|
Các phương án phòng chống lụt bão (PCLB) tại chỗ, đặc biệt là ứng phó với ngập lụt đang được các địa phương vùng hạ lưu như Nông Sơn, Đại Lộc, Điện Bàn chuẩn bị kỹ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong mùa lũ.
Nông Sơn: Ứng phó tại chỗ
Nông Sơn là một trong những huyện trung du thường xuyên chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Rút kinh nghiệm từ những đợt bão lũ 2013, chính quyền và nhân dân huyện đang tích cực chuẩn bị phương án “4 tại chỗ” nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do lụt bão gây ra. Vợ chồng bà Võ Thị Mười (thôn Trung Phước 2, xã Quế Trung) năm nay đã 82 tuổi, do phải thường xuyên chịu thiệt hại do mưa lũ nên năm nay gia đình đã tích cực chuẩn bị các phương án phòng chống. Bà Mười cho biết: “Năm nay, gia đình tôi cơi nới làm thêm “gác xếp” đựng lúa, gạo để khi mưa bão có chỗ trú thân chứ như năm trước, cả gia đình phải bám trên nóc nhà rất nguy hiểm. Các con tôi cũng đang gia cố những chiếc ghe nan đề phòng có sự cố ngập lụt xảy ra”. Cách nhà bà Mười không xa, gia đình anh Nguyễn Văn Đúc cũng chuẩn bị các điều kiện cần thiết để PCLB. “Năm nay, nhiều gia đình ở đây đóng từ 1 - 2 chiếc thuyền đề phòng sự cố trong lũ. Các vật dụng cần thiết như thang gỗ, kềm, búa, bao cát… đã được chuẩn bị để chằng chống nhà cửa. Nhiều nhà cũng đã tích trữ lương thực thực phẩm đảm bảo cho cả gia đình trong cả mùa mưa bão” – anh Đúc chia sẻ.
Người nông dân xây dựng chuồng trại lên cao để tránh lụt. Ảnh: C.T |
Theo ông Trần Văn Bối - Trưởng thôn Trung An (xã Quế Trung), địa phương cách trở về giao thông, một bên là sông Thu Bồn một bên là núi. Vào mùa mưa bão, tuyến độc đạo dẫn đến trung tâm huyện bị chia cắt hoàn toàn nên công tác cứu nạn, cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều năm qua, bão lũ gây thiệt hại nghiêm trọng đến nhà cửa, hoa màu của nhân dân trong vùng. Để ứng phó với bão lụt, ngay từ tháng 8.2014, Ban dân chính thôn đã lập kế hoạch, phương án ứng phó tại chỗ. Ban chỉ huy PCLB thôn được kiện toàn, trang bị đầy đủ phương tiện như ghe, xuồng để liên kết các vùng bị chia cắt. Các tổ ứng cứu tại chỗ được thành lập để kịp thời giúp đỡ, vận động, di dời dân ở vùng trũng thấp, sạt lở trong thôn đến nơi an toàn… Địa phương khuyến cáo mỗi hộ dân trong thôn chuẩn bị đầy đủ vật dụng, nhu yếu phẩm, thuốc men… đảm bảo sử dụng từ 10 ngày đến nửa tháng khi có bão lũ.
Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, Nông Sơn là vùng rốn lũ. Mùa lũ, nước đổ về từ sông Thu Bồn và từ hồ thủy điện Sông Tranh 2 với lưu lượng lớn gây ngập lụt cục bộ. Toàn huyện có hơn 7.350 hộ thì đến 70% số hộ sống trong vùng ngập lụt, vùng đồi núi có nguy cơ sạt lở. Trong khi đó, phương án di dời người dân tới vùng tái định cư là điều quá sức đối với một huyện nghèo mới thành lập. Vì vậy phương châm “chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương có hiệu quả” được huyện quán triệt đến từng xã, từng thôn và tuyên truyền đến từng hộ. “Bằng lực lượng tại chỗ, phát huy sức mạnh của cộng đồng dân cư, Ban chỉ huy PCLB huyện đã xây dựng phương án sơ tán các hộ dân đến nơi an toàn khi có lũ lụt xảy ra. Theo đó, khi lũ trên sông Thu Bồn lên báo động II, các xã thực hiện di dân đến khu vực đồi cao, các trường học và trụ sở UBND các xã. Không lơ là, chủ quan, Ban chỉ huy PCLB huyện luôn sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật dụng, lương thực thiết yếu để ứng cứu cho người dân vùng lũ” - ông Hòa nói.
Đại Lộc: Chú trọng vùng xung yếu
Xây nhà cao chống lũ lụt Thường xuyên bị thiệt hại bởi ngập lụt, năm nay nhiều người dân ở huyện Điện Bàn đầu tư xây dựng công trình kiên cố, cao ráo nhằm hạn chế thiệt hại. Quý IV năm 2013, xã Điện Quang (Điện Bàn) triển khai thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến khâu hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Địa phương có 11 nhà được hỗ trợ xây mới (42 triệu đồng/nhà), hỗ trợ sửa chữa 58 nhà (21 triệu đồng/nhà). Theo quy định, nhà khi xây dựng phải đạt tiêu chí “3 cứng” gồm tường cứng, nền cứng và mái cứng, nhưng do đặc thù của địa phương nằm trong vùng thường xuyên bị bão lụt đe dọa, xã đề nghị các thôn quán triệt người dân lúc xây dựng, sửa chữa lại nhà có thể nền không cứng song nhất thiết cần có địa điểm phù hợp “sống chung” với thiên tai. “Chúng tôi đã mời các hộ trên đến họp và đả thông tư tưởng, yêu cầu họ cam kết nhà được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa phải đổ gác lửng bằng bê tông xi măng để PCLB” - bà Trần Thị Kim Thoa, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Quang chia sẻ. Nhằm tránh đàn bò hàng chục con khỏi bị cuốn trôi và đảm bảo thức ăn cho chúng qua mùa đông, lão nông Trần Kim Giảng ở thôn Bến Đền Tây (xã Điện Quang) đã xây nền móng chuồng cao hơn so với mức lũ lụt lớn nhất xảy ra những năm trước. Đồng thời ông cùng người con trai đem rơm rạ thu hoạch được từ vụ hè thu về chất thành cây cao, phòng khi nước lớn có thức ăn cho đàn bò. Theo ông Trần Kim Sơn - Trưởng ban nhân dân thôn Bến Đền Tây, nhiều hộ dân chăn nuôi trâu bò, heo nơi đây đã đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố trên cao đảm bảo lũ lụt không gây ngập. Ngoài ra, mỗi nhà đều “thủ” cây rơm bên cạnh chuồng nuôi gia súc, tránh tình trạng bỏ đói gia súc khi lũ lụt bao vây. Cách làm này hiện nay được người dân ở 3 xã của vùng Gò Nổi và các địa phương khác của huyện Điện Bàn triển khai thực hiện. Ông Trần Văn Mỹ - Chủ tịch UBND xã Điện Phong cho biết: “Thời gian trước đây, hễ cứ qua trận lũ lụt là trâu bò, heo, gà vịt bị nước dữ cuốn trôi hết vì không có chỗ cho chúng ở. Gạo thóc cũng hư hại vì nước lụt. Năm nay nhiều người dân địa phương đã đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố. Phần dưới để trống nhằm tối lùa gia súc đi ăn ngoài đồng vào. Phía trên, bà con đổ sàn bằng bê tông cốt thép cao hơn mực nước lụt lớn nhất từng xảy ra để tập kết rơm rạ, đưa gia súc, gia cầm lên ở khi nước sông dâng cao”.(CÔNG TÚ) |
Thời điểm này, nhiều địa phương tại Đại Lộc, đặc biệt là các vùng xung yếu đã chuẩn bị nhiều phương án ứng phó, thích ứng với bão lũ. Toàn huyện có 137 thôn, vào mùa mưa lũ, hàng chục hộ dân trên địa bàn có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp do sinh sống ở khu vực có nguy cơ sạt lở núi thuộc các xã Đại Tân, Đại Hồng, Đại Sơn…; vùng đối diện với nguy cơ sạt lở sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Côn; và vùng có nguy cơ ngập sâu và lũ quét, lũ cát hay bị đe dọa bởi an toàn hồ đập (Đại Hưng, Đại Sơn, Đại Hiệp…). Theo ông Phan Đức Tính - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, mùa mưa lũ 2014 này, khả năng mức độ ngập sâu trong lũ ở các địa phương từ Đại Nghĩa trở lên Đại Hưng sẽ lớn hơn các năm vì nhiều nguyên nhân: việc tích nước của thủy điện Sông Bung 4, dự án xây dựng đường cao tốc đi qua địa phận Quảng Nam, sự hình thành của những tuyến kè ven sông Vu Gia… “Với những nguy cơ này, ngay cả khi vùng hạ du không có mưa nhưng nếu thượng nguồn có mưa to thì chuyện thủy điện xả lũ và mực nước ở mức báo động III vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, điểm mới trong khâu PCLB năm nay là huyện không sơ tán dân theo từng mức độ ngập lũ như cũ mà khi có báo động thì những hộ dân thuộc diện sơ tán phải khẩn trương di chuyển đến nơi an toàn” - ông Tính nói.
Khu Nghĩa Nam (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) thuộc vùng trũng thấp, phần lớn dân cư sống dọc 2 bên bờ Vu Gia, vào mùa mưa lũ, toàn bộ hệ thống giao thông, đường sá nơi này bị chia cắt, cô lập. Với mức báo động lũ cấp II, cấp III, nhiều nhà dân sẽ ngập sâu trong nước 1 - 2m. Ông Lê Văn Toàn - Trưởng ban Dân chính khu Nghĩa Nam cho hay, do địa hình trũng thấp nên công tác PCLB được tích cực chú trọng. Ban chỉ huy và các thành viên tổ xung kích đã được cấp phát 8 áo phao, cấp radio phục vụ PCLB. Nhà nào cũng chuẩn bị ghe thuyền ứng phó sự cố. “Danh sách những hộ thuộc diện di dời đã được thiết lập, khi có báo động bão lũ, chúng tôi sẽ khẩn trương di dời 10 hộ gồm các đối tượng già yếu, neo đơn, nhà cấp 4 không đảm bảo… đến nơi ở an toàn, cao ráo” - ông Toàn nói.
Mùa lũ, thôn Giảng Hòa (xã Đại Thắng) như một “ốc đảo” bởi sau lưng là sông Thu Bồn, trước mặt là con lạch nhỏ xâm thực sâu vào làng, cô lập. Ông Huỳnh Đến - Trưởng thôn Giảng Hòa cho biết: Đất sản xuất vòng 1 của thôn đã mất trắng, thôn đã bị sạt lở hơn nửa. Con lạch nhỏ mỗi năm tiếp tục “ngoạm sâu” vào làng 5 - 10m, trồng tre giữ làng cũng không ăn thua. Từ năm 1980 đến nay, hơn 200 hộ của thôn đã được bố trí ở khu mới thuộc làng Phú Thuận và làng Phú Ninh (Đại Thắng). Giảng Hòa chỉ còn 70 hộ bám trụ để sản xuất, giữ làng. Vì vậy, mưa lũ tới, xã luôn bố trí sẵn ca nô đưa toàn bộ người già và hộ có nhà cửa tạm bợ, thiếu kiên cố đi sơ tán.
HOÀNG LIÊN - MINH THÔNG