Nhiều phương án ứng phó thiên tai năm 2016 nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại cho các cơ quan đơn vị và người dân vừa được TP.Tam Kỳ đồng loạt triển khai trên địa bàn.
Sống chung
Những năm qua, trên địa bàn TP.Tam Kỳ không có bão hay lũ lụt lớn. Năm 2015, địa phương chỉ chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3 kèm theo mưa lụt trên diện rộng nhưng nhờ chủ động và triển khai kịp thời các biện pháp phòng tránh nên thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng, chủ yếu là nông nghiệp và đường giao thông. Tuy nhiên, không vì thế mà thành phố xem nhẹ công tác phòng chống thiên tai (PCTT). Theo ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, năm nay, Tam Kỳ là địa phương đầu tiên của tỉnh tổ chức tổng kết năm 2015 và triển khai nhiệm vụ, phương án PCTT năm 2016. Thiên tai diễn biến phức tạp và khó lường nên không thể chủ quan, thụ động trong công tác phòng tránh. Nếu như chủ quan, lơ là hoặc không được quan tâm đúng mức từ công tác chuẩn bị, xây dựng phương án đến việc triển khai thực hiện dễ dẫn đến thiệt hại lớn. Do đó, tại hội nghị triển khai công tác PCTT vừa qua, ông Nam yêu cầu tất cả địa phương, đơn vị, từng thành viên Ban chỉ huy PCTT thành phố chủ động và có trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm túc công tác chuẩn bị ngay từ bây giờ.
Xây dựng phương án phòng chống thiên tai chu đáo giúp người dân giảm thiệt hại do lũ lụt gây ra. Ảnh: X.P |
Nhìn nhận lại công tác PCTT những năm trước, ông Nam cho rằng, công tác tổ chức, chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố và các xã, phường là kịp thời, quyết liệt. Phương án PCTT cũng đã được chuẩn bị khá chu đáo và cụ thể. Đặc biệt, sự phối hợp khá đồng bộ của các cơ quan, đơn vị và các địa phương, huy động được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc. Lãnh đạo chủ chốt của thành phố và các xã, phường đều trực tiếp xuống cơ sở, chỉ đạo đến tận thôn, khối phố. Từ thực tiễn cho thấy, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng về PCTT giữ vai trò hết sức quan trọng. Qua đó, hiện nay người dân đã có nhận thức tốt trong công tác PCTT giúp cho việc chỉ đạo, triển khai thực hiện các phương án của thành phố được thuận lợi và hiệu quả. Nằm trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, lụt nên “sống chung” với thiên tai một cách chủ động là yêu cầu bức thiết để hạn chế thấp nhất thiệt hại. Tuy nhiên, theo UBND TP.Tam Kỳ, thực tế một số địa phương không đảm bảo thông tin liên lạc khi tình huống thiên tai xảy ra theo quy định; thậm chí một số thành viên Ban chỉ huy PCTT thành phố được phân công đứng điểm chỉ đạo các địa phương cũng không có thông tin kịp thời. Dù đã tuyên truyền, vận động nhưng nhiều người vẫn còn chủ quan, chưa nghiêm túc chấp hành sự chỉ đạo của thành phố về di dời lên các địa điểm bố trí sẵn để phòng tránh bão. Những tồn tại này cần sớm khắc phục triệt để.
Cụ thể và chi tiết
Theo nhận định của ngành khí tượng thủy văn, năm 2016 hiện tượng El Nino nhiều khả năng sẽ chấm dứt vào giữa năm và hiện tượng Enso trở về trạng thái trung tính. Khả năng La Nina xuất hiện vào cuối năm 2016 là tương đối cao, có khả năng bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông sẽ ít và muộn hơn trung bình nhiều năm. Dù vậy, để chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của thời tiết năm nay, TP.Tam Kỳ đã xây dựng phương án PCTT khá chi tiết và cụ thể theo phương châm “4 tại chỗ”. Đó là, việc dự trữ lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu và huy động lực lượng PCTT phải được chủ động theo từng cấp thôn, khối phố, xã, phường trước khi có sự chi viện từ bên ngoài. Để chuẩn bị cho công tác PCTT năm 2016, thành phố đã kiện toàn Ban chỉ huy PCTT thành phố, phân công các thành viên phụ trách các xã, phường, kiểm tra kế hoạch, phương án của từng địa phương. Là địa phương có một số xã nằm ven biển, sông, vùng sạt lở, vì vậy thành phố thành lập thêm 5 tổ công tác phụ trách di dời dân và khắc phục hậu quả do lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của thành phố trực tiếp điều hành.
Thành phố cũng chỉ đạo các xã, phường tự chủ động và triển khai phương án di dời dân nội bộ trong địa phương khi có thiên tai xảy ra. Địa điểm để đưa dân đến là các cơ quan, trường học, nhà kiên cố hiện có tại địa phương. Riêng với trường hợp thiên tai lớn như bão cấp 12 trở lên, các cơ quan đơn vị nhanh chóng thực hiện di dời toàn bộ nhân dân xã Tam Thanh lên khu vực nội thành. Theo phương án của thành phố, người dân các thôn và địa điểm chuyển đến được xác định một cách khá cụ thể, như thôn Hạ Thanh 1 sơ tán tại Đại học Quảng Nam, thôn Hạ Thanh 2 tại Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam, thôn Thanh Đông tại Cao đẳng Phương Đông, thôn Thanh Tân tại Cao đẳng Công kỹ nghệ Đông Á, thôn Thượng Thanh tại Cao đẳng Y tế Quảng Nam, thôn Trung Thanh tại Trường THPT Trần Cao Vân, thôn Tỉnh Thủy tại trụ sở Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh. Hợp tác xã Vận tải và kinh doanh tổng hợp Tam Kỳ được giao nhiệm vụ chuẩn bị phương tiện để di dời dân khi thiên tai xảy ra. Ngoài ra, thành phố còn xây dựng phương án ứng phó với một số tình huống cụ thể như ngập lụt cục bộ, cây cối ngã đổ cản trở giao thông, sập nhà cửa, quốc lộ 1 tắc nghẽn giao thông hay trường hợp hồ Phú Ninh bị sự cố. Nói chung, tất cả phương án xử lý đối với các tình huống cụ thể được xây dựng khá chi tiết nhằm giúp cho công tác PCTT thực hiện hiệu quả.
XUÂN PHÚ