Tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn năm 2013, UBND tỉnh yêu cầu ngành liên quan, chính quyền các địa phương cần khẩn trương chuẩn bị mọi điều kiện để chủ động đối phó nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản…
Cần vận động người dân vùng cao xây dựng những kho dự trữ lương thực tại các buôn làng.Ảnh: N.S |
Nhiều bất cập
Năm 2013, Quảng Nam chịu ảnh hưởng 5 cơn bão, trong đó cơn bão Nari với sức gió giật cấp 12 - 13 đã đổ bộ trực tiếp vào những huyện, thành phố thuộc khu vực phía bắc. Ngoài ra, từ tháng 9 - 11 năm ngoái, Quảng Nam cũng hứng chịu 5 đợt lũ lớn ở mức báo động 2 đến trên báo động 3. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, năm qua số lượng các đợt lũ xuất hiện nhiều hơn và đỉnh lũ cũng cao hơn trung bình nhiều năm. Không chỉ vậy, toàn tỉnh còn xảy ra 6 đợt lốc xoáy, chủ yếu ở huyện Nam Trà My, Tiên Phước, Thăng Bình, Bắc Trà My, Hiệp Đức.
Ông Lê Thành Lưu – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho hay, đến nay đã có 5 doanh nghiệp thương mại – dịch vụ và 18 huyện, thành phố xây dựng kế hoạch dự trữ với số lượng 178.122 thùng mỳ ăn liền, 14.473 thùng lương khô, 7.084 tấn gạo, 139.707 thùng nước uống đóng chai, 1.324.725 lít xăng, 1.234.000 lít dầu diezen, 513.435 lít dầu hỏa, 91.127 tấm tôn lợp, 596 tấn đinh vít, 269 tấn dây thép cùng 52.208 tấn hàng lương thực, thực phẩm khác. Trong khi đó, ông Đào Bội Thuyên - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức nêu ý kiến: “Việc dự trữ của chính quyền địa phương, ngành liên quan chỉ ở mức độ nào đó thôi. Cái cốt lõi nhất là người dân phải lo chuẩn bị những nhu yếu phẩm cho gia đình mình chứ không nên trông chờ vào sự chi viện của cấp trên”. |
Mới đây, tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn năm 2013, nhiều đại biểu cho rằng thời gian qua việc đối phó với thiên tai còn bộc lộ nhiều tồn tại. Theo đó, lực lượng cán bộ chuyên trách phòng chống bão lũ không đảm bảo yêu cầu, ở tuyến tỉnh thì quá mỏng, còn ở tuyến huyện và xã thì… chưa có. Số lượng cộng đồng dễ bị tổn thương nhiều, trong khi năng lực ứng phó tại chỗ của chính quyền và nhân dân chưa tốt vì thiếu phương tiện, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng an toàn… Ông Võ Văn Điềm – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói: “Công tác trực ban của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, xã có lúc chưa nghiêm túc, nhất là trong những ngày cuối tuần một số đơn vị không có người trực để theo dõi nên các công điện, bản tin, văn bản chỉ đạo của tỉnh không được xử lý kịp thời. Ở cấp huyện, xã, thôn chưa sử dụng hết công cụ liên lạc hiện có để phổ biến nội dung chỉ đạo của cấp trên cũng như những cảnh báo, dự báo từ ngành chuyên môn nên người dân nhận thông tin chậm hoặc không có thông tin”. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ người dân còn tư tưởng chủ quan, không lo chằng chống nhà cửa nên khi bão to, lũ lớn xuất hiện thì hoảng loạn. Đặc biệt, nhiều ngư dân thiếu ý thức chấp hành và hợp tác trong việc đưa phương tiện vào nơi trú ẩn an toàn cũng như rời khỏi tàu thuyền trước thời điểm thiên tai ập tới.
Đánh giá về công tác tìm kiếm cứu nạn, nhiều ý kiến cho rằng khâu tuyên truyền, quản lý hoạt động của tàu thuyền ở các huyện, thành phố còn gặp khó khăn. Một số phương tiện đánh bắt hải sản trên biển không giữ liên lạc với đài thông tin tìm kiếm cứu nạn, gây trở ngại cho việc thông báo tình hình bão, áp thấp nhiệt đới và điều động phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn khi tình huống xấu xuất hiện. Công tác dự báo, khoanh vùng những khu vực có khả năng xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở một vài địa phương chưa được tiến hành thường xuyên. Việc tổ chức lực lượng, phương tiện thường trực tìm kiếm cứu nạn tại không ít đơn vị, địa phương còn chưa nghiêm túc và lúc có tình huống thì xử lý lúng túng…
Chủ động đối phó
Theo ông Trương Tuyến – Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, nhiều khả năng từ tháng 8 - 12.2014 Quảng Nam sẽ chịu ảnh hưởng 1 - 2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có thể xuất hiện 4 - 5 đợt lũ với đỉnh lũ cao hơn mức trung bình nhiều năm, tập trung chủ yếu vào tháng 10 và 11 dương lịch. Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh yêu cầu các địa phương cùng ngành chức năng ngay từ bây giờ phải tập trung mọi nỗ lực để chuẩn bị tốt những khâu cần thiết nhằm chủ động đối phó với thiên tai. Những ngày tới các đơn vị liên quan và địa phương cần khẩn trương bổ sung, hoàn thiện tất cả phương án đối phó với bão lũ theo hướng đảm bảo phương châm “4 tại chỗ”, gồm vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ. Đặc biệt, Sở NN&PTNT phải nhanh chóng phối hợp với các địa phương và chủ dự án đẩy nhanh tiến độ xây dựng những khu tái định cư để di dời các hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi ở mới an toàn, đảm bảo hoàn thành ngay trong tháng 9.2014. Đồng thời chỉ đạo Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản thường xuyên làm tốt công tác kiểm định, thanh tra, kiểm tra chặt chẽ an toàn hàng hải đối với các phương tiện nghề cá trên biển. Bên cạnh đó, cần chủ động kết hợp với Sở Công Thương, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện nhằm kịp thời phát hiện những hư hỏng hoặc nguy cơ tiềm ẩn gây sự cố để chỉ đạo chủ công trình xử lý triệt để trước mùa mưa bão.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cũng đề nghị các địa phương, đơn vị phải sớm củng cố lại Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn, nhất là tuyến cơ sở. Đây là một trong những khâu rất quan trọng, vì nếu không quan tâm kiện toàn bộ máy thì công tác chỉ đạo, điều hành sẽ hết sức lúng túng, dẫn đến việc phòng chống bão lũ không mang lại hiệu quả cao. Cũng theo đồng chí Nguyễn Ngọc Quang, Quảng Nam thường xuất hiện mưa lũ vào thời điểm cuối vụ hè thu, vì thế nông dân cần tập trung thu hoạch những ruộng lúa đã chín nhằm hạn chế thiệt hại do ngập úng kéo dài.
Theo nhiều đại biểu, để tránh xảy ra tình trạng thiếu đói, dịch bệnh… Sở Công Thương cần phối hợp với chính quyền các địa phương khẩn trương dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm nhằm kịp thời hỗ trợ cho dân khi xảy ra tình huống xấu. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh nói: “Khâu này là vô cùng cần thiết, vì vậy tôi yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm phải lập tức thực hiện, bởi bão lũ đã sát bên lưng. Tuy nhiên, cần lưu ý, việc dự trữ phải đảm bảo cung cấp cho dân sử dụng trong vòng 10 - 15 ngày, nhất là đối với đảo Cù Lao Chàm và những vùng núi cao, biên giới thường bị cô lập dài ngày”.
NGUYỄN SỰ