Con đường ven biển nối Khu công nghiệp Tam Thăng với cảng Kỳ Hà và sân bay Chu Lai với chiều dài 26,5km, theo kế hoạch sẽ khởi công năm nay, kỳ vọng sẽ kéo vùng đông nam lại gần nhau hơn, tạo ra mắt xích kết nối đất liền, biển với bầu trời. Niềm vui của người dân sẽ nhân đôi khi nhiều vùng phá thế cô lập do giao thông cách trở.
Tại ngã ba dốc Diên Hồng - xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) giao điểm của quốc lộ ven biển 129 với đường ĐT616 Tam Kỳ - Tam Thanh. Ảnh: T.HỮU |
Vùng đông nam khấp khởi
Ngôi nhà của gia đình ông Trần Đình Nguyễn tọa lạc trên dốc Diên Hồng, ở ngã ba giao nhau giữa tuyến ven biển 129 và đường ĐT616 (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ). Với ông Nguyễn, công việc kinh doanh buôn bán thịt đà điểu cũng như các sản phẩm gia súc khác sẽ thuận lợi hơn rất nhiều nếu đường ven biển nối Khu công nghiệp Tam Thăng với cảng Kỳ Hà và sân bay Chu Lai đưa vào sử dụng trong vài năm tới.
Sản phẩm thịt gia súc, gia cầm của cơ sở kinh doanh gia đình ông phục vụ khắp nơi, chủ yếu cánh Núi Thành và tỉnh Quảng Ngãi, TP.Hồ Chí Minh.
“Hiện tại muốn vào sân bay Chu Lai phải theo đường ĐT616 rồi lên quốc lộ vào hết 35km, nhưng nếu tuyến đường biển xây dựng sẽ rút ngắn xuống còn 26km. Có 2 cái lợi chính là rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại. Thay vì vào sân bay mất 1 giờ đồng hồ, thì sau này sẽ bỏ ra chừng hơn 20 phút bằng ô tô là đến nơi” – ông Nguyễn phấn khởi phân tích về dự án đường ven biển giai đoạn 2 sắp động thổ.
Nhiều năm nay, khi con đường ven biển Tam Kỳ - Tam Thanh, tuyến quốc lộ 129 đưa vào hoạt động, dốc Diên Hồng (xã Tam Phú) mọc lên nhiều ngôi nhà cao tầng, xuất hiện đa dạng loại hình kinh doanh, buôn bán và đóng chân của nhiều doanh nghiệp tư nhân. Qua tuyến ven biển 129, nông sản, hải sản khai thác được của bà con dễ dàng ra các chợ đầu mối của TP.Đà Nẵng.
1.479 tỷ đồng cho đường ven biển giai đoạn 2 Dự án đầu tư xây dựng đường trục chính từ Khu công nghiệp Tam Thăng đi cảng Kỳ Hà và sân bay Chu Lai với điểm đầu giao với ĐT616, thuộc địa phận xã Tam Phú; điểm cuối giao ĐT620 và đường vào sân bay Chu Lai, thuộc địa phận xã Tam Quang, huyện Núi Thành. Tổng chiều dài tuyến là 26,5km. Trên toàn tuyến sẽ xây dựng 6 công trình cầu. Tổng kinh phí đầu tư dự án này là 1.479 tỷ đồng, huy động từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020. |
Với người dân ở bãi ngang như xã Tam Tiến hay Tam Hòa (Núi Thành), con đường này sẽ là cú hích cho địa phương phát triển đột phá về kinh tế.
Từ lâu, khi làm những thủ tục hành chính liên quan đến hồ sơ, giấy tờ, người dân vùng đông huyện Núi Thành gặp khó khăn khi phải đi lòng vòng, cách trở đò giang.
Khi chính quyền họp dân công bố chủ trương thực hiện dự án, nhiều người không giấu cảm xúc vui mừng. Ông Trần Đình Tốt, người dân thôn Lộc Ngọc (xã Tam Tiến) bộc bạch: “Tôi sẽ vận động người thân, gia đình di dời sớm mồ mả để nhường mặt bằng thi công. Có đường thì dân mới có cơ hội đổi đời, quê hương phát triển mạnh hơn”.
Vùng biển bãi ngang Tam Tiến được thiên nhiên ưu ái cho nhiều loại hải sản, là một trong những nơi cung cấp nguồn lợi hải sản tươi sống cho TP.Tam Kỳ, Núi Thành. Thế nhưng, do hạn chế về hậu cần nghề cá, các đầu nậu ép giá, cả chi phí vận chuyển khá cao nên ngư dân vẫn chưa an tâm bám biển.
Chủ tịch UBND xã Tam Tiến - ông Nguyễn Giúp cho rằng, nếu hình thành con đường ven biển chiến lược này thì Tam Tiến là địa phương được hưởng lợi nhiều nhất, bởi việc đi về trung tâm huyện thuận lợi hơn. Con cá, con tôm sẽ tìm đường tiêu thụ dễ dàng, chấm dứt cảnh “qua sông lụy đò”.
“Nhiều năm địa phương vẫn loay hoay với một vài tiêu chí về nông thôn mới. Đã có nhiều doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực may mặc, thủy hải sản muốn về đầu tư nhưng tất cả họ lặng lẽ ra đi vì xã chẳng có đường giao thông cho xe tải lớn có thể ra vào. Nhưng cục diện sẽ đổi khác nếu như vài năm tới con đường ven biển đưa vào khai thác” - ông Giúp nhận định.
Gấp rút giải phóng mặt bằng
Hiện tại, dự án đang bước vào thời điểm kiểm kê hiện trạng, gấp rút giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng thu hồi đất. Để đẩy nhanh tiến độ, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất chi nhánh huyện Núi Thành và Công ty CP Đầu tư - phát triển Kỳ Hà Chu Lai.
Về vướng mắc khi di dời hàng nghìn ngôi mộ trong vùng dự án, chính quyền tỉnh cũng thống nhất chủ trương với số mộ trước đây đã chi tiền bồi thường hỗ trợ từ dự án đường phòng chống lụt bão, cứu nạn cứu hộ huyện Núi Thành nhưng chưa bố trí vị trí cải táng, hiện tại chưa di dời thì thống nhất cho phép UBND huyện Núi Thành áp dụng đơn giá bồi thường theo quy định hiện hành để lập thủ tục bổ sung chênh lệch và chi trả cho các hộ có mồ mả bị ảnh hưởng.
Đường ven biển giai đoạn 2 từ xã Tam Phú vào sân bay Chu Lai dài 26,5km sẽ khởi công trong năm nay. TRONG ẢNH: Tuyến đường ven biển 129 tại điểm đầu đường ĐT616. |
Theo ông Nguyễn Tấn Quang - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất chi nhánh huyện Núi Thành (thực hiện kiểm kê bồi thường 2 xã Tam Hòa và Tam Tiến), với diện tích thu hồi đất ngoài vệt dự án, địa phương đang tổng hợp báo cáo xin chủ trương của tỉnh.
Xã Tam Tiến ảnh hưởng đất nông nghiệp là 6ha, khu vực mồ mả mới mà trước đây chưa bồi thường còn khoảng 400 ngôi mộ và hơn 1.200 ngôi mộ đã bồi thường một lần trước đây đang bổ sung bồi thường.
Riêng xã Tam Hòa diện tích đất bị ảnh hưởng 14ha, với 200 hộ bị ảnh hưởng. Trong đó, giải tỏa trắng 11 ngôi nhà; 134 hộ bị ảnh hưởng đất nông nghiệp.
“Đến ngày 30.6, theo chỉ đạo của tỉnh sẽ bàn giao mặt bằng toàn tuyến để đảm bảo tiến độ thi công” - ông Quang cho hay.
Còn khu vực thị trấn Núi Thành, các xã Tam Giang, Tam Hiệp, Tam Quang, Tam Nghĩa do Công ty CP Đầu tư - phát triển Kỳ Hà Chu Lai lập phương án kiểm kê, bồi thường. Thời điểm này, công tác kiểm kê hiện trạng, áp giá bồi thường đang chạy đua với thời gian để sau 30.6, dự án đầu tư xây dựng đường trục chính từ Khu công nghiệp Tam Thăng đi cảng Kỳ Hà và sân bay Chu Lai sẽ khởi công. Đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án hạ tầng thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, công trình sẽ kết nối hoàn chỉnh giao thông thông suốt hành lang ven biển từ Đà Nẵng qua Hội An và Khu kinh tế mở Chu Lai đến sân bay Chu Lai và nối tiếp đến dung Quất, Quảng Ngãi.
“Tuyến đường đóng vai trò rất quan trọng trong định hướng phát triển du lịch dịch vụ của tỉnh cũng như phát triển công nghiệp của Khu kinh tế mở Chu Lai. Ngoài ra, công trình sẽ đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng cao của dân cư khu vực dọc hai bên dự án cũng như các khu đô thị, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông phù hợp với quy hoạch, cải thiện đời sống sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn, tạo cảnh quan đô thị, làm tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho Quảng Nam” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nhấn mạnh.
TRẦN HỮU