Các địa phương miền núi như Tây Giang, Nam Trà My… đang triển khai phương án phòng chống, hạn chế thấp nhất hậu quả, tác động bởi thiên tai.
Chủ động ứng phó tại nhiều vị trí xung yếu miền núi Tây Giang. Ảnh: H.LIÊN |
Nam Trà My thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng do mưa lũ, thiên tai. Năm 2017, những đợt mưa lũ lớn đã làm hư hỏng, sạt lở trên tuyến QL 40B huyết mạch của huyện với tổng thiệt hại hơn 6 tỷ đồng. Nhiều trụ sở cơ quan, đơn vị, nhiều công trình khác cũng bị tác động nặng nề như trụ sở xã Trà Vinh, đường giao thông nội bộ xã Trà Vinh với thiệt hại 3,3 tỷ đồng. Đợt mưa lũ lớn gây sạt lở tại làng Khe Chữ ảnh hưởng nặng nề tới tính mạng, tài sản của nhân dân trong thôn. Dù các cấp chính quyền, đoàn thể, các tổ chức xã hội đã vào cuộc mạnh mẽ, giúp người dân Khe Chữ từng bước ổn định đời sống nơi làng mới, nhưng đường giao thông vẫn còn thiếu. Theo UBND huyện Nam Trà My, tổng thiệt hại trong đợt mưa lũ năm 2017 trên địa bàn hết sức nặng nề, khoảng 97 tỷ đồng.
Còn ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, rút kinh nghiệm từ các đợt thiệt hại trước đây, phương châm của huyện là lấy thôn, nóc làm cơ sở, hạt nhân để ứng phó với thiên tai. Người dân phải là chủ thể ứng phó với các tình huống thiên tai mới có thể giảm thiểu thiệt hại. Đi cùng với đó, huyện kiên trì, tích cực tuyên truyền đến người dân về rủi ro thiên tai, các loại hình thiên tai ở từng thôn, nóc để người dân chủ động đề phòng. Huyện cũng chỉ đạo rà soát số hộ dân vùng nguy cơ sạt lở cao để kịp di dời dân khỏi vùng sạt lở khi có thông tin về mưa lũ. Hiện công tác kiểm tra đường sá, bến bãi trước mùa mưa lũ được tăng cường tại các đơn vị; đồng thời sẵn sàng phương tiện, nhân lực, dự trữ xăng dầu, máy phát điện... đảm bảo phục vụ trong mưa lũ. Công tác dự trữ các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thuốc men được chú trọng. Cũng theo ông Mẫn, khó khăn trong ứng phó là nhiều đoạn trên QL 40B thường bị cô lập, chia cắt do sạt lở núi, ảnh hưởng tới công tác tìm kiếm, cứu hộ trên địa bàn. Huyện đã kiến nghị Xí nghiệp quản lý QL 40B bảo trì gia cố những vị trí có nguy cơ sạt lở, chuẩn bị phương tiện cơ giới để đảm bảo xử lý kịp thời tình trạng sạt lở đất, đá, đảm bảo thông suốt. Đồng thời làm việc với Điện lực Trà My yêu cầu trực 24/24h và trang bị đầy đủ các phương tiện kiểm tra, khắc phục sự cố điện bị hư hỏng kịp thời.
Tây Giang có 12 khu vực sạt lở, gồm các thôn: Xàơi 2, T’ghêy (xã A Vương), Bhalừa, Nal (xã Lăng), R’bhướp, Ahu (xã A Tiêng), Tưr, A rui (xã Dang), Vòong (xã Tr’Hy), Dading 2 (xã Ga Ri), Réh, Z’rướt (xã Ch’Ơm). Nhiều ngầm tràn cũng là điểm xung yếu như ngầm tràn đi qua nhà ông Alăng Reng, xã Lăng, tuyến đường vào thôn Arui, Batư, K’tiếc, K’la, xã Dang; Apát, Aur, xã A Vương... Ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang thông tin, để tránh nguy cơ sạt lở đất và các trường hợp lũ quét, nước dâng ở các ngầm tràn, vùng trọng yếu, huyện đã chỉ đạo các xã tăng cường kiểm tra hộ sinh sống ở vùng sườn đồi, đỉnh núi, ven sông suối, xây dựng phương án di dời khẩn cấp người dân khỏi vùng có nguy cơ cao. Công tác thông tin về tình hình, diễn biến mưa bão, thiên tai đến người dân được chú trọng, giúp người dân nắm bắt, chủ động, phòng tránh...
HOÀNG LIÊN