Kinh tế

Chủ động vùng nguyên liệu để nâng cao giá trị trầm hương Trung Phước

PHAN VINH (phanphuocvinhqn@gmail.com) 09/05/2025 15:51

(QNO) - Những năm qua, để duy trì và phát triển bền vững, các cơ sở sản xuất trầm hương ở thị trấn Trung Phước (Quế Sơn) đang nỗ lực thay đổi phương thức sản xuất, chủ động đầu tư hình thành vùng nguyên liệu và nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước xây dựng chuỗi liên kết khép kín, giảm phụ thuộc vào thị trường bên ngoài và khẳng định thương hiệu trên thị trường nội địa và quốc tế.

dsc08378.jpg
Sản phẩm trầm mỹ nghệ của Trung Phước được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Ảnh: PHAN VINH

Thay đổi để thích nghi thị trường

Hơn 15 năm gắn bó với nghề trầm hương, anh Nguyễn Đức Phương (SN 1983, thị trấn Trung Phước) vẫn còn nhớ như in thời kỳ đỉnh cao của làng nghề vào những năm 2010 - khi sản phẩm trầm mỹ nghệ, trầm trang sức từ Trung Phước được thương lái săn đón, đưa sang tiêu thụ tại các hội chợ ở Trung Quốc. Đó là thời kỳ mà nhiều hộ gia đình ở vùng đất này đã phất lên nhanh chóng nhờ trầm hương, không ít người chỉ sau một vài chuyến hàng đã có thể thu về cả tỷ đồng, làm giàu từ chính nghề truyền thống của quê hương.

“Ngày đó, hầu như cả làng ai cũng theo nghề trầm, không khí làm ăn rộn ràng từ trong xưởng đến các chợ phiên. Tôi cũng như nhiều thanh niên khác trong làng, bắt đầu học nghề, gây dựng cơ sở sản xuất từ năm 2011. Ban đầu chỉ làm trầm mỹ nghệ, sau đó mở rộng sang sản xuất tinh dầu trầm để đa dạng sản phẩm” - anh Phương kể.

dsc08367.jpg
Anh Phương đầu tư hệ thống chưng cất tinh dầu trầm hương. Ảnh: PHAN VINH

Tuy nhiên, những “tháng ngày vàng son” ấy không kéo dài được lâu. Từ sau dịch Covid-19 đến nay, thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, nguồn tiêu thụ sụt giảm mạnh, nhiều cơ sở phải tạm ngưng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô. Không chỉ vậy, nguồn nguyên liệu tại chỗ cũng dần cạn kiệt, khiến các cơ sở phải tìm kiếm nguyên liệu ở các tỉnh phía Nam, làm đội chi phí sản xuất lên rất cao.

“Mỗi năm, tôi phải nhập về khoảng 2 tấn dó bầu có trầm từ các tỉnh phía Nam để sản xuất trầm mỹ nghệ và tinh dầu. Chi phí vận chuyển, nguyên liệu tăng cao, trong khi đầu ra chưa thật sự ổn định khiến việc duy trì sản xuất gặp nhiều áp lực. Tuy nhiên, với gần 20 lao động làm việc thường xuyên và bán thời gian, tôi vẫn cố gắng xoay xở để giữ nghề, giữ việc cho anh em” - anh Phương bộc bạch.

dsc08403.jpg
Anh Phương chủ động đầu tư vườn dó bầu để cung cấp nguyên liệu cho xưởng sản xuất.

Nhận thấy bài toán nguyên liệu là yếu tố sống còn để duy trì và phát triển nghề trầm, từ nhiều năm trước, anh Phương đã mạnh dạn đầu tư mua lại một số vườn dó bầu của người dân địa phương với diện tích khoảng 2ha, hiện có hơn 1.000 cây dó bầu từ 20 - 30 năm tuổi. Anh còn ứng dụng kỹ thuật cấy vi sinh tạo trầm trên cây dó bầu nhằm chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng cao, giảm phụ thuộc vào thị trường bên ngoài.

Việc chủ động được vùng nguyên liệu ngay tại quê nhà không chỉ giúp tôi tiết kiệm chi phí mà còn đảm bảo được chất lượng trầm theo yêu cầu. Cấy vi sinh tạo trầm giúp rút ngắn thời gian chờ đợi, nâng cao tỷ lệ đạt trầm, từ đó giúp sản phẩm có sức cạnh tranh tốt hơn trên thị trường.

Anh Nguyễn Đức Phương

[VIDEO] - Anh Nguyễn Đức Phương chia sẻ về những thay đổi của cơ sở để thích nghi với khó khăn hiện tại:

Đồng hành cùng làng nghề phát triển

Không riêng gì cơ sở của anh Phương, hiện nay trên địa bàn thị trấn Trung Phước có hơn 60 cơ sở sản xuất trầm mỹ nghệ lớn nhỏ, tạo việc làm ổn định cho hơn 300 lao động với mức thu nhập bình quân từ 7 - 10 triệu đồng/tháng, chưa kể khoảng 200 lao động thời vụ với mức thu nhập 3 - 5 triệu đồng/tháng. Đây được xem là một trong những nghề chủ lực mang lại sinh kế cho người dân địa phương suốt nhiều năm qua.

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Đoàn - Chủ tịch UBND thị trấn Trung Phước, khó khăn lớn nhất hiện nay của làng nghề vẫn là vấn đề thiếu hụt vùng nguyên liệu bền vững. Phần lớn các cơ sở vẫn đang phải nhập nguyên liệu từ các tỉnh khác với chi phí cao và nguồn cung không ổn định, dẫn đến giá thành sản phẩm khó cạnh tranh.

dsc08392.jpg
Nhiều lao động địa phương có nguồn thu nhập ổn định từ nghề chế tác trầm hương. Ảnh: PHAN VINH

“Trước thực tế đó, địa phương đã xây dựng kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu dó bầu với quy mô 9ha, hỗ trợ 18.000 cây giống cho 30 hộ dân trồng trên diện tích rừng sản xuất và đất vườn đồi. Chúng tôi cũng vận động bà con áp dụng kỹ thuật cấy vi sinh tạo trầm để rút ngắn thời gian thu hoạch, tăng hiệu quả kinh tế. Dự kiến sau 7 - 10 năm, vùng nguyên liệu này sẽ bắt đầu cho thu hoạch và cung cấp nguyên liệu ổn định cho các cơ sở sản xuất tại chỗ” - ông Đoàn cho biết.

dsc08435.jpg
Cây dó bầu tạo trầm sau khi được cấy vi sinh. Ảnh: PHAN VINH

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng phối hợp với lực lượng kiểm lâm tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân lập hồ sơ truy xuất nguồn gốc, chứng nhận CITES theo quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm.

Bên cạnh việc phát triển vùng nguyên liệu, địa phương còn hỗ trợ các cơ sở tiếp cận các chính sách khuyến công để đầu tư máy móc thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất tinh dầu trầm và chế tác mỹ nghệ. Từ đó, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

[VIDEO] - Ông Trần Văn Đoàn - Chủ tịch UBND thị trấn Trung Phước chia sẻ về những hỗ trợ của địa phương để phát triển nghề trầm hương:

Thời gian tới, Trung Phước sẽ tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu, nhân rộng mô hình trồng dó bầu, đồng thời hỗ trợ các cơ sở sản xuất xây dựng thương hiệu gắn với du lịch trải nghiệm, phát triển mẫu mã sản phẩm và kết nối thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Chúng tôi xác định đây là ngành nghề có tiềm năng phát triển lâu dài, gắn với thế mạnh truyền thống của địa phương.

Ông Trần Văn Đoàn - Chủ tịch UBND thị trấn Trung Phước

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chủ động vùng nguyên liệu để nâng cao giá trị trầm hương Trung Phước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO