặn này mà hàng chục trạm bơm điện nằm ở hạ du sông Thu Bồn hoạt động ổn định, đảm bảo chủ động phục vụ tưới cho không dưới 2.000ha lúa. |
Ông Nguyễn Phước Năm - Giám đốc Chi nhánh thủy lợi Duy Xuyên cho rằng, mối lo lớn nhất hiện nay là hồ chứa Thạch Bàn. Nếu thời gian tới nắng nóng vẫn kéo dài thì ít nhất 80ha lúa ở xã Duy Tân sẽ thiếu nước tưới trầm trọng. Nhằm chủ động chống hạn, đơn vị đang lắp đặt 2 máy bơm dã chiến tại thôn Thu Bồn Tây để bơm tưới cho số diện tích lúa thuộc vùng nguy cấp này. Theo ông Năm, hơn một tháng qua đơn vị cũng tích cực phối hợp với các ngành liên quan ở huyện Duy Xuyên huy động tối đa phương tiện, máy móc đắp đập bổi ngăn mặn tại khu vực Cầu Đen nhằm đưa nước ngọt vào sông Bến Giá để đảm bảo nguồn nước cho trạm bơm Xuyên Đông hoạt động ổn định, phục vụ tưới 600ha lúa của 2 xã Duy Phước, Duy Vinh và thị trấn Nam Phước. Đồng thời hỗ trợ tưới cho hàng trăm héc ta lúa và hoa màu thuộc trạm bơm 19.5 và 2.9. Ngoài ra, chính quyền xã Duy Phước cũng đã hoàn thành việc đắp đập ngăn mặn ở khu vực Bà Thư thuộc thôn Hà Nhuận để giữ nguồn nước ngọt cung ứng cho cây trồng. Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp Duy Xuyên, nhằm chủ động đối phó với tình hình khô hạn và nhiễm mặn trong vụ hè thu 2016, UBND huyện đã quyết định chi hơn 1,8 tỷ đồng để thực hiện các biện pháp công trình, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 1,3 tỷ đồng...
Triển khai nhiều giải pháp
Cần cơ cấu giống sản xuất phù hợp Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, để giảm thiểu thiệt hại do khô hạn và nhiễm mặn gây ra, ngoài những giải pháp công trình thì ngay từ bây giờ ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương cùng các hợp tác xã phải khẩn trương rà roát lại phương án phòng chống. Cân đối lượng nước hiện có của các hồ đập để bố trí diện tích, cơ cấu giống sản xuất phù hợp với từng vùng, từng khu vực. Đặc biệt, nên cắt giảm diện tích gieo sạ lúa ở những nơi dự báo sẽ thiếu hụt nguồn nước tưới và tích cực hướng dẫn nông dân chuyển sang canh tác các loại cây trồng cạn có khả năng chịu hạn tốt, cho năng suất cao. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân ra quân nạo vét hệ thống kênh mương chính, nội đồng và nhất là hỗ trợ nông dân thực hiện triệt để việc tưới nước tiết kiệm theo phương pháp ướt khô xen kẽ, tưới luân phiên. Đối với những trạm bơm điện có nguồn nước dễ bị mặn xâm nhập, cần theo dõi chặt chẽ thủy triều và quan trắc thường xuyên để bơm lách mặn nhằm đảm bảo cung ứng nước ngọt cho các loại cây trồng… |
Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng NN&PTNT Phú Ninh cho hay, bên cạnh việc tập trung khuyến cáo nông dân sử dụng những loại giống trung và ngắn ngày để gieo sạ đại trà nhằm rút ngắn thời gian sinh trưởng của 3.200ha lúa thì UBND huyện cũng đã xây dựng cụ thể phương án phòng chống hạn vụ hè thu 2016 từ rất sớm. Ông Tuấn nói: “Nếu trong thời gian tới khô hạn xảy ra khốc liệt thì huyện Phú Ninh sẽ đầu tư gần 2 tỷ đồng để nạo vét, gia cố các tuyến kênh mương, trạm bơm điện, đập dâng trọng yếu và đặc biệt là khẩn trương lắp đặt hàng loạt máy bơm dã chiến nhằm tận dụng mọi nguồn nước ngọt giải cứu cây trồng. Trong đó, đáng quan tâm nhất là những diện tích lúa có nguy cơ cao bị thiếu nước tưới ở 2 xã Tam Lộc và Tam Lãnh”. Được biết, bằng việc lồng ghép các nguồn vốn, huyện Phú Ninh vừa đầu tư 2,5 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp đập chứa nước Ba Suối ở xã Tam Dân để đảm bảo cung ứng nước tưới cho hơn 30ha đất sản xuất nông nghiệp của địa phương này.
Còn theo ông Lê Hữu Châu - Phó phòng NN&PTNT Quế Sơn, đối với hơn 500ha đất lúa không thể gieo sạ trong vụ hè thu 2016, ngành nông nghiệp huyện và chính quyền các địa phương đang tích cực vận động nông dân chuyển sang canh tác những loại cây trồng cạn có sức chịu hạn tốt như bắp lai, đậu phụng, mè… nhằm kiếm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. Ông Châu nói thêm: “Để đảm bảo nước tưới cho 3.000ha lúa trong vụ này, thời gian qua nhiều nơi trên địa bàn huyện đã tiến hành một số giải pháp công trình. Chẳng hạn như, UBND xã Quế Cường đã đầu tư 656 triệu đồng bê tông hóa 350m kênh chính ở khu vực Đồng Sau thuộc thôn Phú Cường 2. Còn tại xã Quế Thuận, ngoài việc chi 100 triệu đồng nạo vét 2 tuyến kênh trọng yếu với tổng chiều dài 2km thì các đơn vị liên quan cũng đã đầu tư 30 triệu đồng lắp đặt 1 máy bơm dã chiến. Trong khi đó, các xã Quế Xuân 1, Quế Xuân 2 cùng nhiều địa phương khác cũng đang khẩn trương gia cố, nạo vét bể hút của hàng loạt trạm bơm điện”.
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho nhà nông, UBND thị xã Điện Bàn đã phê duyệt kinh phí phòng chống hạn vụ hè thu này với tổng số tiền 1,2 tỷ đồng. Ông Chơi nói: “Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương sẽ dùng khoản tiền đó nạo vét tuyến sông La Thọ ở xã Điện Thọ và khơi thông bể hút của 3 trạm bơm điện thuộc xã Điện Trung. Đồng thời nạo vét hàng loạt ao hồ và 3,2km kênh mương tại nhiều nơi trên địa bàn”.
HOÀI NHI