Cuối tuần qua, 18 thí sinh chính thức và khoảng 70 thí sinh hỗ trợ đã có cuộc tranh tài hấp dẫn tại hội thi “Chủ tịch Hội LHPN cơ sở giỏi” lần thứ V, do Hội LHPN tỉnh tổ chức.
Tiểu phẩm “Hoa của rừng” - Hội LHPN huyện Nam Giang truyền tải thông điệp mang ý nghĩa bài trừ nạn tảo hôn ở miền núi. Ảnh: VINH ANH |
Thể hiện tài năng
Bằng sự phối hợp ăn ý, các đội đã đem đến cho khán giả những phần thi thú vị. “Thế nào là một Chủ tịch Hội LHPN cơ sở giỏi?”. Câu trả lời của các thí sinh cho thấy một cán bộ phụ nữ ở cơ sở không chỉ biết đến công tác tuyên truyền khô khan, cứng nhắc mà còn khéo léo, tài tình trong cách vận động. Ở phần thi chào hỏi, năng khiếu, các chị đã giới thiệu cho khán giả về những hoạt động tiêu biểu trong công tác hội ở mỗi huyện, thành phố; về những vấn đề “nóng” xảy ra tại địa phương mà một cán bộ hội phụ nữ phải tham gia xử lý. Đến phần thi xử lý tình huống và kiến thức, lúc này, người “cán bộ phụ nữ giỏi” mới được thể hiện rõ qua từng câu hỏi, tình huống do Ban tổ chức đặt ra.
Khéo léo lựa chọn những tình huống mang tính thực tế từ cơ sở, Ban tổ chức đã buộc thí sinh phải thể hiện mình là một “Chủ tịch Hội LHPN cơ sở giỏi” mới có thể giải quyết vấn đề. Đơn cử như tình huống dành cho đơn vị huyện Nông Sơn có nội dung: Một nhóm chị em tụ tập trước UBND xã để khiếu nại về chuyện giải phóng mặt bằng, bồi thường giải tỏa, là một cán bộ phụ nữ ở cơ sở đó, bạn xử lý như thế nào? Hay như tình huống cho đơn vị Duy Xuyên: Trong vấn đề thu gom rác thải, xử lý môi trường ở địa phương, phát hiện hội viên phụ nữ của mình không đổ rác đúng quy định, là chủ tịch hội phụ nữ ở cơ sở, bạn xử lý như thế nào?”… Tất cả tình huống đặt ra đều xuất phát từ thực tế cơ sở, điều này vừa là thuận lợi nhưng cũng là thách thức cho mỗi thí sinh: làm sao vừa trả lời lưu loát, rõ ràng, ngắn gọn đủ thời gian cho phép, đồng thời phải giải quyết được nội dung câu hỏi.
Chứng kiến phần thi năng khiếu của đơn vị Hội LHPN huyện Nam Giang, người xem không khỏi trầm trồ khen ngợi. Tiểu phẩm mang tên “Hoa của rừng” do 3 “diễn viên” là 3 cán bộ phụ nữ ở xã Tà Pơ, Ta Bhing và xã Zuôih thể hiện. “Hoa của rừng” nói về một thực trạng xảy ra rất nhiều ở các huyện miền núi những năm trước đây đó là nạn tảo hôn. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và đặc biệt là những cán bộ ở cơ sở, trong đó có vai trò quan trọng của cán bộ phụ nữ, nạn tảo hôn ở miền núi dần bị xóa bỏ. Chị Alăng Thị Lý - Chủ tịch Hội LHPN xã Zuôih, một trong 3 diễn viên trong tiểu phẩm “Hoa của rừng”, chia sẻ: “Tảo hôn là một tập tục xấu của người vùng cao, trong đó có người Cơ Tu. Tuy nhiên, những năm gần đây, tập tục này đã dần được xóa bỏ nhờ sự tuyên truyền vận động. Qua tiểu phẩm, đơn vị huyện Nam Giang muốn nhấn mạnh về vai trò của công tác tuyên truyền, vận động của các cấp, trong đó có hội phụ nữ cơ sở, góp phần hạn chế tình trạng tảo hôn ở miền núi”.
Đợt tập huấn quy mô
Hội LHPN Quế Sơn giành giải Nhất hội thi Sau 2 ngày tranh tài sôi nổi, với sự thể hiện xuất sắc cả 3 phần thi, Hội LHPN huyện Quế Sơn đã xuất sắc dành giải Nhất hội thi. Ban tổ chức cũng trao giải Nhì cho Hội LHPN Thăng Bình và TP.Tam Kỳ; giải Ba cho Hội LHPN huyện Điện Bàn, Tiên Phước và Đại Lộc. |
Hội thi “Chủ tịch Hội LHPN cơ sở giỏi” lần thứ V - năm 2014 đã thực sự trở thành ngày hội dành cho phái nữ nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10. Trong 2 ngày diễn ra, hội thi không chỉ thu hút lượng lớn thí sinh tham gia mà hội trường Nhà truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh còn chật kín khán giả đến cổ vũ. Với chủ đề thiết thực, hội thi không chỉ là sân chơi dành cho phụ nữ, mà còn được xem là đợt tập huấn quy mô về công tác phụ nữ qua việc “sân khấu hóa”. Theo bà Trương Thị Lộc - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, hội thi nhằm mục đích trang bị, nâng cao kiến thức, nghiệp vụ, trao đổi kỹ năng hoạt động công tác hội, phong trào phụ nữ cho đội ngũ cán bộ hội phụ nữ cơ sở; là diễn đàn để mỗi cán bộ hội rèn luyện, giao lưu, học tập kinh nghiệm, thắt chặt mối quan hệ công tác, đồng thời là sân chơi để các thí sinh thể hiện tài năng, bản lĩnh, sự duyên dáng, tìm nhân tố tỏa sáng phẩm chất đạo đức “Tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang” của người phụ nữ Việt Nam. Thông qua hội thi cũng là dịp để phát hiện nguồn cán bộ nữ, cán bộ hội, xây dựng đội ngũ cán bộ hội ngày càng đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Chị Phan Thị Tám - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Quảng Yên, xã Đại An (Đại Lộc) là một trong những thí sinh của đơn vị huyện Đại Lộc tham gia hội thi. Hơn 10 năm gắn bó với công tác phụ nữ nhưng hôm nay chị mới có cơ hội tham gia hội thi dành cho cán bộ phụ nữ quy mô như vậy. Chị Tám cho biết, chủ đề “Chủ tịch Hội LHPN cơ sở giỏi” là một nội dung thú vị của hội thi. Thông qua hội thi, những người làm công tác phụ nữ ở cơ sở không chỉ có cơ hội giao lưu, gặp gỡ lẫn nhau mà đây còn là một dịp để họ học hỏi, tiếp thu thêm kiến thức, kinh nghiệm trong công tác hội, điều này rất quan trọng với những người làm công tác hội phụ nữ ở cơ sở.
VINH ANH