(QNO) - Chiều nay 26/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh có văn bản yêu cầu chủ động ứng phó với mưa lớn và nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh.
Theo bản tin của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, từ nay đến ngày 28/10, các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Từ đêm nay đến ngày 29/10, các sông trên địa bàn tỉnh khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, biên độ lũ lên ở thượng lưu đạt từ 3-5m, hạ lưu đạt từ 1,5-3m. Mưa lớn gây ra nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, sông, suối nhỏ; gây ngập úng tại các vùng thấp trũng, nơi tập trung đông dân cư.
Để chủ động ứng phó với bão, mưa lũ, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các địa phương, cơ quan, đơn vị theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về bão, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình, chủ phương tiện vận tải thủy, đơn vị khai thác khoáng sản, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó. Chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản theo phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro trên địa bàn đã được phê duyệt.
Rà soát các khu vực không đảm bảo an toàn, nhất là khu vực bị ngập sâu, chia cắt, vùng trũng thấp ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm việc vớt củi, đánh bắt cá, người và phương tiện đi lại, di chuyển trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm tràn, trên các sông, suối, hồ chứa nước. Kiên quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực ngập sâu, nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất.
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam, Báo Quảng Nam và đài truyền thanh các địa phương quan tâm thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến thiên tai; tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh.
Các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện trực ban, kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý sự cố. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước của các hồ chứa, duy trì thông tin báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên; thực hiện tốt việc thông báo, thông tin đến vùng hạ du và vận hành điều tiết hồ đảm bảo theo đúng quy trình được cấp thẩm quyền phê duyệt.