Chữ Phúc trời ban

HUỲNH NGỌC TRẢNG 13/02/2013 11:47

Phúc là điều mong cầu lớn, do vậy tết đến chữ “Phúc” có mặt ở khắp nơi: trên quả dưa hấu, trên ổ bánh, hộp mứt, trên bao bì đủ loại quà... Trước cửa, người ta dán một chữ “Phúc” hay câu “Ngũ phúc lâm môn”. Có mỗi một chữ “Phúc” thôi, thế mà biểu hiện ra không biết bao nhiêu dạng thức. Thế nhân đa cầu nên “Phúc” lại cộng thêm nhiều biểu tượng để chúc nhau…

1.Chữ “Phúc” viết theo lối chân, thảo, triện, lệ đã đành, lại còn có lối vuông (phương phúc tự), chữ tròn (đoàn phúc tự) hay có nhiều đồ án biểu tượng “Ngũ phúc lâm môn” (Ngũ phúc: Phúc-Lộc-Thọ-Khang-Ninh) cho đến “Bách phúc” (100 chữ phúc). Trên đời ai có được phúc nhiều đến thế thì có lẽ là chẳng còn cầu mong gì nữa!

Lại có tục dán/treo chữ “Phúc” ngược gọi là “phúc đảo”. Cụm từ “Phúc đảo” đồng âm với “Phúc đáo”, tức “phúc đến nhà”. Đó là sự cầu mong quan trọng vào dịp năm mới. Truyền thuyết bên Tàu kể rằng: Có một ông vua vào đêm 30 tháng chạp vi hành xem xét cảnh dân tình ăn tết ra sao, thấy nhà nọ treo lồng đèn kéo quân trên đó vẽ cảnh tượng chế nhạo ngay chính hoàng hậu. Vua giận lắm, bèn với tay treo ngược chữ “Phúc” trước nhà người ấy, cốt đánh dấu đặng sáng mai sai quân cấm vệ đến bắt tội. Khi trở về cung, hoàng hậu thấy vua có sắc mặt giận bèn gạn hỏi. Vua không giấu được liền kể lại sự việc. Hoàng hậu là người nhân từ nên sau đó truyền cho đám thái giám ra khỏi hoàng cung, bắt mọi nhà đều treo chữ “Phúc” ngược lại. Chính nhờ đó, sáng ra quân cấm vệ không tìm được ai là người chơi đèn kéo quân nhạo báng hoàng hậu. Câu chuyện này được coi là khởi đầu của tục treo chữ “Phúc” ngược. Chắc đây là giai thoại được kể để biện sự cho tập tục dán chữ Phúc ngược.

Bách phúc đồ.
Bách phúc đồ.

2.Do dơi và phúc đều có âm là fu trong Trung văn, nên dơi được dùng làm biểu trưng cho phúc. Ở xứ ta, từ Hán Việt của dơi là “bức”, không đồng âm mấy với “phúc” hay “phước”. Song do ảnh hưởng của giao lưu văn hóa, dơi cũng được dùng là biểu trưng cho phúc. Điều này thấy khá phổ biến trong các đồ án trang trí kiến trúc cũng như các loại văn hóa phẩm khác (thiệp, bao lì xì, bao bì các loại lễ phẩm...). Dơi trong đồ án chúc phúc có 1 con, hoặc 2 con (song phúc), 5 con (ngũ phúc). Phổ biến nhất là đồ án chúc Phúc và Thọ (sống lâu). Có phúc mà đoản mệnh thì phúc để làm gì? Do đó, câu “Phúc thọ song toàn” biểu thị điều mong cầu quan yếu của mỗi người. Trong các đồ án này, chúng ta thấy: Dơi (phúc), hai đồng tiền (song tiền = song tuyền/song toàn) và trái đào tiên (biểu thị cho trường thọ). Cũng có trường hợp khác: Dơi (phúc) và chữ “Thọ”. Đồ án này còn gọi là “Phúc hàm thọ”. Nếu đồ án có 5 con dơi thì gọi “Ngũ phúc phụng thọ”. Lại ở nhiều đồ án, thọ được biểu thị bởi chim hạc - một loài chim sống lâu như rùa.

Phúc thọ.
Phúc thọ.

Cũng có những đồ án cấu tạo gồm dơi và đồng tiền, nhưng lại biểu thị lời cầu chúc khác: “Phúc tại nhãn tiền”. Đây là một mong cầu nhấn mạnh đến "tốc độ" của sự việc sẽ diễn ra: điều tốt lành hãy nhanh đến ngay... kẻo phải ngóng cổ trông chờ.

Phúc đảo.
Phúc đảo.

Chữ Phúc (hay có biểu trưng về phúc) tích hợp với các biểu trưng cát tường và tài lộc khác tạo thành nhiều đồ án, hình vẽ chúc tụng phong phú. Phúc tích hợp với "Tụ bửu bồn" (bình chứa các vật quý: vàng, bạc, sừng tê, lá ngải băng, san hô đỏ, ngọc châu...) để chúc phúc và chúc giàu có, phát tài. Phúc tích hợp với cá (ngư, có âm là yu, đồng âm với dư) để chúc việc làm ăn, buôn bán có của dư của để. Đồ hình trái lựu (lựu khai bách tử: trái lựu nẻ ra nhiều hạt - biểu thị con cái đầy đủ, đông đúc, có nghĩa là “có phúc”), trái Phật thủ (biểu thị sự phồn vinh), trái đào (sống lâu), cùng hai em bé thổi sáo là biểu thị câu chúc “Phúc thọ thường lạc”. Lại có đồ hình gồm con dơi (phúc), trái đào (thọ), với hai em bé (đồng tử) cầm khánh (nhạc cụ gõ)... biểu ý câu chúc “Phúc thọ cát khánh”.

Phúc thọ song toàn.
Phúc thọ song toàn.

Hòa hợp là một yêu cầu quan trọng trong cuộc sống gia đình cũng như xã hội. Do đó, khái niệm “hòa hợp”, thường được biểu hiện trong nhiều đồ án cũng như tranh tượng bằng hình ảnh hai cô gái: một cầm hoa sen (hà/sen biểu âm Hòa) và một cầm cái hộp (biểu âm Hợp). Phúc (dơi) tích hợp với biểu tượng hòa hợp biểu thị lời chúc Ngũ phúc hòa hợp; lại nữa, hàm ý: Hòa hợp sinh tài.
3.Lời chúc mừng bao quát nhất là chúc “Tam đa” (đa thọ, đa nam, đa phúc). Lời chúc này, theo truyền thuyết là lời chúc của Phong Thủ Giả ở đất Hoa chúc tụng... ông vua Nghiêu thần thoại, thường gọi là “Hoa phong tam chúc”. Ở đây, trái Phật thủ chỉ sự giàu có, đào chỉ sự trường thọ và lựu hàm ý con cháu đông đủ. Lời chúc “Tam đa” về sau bị thay thế bởi lời chúc “Phúc Lộc Thọ”. Đến nay thì tranh vẽ, tượng bởi ba ông Phúc - Lộc - Thọ phổ biến hầu như khắp mọi nhà.

Chữ “Phúc”.
Chữ “Phúc”.

Truy cứu về xa xưa, bộ ba Phúc - Lộc - Thọ vốn là ba vì sao chủ quản các việc quan yếu của con người ở thế gian. Trong đó, Phúc tinh chỉ “Thượng nguyên tứ phước Thiên Quan Tử Vi Đại Đế” chuyên quản phúc vận của con người. Lộc tinh chỉ chòm sao Văn Xương, có 6 sao, trong đó có sao Tư Lộc chủ về thăng quan tiến chức - gọi là Lộc tinh. Thọ tinh, còn gọi là “Nam cực Lão nhân Thọ đức tinh quân” (tức sao Nam cực), chuyên quản việc giúp con người sống lâu. Như vậy, bộ ba Phúc - Lộc - Thọ vốn bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ thiên tượng thời cổ.

Tranh vẽ bộ ba này là thứ tranh thờ - có tên gọi là “Tam tinh tại hộ” - biểu thị điều cầu mong có được nhiều phúc, nhiều lộc, sống lâu, dựa trên nền tảng của tín lý “thiên nhân tương ứng”, hiểu giản dị là con người sống thiện lương thì trời ban cho những điều tốt lành. Quan niệm ấy biểu hiện ở bức tranh “Bình an ngũ phúc tự thiên lai” (An lành và phúc báo từ trời đến), cũng như trong tập tục cúng lễ cầu Thiên Quan Tứ Phước vào ngày Thượng nguyên (rằm tháng giêng) hàng năm.

Nội hàm của quan niệm “Có một chữ Phúc trời ban” này đã chỉ ra cái nền tảng đạo lý của các hoạt động mưu cầu hạnh phúc của chúng ta.

HUỲNH NGỌC TRẢNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chữ Phúc trời ban
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO