Với kinh nghiệm hàng chục năm gắn bó với hợp tác xã (HTX), ông Nguyễn Yên ở thôn Triêm Tây, xã Điện Phương (TX.Điện Bàn) đã trở lại với công việc này với mong muốn góp sức giúp quê nhà đổi thay.
Ông Ba Yên tại một nhà hàng do HTX Nông nghiệp Triêm Tây quản lý. Ảnh: Q.TUẤN |
Cái duyên với nghề chủ nhiệm
Ở tuổi 66, ông Nguyễn Yên (tên thân mật là Ba Yên) vẫn hàng ngày lụi hụi với đống giấy tờ, ý tưởng hoạt động để phát triển HTX Nông nghiệp Triêm Tây. Thực ra, từ năm 1980, khi mới ở tuổi 28, ông Ba Yên đã làm Chủ nhiệm HTX chiếu cói xuất khẩu Cẩm Phô (TP.Hội An). Những năm 80 của thế kỷ trước cũng chính là thời kỳ hoàng kim của nghề sản xuất chiếu. Trong vòng 10 năm, HTX với 60 xã viên dưới sự lãnh đạo của ông Ba Yên đã xuất đi hơn 50 nghìn chiếc chiếu chủ yếu đến thị trường các nước XHCN ở Đông Âu. Thuở ấy, ông Ba Yên luôn được bầu chọn là chủ nhiệm HTX xuất sắc của thị xã, được thưởng xe đạp làm phương tiện di chuyển và phòng ở tập thể nhưng chiều nào ông cũng lặng lẽ qua đò trở về Triêm Tây với gia đình. Thấy nghề dệt chiếu có thể giúp người dân bớt chật vật trong đời sống bao cấp, ông Ba Yên quay về thôn Triêm Tây vận động được khoảng 10 hộ qua sông nhận nguyên liệu về dệt nhằm cải thiện cuộc sống. Thời đó, mỗi chiếc chiếu sản phẩm thông thường được trả thù lao bằng 1,5kg gạo và 200g phấn nhuộm hoặc vải, mì chính… chứ hầu như không có tiền công nhưng nhờ đó mà nhiều hộ dân, trong đó có các gia đình ở thôn Triêm Tây, không bị cái đói đe dọa. Đơn cử như trường hợp của bà Nguyễn Thị Thỏa (hiện sống ở xã Cẩm Hà, TP.Hội An), ngày đó gia đình bà dệt được 60 chiếc/tháng nên số lượng gạo nhận được còn lớn hơn lượng gạo gia đình thu được khi trồng lúa.
Năm 1991, khi các nước XHCN ở Đông Âu tan rã, đầu ra thị trường của chiếu cói của HTX chiếu cói xuất khẩu Cẩm Phô bị bế tắc. Nhận thấy điều này, ông Ba Yên đã chủ động đề xuất giải thể đơn vị rồi chuyển sang nhiều công việc khác. Ngỡ như ông đã mãi mãi từ biệt công việc hợp tác xã khi quay về quê nhà Triêm Tây sinh sống. Năm 2014, địa phương có chủ trương thành lập HTX Nông nghiệp Triêm Tây, được bà con xã viên trong thôn tín nhiệm nên ông Ba Yên quay lại với “nghề” chủ nhiệm HTX. Đến tháng 6.2015, ông Ba Yên chính thức trở lại với công tác này trong nhiệm kỳ đầu tiên của HTX giai đoạn 2015-2020 dù đã vào tuổi 64.
Lan tỏa tâm huyết
Bắt tay vào công việc, ông Ba Yên nói rõ là không nhận phụ cấp hay bất kỳ thù lao gì, bởi HTX Nông nghiệp Triêm Tây non trẻ vừa mới thành lập lấy chi phí đâu ra để trả. Có xã viên đưa ra đề nghị các thành viên trong ban lãnh đạo nên nhận mức lương 1 triệu đồng/tháng/người với nguồn chi phí huy động từ sự đóng góp của xã viên và cộng đồng nhưng ông Ba Yên khước từ. “Liệu rằng nguồn kinh phí đó đóng góp được bao lâu khi người dân cũng không khá giả gì và tôi nhận đồng lương từ đó cũng thấy không thoải mái” - ông Ba Yên bộc bạch. Nhờ sự lan tỏa tinh thần của ông, 4 thành viên còn lại trong ban lãnh đạo HTX gồm 2 phó chủ nhiệm, 1 thủ quỹ và 1 kế toán đều làm việc cống hiến không lương cho đơn vị gần 3 năm nay. Kế toán của HTX là chị Phan Thị Hường (quê xã Duy Vinh, Duy Xuyên) lúc đầu được thuê để đảm nhận công việc nhưng khi gia nhập HTX chị đã tình nguyện làm việc không lương bởi đồng cảm với tâm huyết của ban lãnh đạo muốn xây dựng HTX vượt qua buổi đầu gian nan.
Bước đầu, dưới sự lèo lái của ông Ba Yên và các cộng sự, HTX Nông nghiệp Triêm Tây đã có những tín hiệu khởi sắc.
Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay bình quân mỗi ngày (thời tiết thuận lợi) có 200 - 300 khách đến tham quan, du lịch tại Triêm Tây và đang có xu hướng tăng dần theo thời gian. Với sự khởi xướng của HTX, các bến thuyền, nhà chờ, vườn cộng đồng cũng đã bước đầu hình thành, sắp tới dự án cải tạo lại bến thuyền sẽ triển khai được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy giúp tăng lượng khách tham quan vùng quê này. Hiện nay, HTX Nông nghiệp Triêm Tây cũng đang quản lý 4 nhà hàng, chuỗi nhà hàng này mỗi tháng tự nguyện đóng góp 500 nghìn đồng/cơ sở để làm quỹ phục vụ cho các hoạt động cộng đồng. HTX đã tạo quỹ với hơn 50 triệu đồng để hoạt động nhưng lãnh đạo của HTX chỉ dùng quỹ này để phục vụ cho các hoạt động chung và phục vụ lợi ích cộng đồng. “Trước mắt 5 người trong ban lãnh đạo HTX chúng tôi vẫn sẽ làm không lương cho đến hết nhiệm kỳ này, sau đó nhân sự, lương bổng ra sao, nhiệm kỳ tới mới tính” - ông Ba Yên cho biết.
Từ tháng 11.2016 đến nay, HTX cũng đảm nhận dịch vụ thu gom rác thải tại thôn Triêm Tây thu hút 146/151 hộ tham gia, mặc dù có lúc phải bù lỗ nhưng đơn vị vẫn thực hiện vì điều này góp phần vào việc giữ môi trường trong sạch để thúc đẩy du lịch. Hiện ban lãnh đạo HTX lên phương án canh tác rau hữu cơ với diện tích khoảng 5.000m² từ vườn cộng đồng, dự án này khi được thông qua sẽ giúp Triêm Tây có thêm một địa điểm hấp dẫn với du khách tham quan cũng như tạo thêm được thu nhập cho cộng đồng địa phương. Ba năm qua, không có xã viên nào xin rời khỏi HTX mà ngược lại có 3 người mới gia nhập, trong đó có 2 cá nhân ở nơi khác đến muốn vào HTX và có ý định góp vốn đầu tư để kinh doanh vì nhận thấy được tiềm năng lớn từ HTX và làng quê sinh thái Triêm Tây. Nhờ vào nỗ lực không ngừng nghỉ của cả tập thể, tháng 4.2017, khu du lịch cộng đồng làng Triêm Tây mà đại diện là HTX Nông nghiệp Triêm Tây đã được trao giải thưởng ASEAN về du lịch ở hạng mục “Du lịch dựa vào cộng đồng ASEAN”.
Một điều mà ông Ba Yên luôn đau đáu nhiều năm nay chính là lực lượng nhân sự hiện tại của HTX phần lớn đang “lão hóa”. Được biết chỉ có 3/25 thành viên nhỏ tuổi nhất của HTX đang ở độ tuổi 40 - 50, ngoài ra chị Hường (24 tuổi) chính là người trẻ duy nhất tại đơn vị. Hiện tại, chị Hường cũng đã được đơn vị phối hợp với Liên minh HTX tỉnh cho đi học đại học liên thông, ông Ba Yên cũng rất muốn kết nối với gần 100 cựu sinh viên quê ở Triêm Tây hiện làm việc xa quê để họ trở về góp sức phát triển quê nhà. Tuy nhiên, để lan tỏa được ngọn lửa nhiệt huyết đổi mới quê hương khi mà mọi thứ vẫn đang ngổn ngang trăm bề. Ở tuổi 67, ông Ba Yên vẫn đang miệt mài từng ngày để mong có một thế hệ người trẻ đủ sức cáng đáng công việc này.
QUỐC TUẤN