Chủ động ứng phó với thủy điện xả lũ

TRẦN HỮU 13/12/2016 09:16

Trong các đợt nhà máy thủy điện xả lũ vừa qua, các địa phương trong tỉnh đã thống kê bước đầu về thiệt hại người và tài sản. Điều đáng chú ý, những rủi ro, thiệt hại đã được hạn chế thấp nhất nhờ cơ chế vận hành, xả lũ tuân thủ theo quy trình.

Mùa lũ năm nay các nhà máy thủy điện phía thượng nguồn đều thông báo xả lũ kịp thời để hạ du chủ động ứng phó.Ảnh: TRẦN HỮU
Mùa lũ năm nay các nhà máy thủy điện phía thượng nguồn đều thông báo xả lũ kịp thời để hạ du chủ động ứng phó.Ảnh: TRẦN HỮU

Hạn chế rủi ro

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, trận mưa lũ từ ngày 28.11 đã gây thiệt hại nặng nề cho Quảng Nam với 3 người tử vong; 1.409 ngôi nhà bị ngập; 7 nhà thiệt hại nặng; 291ha lúa bị mất trắng, 2.190ha hoa màu bị ngập úng và dập nát, 22ha đất nông nghiệp bị xói lở và bồi lấp; 30 nghìn mét khối đất bị sạt lở trên quốc lộ 40B tại huyện Bắc Trà My; 154ha ao nuôi tôm bị thiệt hại... Ước tính tổng thiệt hại khoảng 220 tỷ đồng. Điều đáng nói, do chủ động phòng tránh lũ lụt nên số gia súc, gia cầm ít bị thiệt hại. Nằm ở vùng rốn lũ, xã Đại Lãnh (Đại Lộc) có 2 thôn bị cô lập trong lũ. Tuyến ĐT609 từ trung tâm huyện về xã qua cầu Khe Trên bị ngập sâu, gần như người dân địa phương phải dùng xe bò, ghe để lưu thông trong ngày lũ.

Theo ông Ngô Xuân Yến - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh, trong thời gian mưa lũ, chính quyền đã nhận thông báo xả lũ từ 3 nhà máy thủy điện trên thượng nguồn. Cụ thể, 23 giờ khuya 1.11, thủy điện Sông Bung 4 đã xả lũ với lưu lượng 77 đến 1.250m3/s; nhà máy thủy điện Sông Bung 4A thông báo xả lũ 100 đến 1.250 m3/s từ 5 giờ sáng 2.11; nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 thông báo bắt đầu xả lũ với lưu lượng từ 900 đến 2.400 m3/s vào 14 giờ chiều 2.11. Nhờ thông báo xả lũ của các thủy điện, chính quyền xã nhanh chóng phát thanh trên các loa đài của xã nên người dân nắm bắt được thông tin để di chuyển các tài sản, gia súc, gia cầm lên vị trí cao ráo.

Trước và trong mùa mưa, Công ty CP Thủy điện A Vương đã phối hợp với chính quyền huyện Đại Lộc tuyên truyền phòng tránh giảm nhẹ thiên tai. Qua các đợt tuyên truyền, công ty cấp cho cán bộ, nhân dân hàng ngàn áo phao, radio, loa cầm tay. Hiện Đại Lộc đã cắm cả trăm cột mốc báo lũ, các cụm loa tuyên truyền công cộng. Theo chính quyền huyện Đại Lộc, các đợt xả lũ vừa qua, tuy còn một số hạn chế nhất định, nhưng nhờ các nhà máy thủy điện thông báo thời gian xả lũ sớm nên địa phương đã kịp thời tuyên truyền, vận động dân sơ tán an toàn. Tuy nhiên, chính quyền huyện Đại Lộc cũng kiến nghị cần xây dựng nhiều hơn các trạm đo mưa tại các hồ thủy điện. Xây dựng bản đồ ngập lụt gắn với tình huống thủy điện xả lũ. Chẳng hạn, cần chi tiết mực nước sông hạ du đang ở báo động nào, thủy điện xả lũ lưu lượng bao nhiêu, ngập đến đâu để người dân chủ động phòng tránh.

Không gây lũ chồng lũ

Hạ lưu sông Vu Gia bị tác động bởi các thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Đắk Mi 4, Sông Côn 2. Còn hạ lưu sông Thu Bồn chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các công trình thủy điện Sông Tranh 2 và xả nước phát điện của thủy điện Đắk Mi 4. Vì vậy, đưa ra quy định mỗi hồ chứa thủy điện xây dựng phương án phòng chống lũ lụt cho hạ du là chưa phù hợp với điều kiện thực tế. Ông Trương Xuân Tý - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề xuất, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần kiểm tra, xây dựng lại phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du sông Vu Gia và Thu Bồn trên cơ sở tính toán điều tiết xả lũ hợp lý của các thủy điện trên một lưu vực sông. Ngoài ra, các  đơn vị quản lý hồ thủy điện tăng cường cắm mốc cảnh báo lũ ở vùng hạ du.

Theo Quyết định số 1537/QĐ-TTg ngày 7.9.2015 của Thủ tướng Chính phủ, trong thực tế mùa lũ, việc vận hành điều tiết lũ cho vùng hạ du đối với các hồ chứa thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2 đều dựa vào lưu lượng lũ về hồ chứa, mực nước tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa (đối với hồ A Vương, Sông Bung 4 và Đắk Mi 4) và Trạm thủy văn Câu Lâu (đối với hồ Sông Tranh 2) nên thực chất các hồ chứa độc lập vận hành giảm lũ cho vùng hạ du. Theo quy định của Quyết định 1537/QĐ-TTg, khi có bản tin dự báo thời tiết nguy hiểm gây lũ mà trong 24 giờ đến 48 giờ có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia thì Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh quyết định vận hành để đưa mực nước hồ về mực nước đón lũ. Nghĩa là mực nước tại hạ du nhỏ hơn báo động 2. Cho nên, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề xuất Bộ TN&MT tính toán các kịch bản vận hành có sự phối hợp tham gia điều tiết lũ của các hồ chứa thủy điện trên lưu vực tương ứng với mức báo động lũ tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa và Câu Lâu; báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung nội dung Quyết định 1537/QĐ-TTg trong mùa lũ.

Các đợt xả lũ vừa qua, tuy một số nơi bị ngập nước cục bộ nhưng hạ du đã được cảnh báo trước nên hạn chế đáng kể thiệt hại về người và tài sản. ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh khẳng định, vùng hạ du, trong đó có TP.Hội An chìm trong biển nước hơn tuần qua chưa hẳn do thủy điện xả tràn mà phần lớn do triều cường và mưa lớn. Lưu lượng xả tràn của các hồ thủy điện thực tế nhỏ hơn nhiều so với lưu lượng lũ về các hồ. “Chúng tôi ra lệnh xả lũ khi thấy ở hạ du mưa chưa nhiều, mực nước các sông còn thấp trong khi ở thượng nguồn đang mưa lớn. Việc xả tràn các hồ nhằm đón lũ một cách chủ động để tích lũ chính nếu xuất hiện ở thượng nguồn, không gây lũ chồng lũ ở hạ du” - ông Đức quả quyết.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chủ động ứng phó với thủy điện xả lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO