(QNO) - UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị yêu cầu chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn vụ hè thu 2023 trên địa bàn Quảng Nam.
Nguy cơ hạn hán, thiếu nước, nhiễm mặn
Chỉ thị nêu rõ, theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ và bản tin của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, hiện tượng ENSO duy trì trạng thái trung tính từ nay đến khoảng tháng 6/2023, với xác suất từ 80-90%. Sau đó nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO3.4 tiếp tục có xu hướng tăng và có thể chuyển sang pha Elnino từ những tháng mùa thu năm 2023.
Với thực trạng nguồn nước tại các hồ chứa thủy điện, thủy lợi hiện tại và thông tin nhận định khí tượng, thủy văn, việc cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp vụ hè thu 2023 trên địa bàn tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn, nguy cơ xảy ra hạn hạn, thiếu nước, nhiễm mặn sẽ xảy ra trên địa bản tỉnh.
Sử dụng nước tiết kiệm
Để chủ động các biện pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn, kịp thời ứng phó với ảnh hưởng thời tiết cực đoan và giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra trong vụ hè thu 2023, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành liên quan và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân thấy rõ về tình hình hạn hán, thiếu nước nhằm nâng cao ý thức sử dụng nước hết sức tiết kiệm, tận dụng mọi nguồn nước thích hợp để sử dụng có hiệu quả.
Sở NN&PTNT chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi và các địa phương tính toán, cân đối khả năng nguồn nước, xây dựng kế hoạch điều tiết nước phù hợp, sử dụng tiết kiệm nước tưới. Thực hiện các biện pháp tưới theo đợt, tưới luân phiên, tưới lứa, tưới "khô, ướt xen kẽ".
Kiểm tra, tu sửa và nạo vét cửa lấy nước, kênh mương, đắp đập ngăn mặn, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước hồi quy tại các sông, suối nhỏ và kênh tiêu, hạn chế tối đa tình trạng rò rỉ, thất thoát nước. Bổ sung phương án sử dụng nước, trong đó ưu tiên nguồn nước cấp nước cho sinh hoạt, chăm lo sức khỏe cho người dân, chăn nuôi gia súc và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu.
Đảm bảo cấp nước đạt hiệu quả
Cùng với đó, theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn để chỉ đạo vận hành tích nước các hồ chứa phù hợp, đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước dân sinh, đồng thời phải đảm bảo an toàn tuyệt đối đập, hồ chứa nước. Phối hợp với các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn để thống nhất kế hoạch xả nước qua phát điện theo các đợt và thông báo cho địa phương chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để lấy nước với mức cao nhất trong các đợt xả nước, đảm bảo cấp nước cho sản xuất đạt hiệu quả cao nhất.
UBND tỉnh yêu cầu tổng hợp kịp thời tình hình thiệt hại do hạn hán, nhiễm mặn gây ra và đề xuất các giải pháp khắc phục; tham mưu UBND tỉnh trong chỉ đạo điều hành chống hạn và nhiễm mặn có hiệu quả, báo cáo Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể tại địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm trong sản xuất, sinh hoạt. Củng cố hoạt động các tổ chức thủy lợi cơ sở để phục vụ công tác dẫn nước vào ruộng đảm bảo nhanh, tiết kiệm và hiệu quả. Huy động nhân dân nạo vét kênh mương, tổ chức đắp bờ giữ nước, tận dụng mọi nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, hạn chế thất thoát nước.
Đồng thời xây dựng và chỉ đạo thực hiện tốt Phương án phòng chống hạn và nhiễm mặn vụ hè thu năm 2023 trên từng địa bàn, trực tiếp xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc do hạn hán và nhiễm mặn gây nên. Trong đó chú ý các biện pháp công trình, phi công trình, phân công trách nhiệm, các điều kiện để tổ chức thực hiện phòng chống hạn, nhiễm mặn có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; đảm bảo tuyệt đối không để người dân thiếu nước sinh hoạt.
Phổ biến cho người dân sử dụng giống trung và ngắn ngày theo lịch thời vụ của Sở NN&PTNT để gieo sạ nhằm rút ngắn thời gian tưới. Rà soát, xác định những vùng khó khăn về nước tưới để có phương án vận động người dân chuyển sang các cây trồng cạn khác có khả năng chịu hạn cao.
Các đơn vị quản lý, vận hành trạm bơm lấy nước trên sông có nguồn nước thường xuyên bị nhiễm mặn, quan trắc độ mặn để thực hiện vận hành các trạm bơm đảm bảo tuyệt đối không được vận hành bơm nước có nồng độ mặn vượt mức cho phép (>0,8‰) vào đồng ruộng.
Tăng cường chống hạn, nhiễm mặn
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam và các đơn vị quản lý công trình thủy lợi ở địa phương triển khai các biện pháp chống hạn, nhiễm mặn nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất đảm bảo. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hợp tác dùng nước tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, điều tiết dẫn nước trên hệ thống kênh tưới nhằm cấp nước kịp thời phục vụ sản xuất. Thực hiện nghiêm túc các biện pháp tưới tiết kiệm trong điều kiện nguồn nước bị thiếu hụt.
Đối với các trạm bơm lấy nước trên sông thường xuyên bị nhiễm mặn (sông Thu Bồn, Vĩnh Điện, Bàn Thạch...) cần tăng cường quan trắc độ mặn, tuyệt đối không vận hành bơm tưới cho cây trồng khi nồng độ mặn lớn hơn 0,8‰.
Trong các đợt xả nước của các hồ thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, huy động tối đa công suất, thời gian vận hành các trạm bơm điện để sử dụng nước hiệu quả cao nhất.
Rà soát, tính toán, cân đối khả năng nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi, báo cáo và tham mưu kịp thời cho UBND huyện, thị xã, thành phố sớm có kế hoạch chỉ đạo việc chuyển đổi cây trồng đối với những diện tích không đảm bảo nguồn nước tưới.
UBND tỉnh cũng đề nghị Công ty Điện lực Quảng Nam có kế hoạch ưu tiên nguồn điện cho các trạm bơm trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn hoạt động, nhất là trong các đợt hồ thủy điện vận hành điều tiết. Các nhà máy thủy điện bậc thang trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn thực hiện kế hoạch vận hành điều tiết đảm bảo theo Quyết định số 1865 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
Phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT Quảng Nam xây dựng và thống nhất kế hoạch xả nước qua phát điện theo các đợt gắn với nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp vụ hè thu năm 2023 ở hạ du, nhằm đảm bảo sử dụng nước hiệu quả nhất.
Các địa phương, đơn vị liên quan chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng phòng chống thiên tai được giao trong dự toán ngân sách được bố trí từ đầu năm để triển khai các biện pháp chống hạn và nhiễm mặn trên địa bàn.