Chủ động ứng phó với dịch bệnh do vi rút Zika

CHÂU NỮ - PHÚC VIỆT 21/03/2016 09:28

Đến nay Quảng Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika. Tuy nhiên, nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng cũng như khả năng bùng phát dịch lớn tại cộng đồng là rất cao. Tại Quảng Nam, công tác phòng chống dịch đang được ngành y tế quan tâm.

Nỗi lo

Thông tin từ Sở Y tế, tính đến giữa tháng 3.2016, bệnh do vi rút Zika đã xuất hiện tại 54 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có một số nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Philippines… Theo nhận định của bác sĩ Nguyễn Văn Sơn - Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế), Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng có đường biên giới, có sự giao lưu thương mại với các quốc gia đang có dịch. Hơn nữa, hằng năm Quảng Nam đón lượng khách du lịch khá lớn, nhưng người dân lại không có miễn dịch đối với vi rút Zika nên nguy cơ có dịch phải được tính đến. Bác sĩ Trần Văn Hoàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khuyến cáo, thời gian qua, dịch sốt xuất huyết đã xảy ra trên địa bàn tỉnh với sự lưu hành của loài muỗi Aedes mà nguyên nhân lây bệnh do vi rút Zika phổ biến nhất là vì muỗi Aedes truyền. Gần đây, muỗi có xu hướng phát triển tại các địa phương trong tỉnh. Trong khi đó, việc phun hóa chất diệt muỗi chỉ có tác dụng trong vòng 1 tuần trở lại. Do vậy, người dân nên chủ động diệt lăng quăng, bọ gậy, thau rửa chum vại, vệ sinh môi trường, thả cá, diệt muỗi, mặc áo dài tay phòng muỗi đốt… để phòng bệnh do muỗi truyền.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tập huấn phòng chống vi rút Zika. Ảnh: THÙY AN
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tập huấn phòng chống vi rút Zika. Ảnh: THÙY AN

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, bệnh do vi rút Zika chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cũng như chưa có vắc xin dự phòng và chưa có phương pháp xét nghiệm chẩn đoán nhanh. Bệnh có thể có biến chứng về thần kinh như viêm màng não, hoặc hội chứng não bé ở trẻ sinh ra từ bà mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai. Hơn nữa, bệnh có triệu chứng tương tự sốt xuất huyết, rất khó phân biệt. Đáng chú ý, có khoảng 80% trường hợp nhiễm vi rút không có biểu hiện lâm sàng nên rất khó phát hiện, chẩn đoán và khống chế dịch. Do vậy, Sở Y tế luôn theo dõi sát và thông tin kịp thời diễn biến nguy cơ của bệnh. “Sở đã lập kế hoạch hành động phòng chống dịch bệnh cũng như tăng cường các biện pháp giám sát để phát hiện sớm trường hợp nhiễm bệnh, xử lý triệt để, kịp thời các ổ dịch, không để lây lan, bùng phát ra diện rộng. Đồng thời cũng chuẩn bị sẵn sàng điều trị tích cực nếu xảy ra dịch bệnh để hạn chế biến chứng và tử vong” - bác sĩ Sơn cho biết.

Sẵn sàng ứng phó

Triệu chứng và cách phòng bệnh do vi rút Zika

Bệnh do vi rút Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền. Thời gian ủ bệnh từ 3 đến 12 ngày. Người mắc bệnh thường có biểu hiện sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc mắt và có một số triệu chứng khác như đau khớp, đau cơ, nhức đầu. Các triệu chứng, phương thức lây truyền của bệnh do vi rút Zika giống với bệnh sốt xuất huyết. Hầu hết trường hợp mắc bệnh đều có khả năng hồi phục hoàn toàn, song đáng chú ý là hiện nay đã có sự gia tăng đáng kể các trường hợp mắc chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh tại khu vực có dịch bệnh do vi rút Zika lưu hành. Ngoài lây truyền do muỗi, còn có một bằng chứng cho thấy vi rút có thể lây truyền qua đường máu, tình dục và từ mẹ sang con.

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh do vi rút Zika. Phòng bệnh chủ yếu bằng hạn chế đi đến vùng lưu hành dịch Zika, nhất là phụ nữ có thai hoặc dự định có thai trong vòng 6 tháng tới không nên đến các quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika khi không cần thiết; hạn chế muỗi đốt như: mặc quần áo kín, sáng màu, dùng các thuốc xua đuổi côn trùng, nằm màn...  Người trở về từ quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) đang trong quá trình mang thai hoặc dự định có thai để tránh những biến chứng có thể xảy ra đối với thai nhi.(NGUỒN: BỘ Y TẾ)

Để phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika gây nên, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý dịch, nhất là tại sân bay và cửa khẩu. Ngành y tế đã chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, sinh phẩm y tế, hóa chất, vật tư xét nghiệm để chẩn đoán xác định trong trường hợp nghi ngờ bệnh nhân có nhiễm vi rút Zika.

Theo bác sĩ Trần Văn Hoàn, đến nay các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã trang bị đầy đủ phương tiện để sẵn sàng ứng phó với bệnh do vi rút Zika. Mới đây, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã mở lớp tập huấn cho cán bộ y tế các bệnh viện công, bệnh viện tư và trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố để trang bị kiến thức về 3 tình huống ứng phó với dịch bệnh: khi chưa ghi nhận ca bệnh tại Quảng Nam, ghi nhận ca bệnh rải rác và khi dịch lây lan trong cộng đồng cũng như phương án ứng phó với dịch bệnh. Đặc biệt, ngành y tế tổ chức giám sát chặt chẽ những người đến từ các vùng, các quốc gia có ca bệnh như châu Mỹ, châu Phi hay Thái Lan, Lào, Campuchia, Philippines…

Những ngày qua, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tập trung tuyên truyền bệnh do vi rút Zika tại cộng đồng và tăng cường công tác giám sát tại các cửa khẩu, đặc biệt là cửa khẩu đường biển như cảng quốc tế Kỳ Hà (Núi Thành). Tại đây, nếu phát hiện các trường hợp bị ốm, sốt, có triệu chứng nghi ngờ từ các chuyến tàu cập cảng, cán bộ y tế sẽ cách ly điều trị hoặc yêu cầu họ tự theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày. Cho đến lúc này có thể nói, các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, khu vực cách ly, giường bệnh; sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân. Đội ngũ cấp cứu lưu động của tỉnh cũng đã được kiện toàn để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi có yêu cầu.

CHÂU NỮ - PHÚC VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chủ động ứng phó với dịch bệnh do vi rút Zika
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO