Chủ động ứng phó thiên tai

TRỊNH DŨNG 12/07/2018 14:06

Đó là một trong những “thông điệp” quan trọng phát đi từ hội nghị truyền thông cộng đồng phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai do Công ty CP Thủy điện A Vương và 8 nhà máy thủy điện trên sông Vu Gia vừa tổ chức tại Đại Lộc.

Truyền thông cộng đồng tại xã Đại Quang ngày 11.7.
Truyền thông cộng đồng tại xã Đại Quang ngày 11.7.

Chủ động truyền thông cộng đồng

8h sáng 11.7.2018, các ấn phẩm liên quan đã được chuyển tận tay 137 tổ trưởng tổ đoàn kết và lãnh đạo xã Đại Quang và Đại Nghĩa có mặt tại hội trường UBND xã Đại Quang (Đại Lộc). Một màn hình chiếu các video tổng hợp bão lũ năm 2017 và dự báo năm 2018, các khuyến cáo trong việc phòng tránh thiên tai, bão lũ, giới thiệu các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia, quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn do Thủ tướng Chính phủ quy định và những cuộc trao đổi sôi nổi giữa người dân địa phương với đại diện các nhà máy thủy điện làm nóng hội trường.

“Sự kiện” tại hai xã Đại Quang và Đại Nghĩa chỉ là một lát cắt về kế hoạch truyền thông cộng đồng phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai dưới sự phối hợp của 8 nhà máy thủy điện trên sông Vu Gia kéo dài từ ngày 10 đến 13.7.2018, với sự tham gia của 962 tổ trưởng tổ đoàn kết của 18 xã thuộc Đại Lộc thông qua 8 hội nghị. Được biết, kế hoạch truyền thông cộng đồng đã được Công ty CP Thủy điện A Vương (AVC) khởi xướng tại Đại Lộc sau vài tháng xảy ra “sự cố” xả nước, gây nhiều tranh cãi ngay trong mùa mưa lũ 2009.

Tại cuộc truyền thông lần này, lãnh đạo các nhà máy thủy điện đều khẳng định sự cố năm 2009 chính là bài học đắt giá để các doanh nghiệp thủy điện mở rộng truyền thông cộng đồng, tìm kiếm sự thông hiểu và hợp tác phòng lũ từ chính quyền và người dân vùng ngập lụt sao cho hiệu quả nhất. AVC khởi xướng đã kéo theo sự đồng thuận, cam kết tham gia của 8 nhà máy thủy điện trên sông Vu Gia, được cụ thể hóa bằng việc tiến hành đầu tư hệ thống truyền thông cộng đồng phòng tránh lụt bão, tiến tới lập một bản đồ ngập lụt cho khu vực. Mỗi xã được cấp một bản đồ có đánh dấu các mốc báo mức độ ngập theo mã định vị toàn cầu để quản lý mốc và kiểm soát mức độ ngập nhằm giúp cộng đồng nhận biết để phòng tránh. Không chỉ trang bị các cột mốc báo ngập lụt cho người dân theo dõi, áo phao, radio, loa cầm tay cũng đã được chuyển đến cho chính quyền và nhân dân địa phương. Ông Trương Nhành - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa cho hay, chính việc thông tin tại từng thôn xóm về bão lũ, hướng dẫn cư dân địa phương cách sử dụng vật liệu thông thường tại chỗ để làm áo phao… hoặc chuẩn bị lương thực ngay mùa lũ “tự cứu mình trước khi chính quyền cứu” là cách làm mới của AVC cũng như các nhà máy thủy điện khác.

Không chủ quan

“Thông điệp” chính yếu của kế hoạch truyền thông cộng đồng của các nhà máy thủy điện trên sông Vu Gia đã tiến hành gần 10 năm qua, giúp người dân vùng hạ du có thể nâng khả năng phòng tránh, ứng xử hợp lý trong các tình huống lụt bão thực tế. Ông Trần Sáu ở thôn Song Bình, xã Đại Quang cho biết trước đây, hiện truyền thông cộng đồng của các nhà máy này đến lãnh đạo huyện, xã, thôn, tổ đoàn kết, cộng đồng cư dân và cả học sinh của các trường học tại Đại Lộc đã giúp họ hiểu về lợi ích, hiệu quả, quy trình vận hành liên hồ chứa đã nhận được sự chia sẻ và thông hiểu từ cộng đồng.

Còn ông Phan Bá Ngọc - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đức Hà, xã Đại Nghĩa nói, kế hoạch truyền thông kịp thời, nhưng nếu 8 nhà máy đồng loạt xả lũ cùng lúc như năm 2009 khi hiện tại có thêm đường cao tốc chắn nước thì chắc chắn nhiều nhà dân Đại Lộc sẽ bị lút nóc. Ông Ngọc yêu cầu các nhà máy sớm công bố lịch khí tượng thủy văn, thông báo cho dân biết việc xả lũ sớm, mong nhà máy vận hành đúng quy trình, chứ chỉ thông báo trước 1 hay 2 tiếng đồng hồ thì có biết cũng không thể phòng tránh kịp. Ông Võ Nhật Thu, thôn Mỹ Tây, Đại Quang nói, nếu các nhà máy điều tiết nước đúng quy trình thì không thể xảy ra sự cố ngập lụt như năm 2017. Ông Thu cho biết trận lũ năm 2017, sau 3 tiếng nước rút, tưởng yên tâm đâu ngờ 1 tiếng sau nước lại lên. Hỏi huyện, xã nói thủy điện không xả lũ, nhưng không một ai trả lời được vì sao nước lên thêm 1m giữa đêm. Ông Thu yêu cầu các nhà máy thực hiện đúng quy trình vận hành nhưng cũng có thể nghiên cứu thêm chuyện thượng lưu rút nước. Đáng chú ý, không ít người đề cập chuyện tổn thất nhân mạng thì không thể nói một cách đơn giản là những bài học mà phải nói đến trách nhiệm, lương tâm của mỗi còn người, doanh nghiệp.

Trước những kiến nghị, ông Trương Văn Thời - Trưởng phòng Dự án thủy điện sông Bung 2&4 cho hay, các hồ thủy điện thi công đúng thiết kế phê duyệt, khi vận hành đều có hệ thống quan trắc. Số liệu quan trắc được theo dõi mỗi ngày để phát hiện ra sự cố (nếu có), để thông báo và cảnh báo kịp thời. Nhưng rủi ro vỡ đập này rất thấp, gần như bằng không. Ông Lê Văn Lãm - Phó ban Chuẩn bị đầu tư A Vương nói, thời tiết và biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, nên việc nâng cao ý thức cộng đồng được ưu tiên đặt lên hàng đầu, theo dõi dự báo thời tiết và quy trình vận hành liên hồ chứa của các nhà máy. Sự vận hành của các nhà máy không thể không đúng quy trình. Người dân có đủ thời gian để tiến hành các kế hoạch phòng tránh khi có thông báo xả lũ.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chủ động ứng phó thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO