Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng, việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI, đồng hành doanh nghiệp sẽ tạo ra những đột phá về thu hút dòng vốn lớn từ doanh nghiệp.
Hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp là một trong nhiệm vụ quan trọng của chính quyền, cơ quan quản lý. Ảnh: T.D |
P.V: Thưa ông, Quảng Nam chuẩn bị gì để tận dụng tối đa cơ hội hội nhập?
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu: Trường Hải đã mở rộng khu công nghiệp cơ khí ô tô. Không ít dự án đầu tư lớn với mô hình khép kín, tập trung đón đầu các hiệp định thương mại tự do (dự án Khu liên hợp sợi - dệt - nhuộm - may của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhà máy may, dệt, nhuộm Tam Thăng của Công ty Panko Tam Thăng, nhà máy sợi Thăng Bình của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ…) đã xuất hiện tại Quảng Nam. Cơ hội sẽ mở ra cho xuất khẩu, nhưng để trụ lại trong thị trường nội địa thì chính doanh nghiệp cũng đã tính toán để tận dụng tối đa cơ hội. Quảng Nam đã triển khai thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ nêu cao quyết tâm hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Chính quyền, cơ quan quản lý có phát động, kêu gọi hội nhập hay không thì tự doanh nghiệp cũng đã lo cho “cơ đồ”, vốn liếng của mình. Doanh nghiệp hiểu không nâng cao năng lực, không chủ động hội nhập, kể cả doanh nghiệp FDI cũng có thể bị loại ra khỏi cuộc chơi.
P.V: Quảng Nam đã từng mở những hội nghị, diễn đàn… xúc tiến đầu tư, nhưng kết quả vẫn không như mong muốn. Có phải do môi trường đầu tư hay chính các dự án đưa ra mời gọi chưa thực sự hấp dẫn?
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu: Tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh hay xúc tiến đầu tư tốt là nhiệm vụ quan trọng. Tăng trưởng kinh tế, việc làm và thu ngân sách cao như hiện tại chính là nhờ vào định hướng cơ cấu đầu tư, cơ cấu kinh tế tốt, tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư. Có thể khẳng định đó là sự thành công vượt bậc, nhưng mong muốn phát triển nhanh, mạnh hơn nữa sẽ không bao giờ thỏa mãn.
Quảng Nam đã nỗ lực tạo điều kiện cho việc cải thiện môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh và nâng cao chỉ số PCI. Nhưng kết quả hạn chế, không như mong muốn bởi còn khá nhiều vấn đề cần phải được tháo gỡ. Kêu gọi nhà đầu tư vô nhưng thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, tầng nấc. Chính quyền các cấp, từ tỉnh đến huyện, thậm chí xã vẫn cứ cho mình cái quyền găm giữ thủ tục đầu tư. Nhà đầu tư bị những thủ tục hành chính rườm rà, thiếu nhiều điều kiện cho họ phát huy hiệu quả đầu tư, kinh doanh. Thậm chí có những nhà đầu tư chân chính phải chờ đợi đến năm, bảy năm mà vẫn không thể nhận được mặt bằng. Các địa phương cứ hứa miết. Chính quyền mất uy tín với nhà đầu tư vì không bảo đảm giải phóng mặt bằng.
Một hạn chế khác là Quảng Nam không thể huy động được vốn như mong muốn. Một khi mời nhà đầu tư đến mà không có mặt bằng cho họ đầu tư thì dĩ nhiên làm sao có tiền để công trình phát huy. Hiện vẫn còn hàng chục, hàng trăm dự án bị trễ nãi vì vướng giải phóng mặt bằng. Khuyết điểm này không phải do nhà đầu tư. (Điển hình như Mường Thanh hay Panko, chỉ cần có mặt bằng sạch thì chỉ không quá 8 tháng họ đã đi vào hoạt động). Khu vực ven biển từng hấp dẫn nhà đầu tư thì hiện tại còn hàng chục dự án đắp chiếu, không thể triển khai vì lẽ duy nhất là thiếu mặt bằng, không thể nhận được mặt bằng.
P.V: Quảng Nam làm gì để nâng cao thứ hạng PCI, cải thiện môi trường đầu tư?
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu: Chính quyền cam kết sẽ luôn đồng hành doanh nghiệp, đem đến thành công trong đầu tư, kinh doanh. Đã có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giãn tiến độ dự án đầu tư gặp khó khăn, đối thoại cùng doanh nghiệp để tìm sự thông hiểu và tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, những giải pháp đó vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ mong muốn của doanh nhân, doanh nghiệp. UBND tỉnh cam kết cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn với quy trình giải quyết thủ tục hành chính “một cửa liên thông” trong việc giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp theo hướng thống nhất một cơ quan đầu mối có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, giải quyết các thủ tục cho nhà đầu tư, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết các thủ tục so với quy định chung. Chuyển từ quản lý sang phục vụ doanh nghiệp. Sẽ tiến hành đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để giao đất cho nhà đầu tư triển khai dự án; đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ yêu cầu dự án, đào tạo cung ứng lao động cho các dự án đầu tư và tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch.
Nỗ lực của Quảng Nam chưa tương xứng với yêu cầu của các nhà đầu tư bởi chưa thể giao mặt bằng cho họ. Nhưng triển vọng của Quảng Nam rất rõ. Chúng ta đã có định hướng về cơ cấu rất rõ ràng. Đó là tiếp tục phát triển công nghiệp, dịch vụ, nâng cao giá trị nông nghiệp là hướng đi mà chúng ta đã tạo ra bước động lực cho từng vùng, từng khu vực cụ thể. Cơ hội đó sẽ tạo nên thế và lực. Nhưng chính quyền chỉ sẽ chọn những nhà đầu tư chất lượng, những dự án động lực. Vùng đông nam là ví dụ cụ thể khi chỉ mới cấp phép cho dự án Nam Hội An. Nếu cấp phép ào ạt thì khu vực này đã được lấp đầy từ mấy tháng trước.
Không chỉ phát triển ngành du lịch dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn, Quảng Nam đã hội đủ điều kiện để trở thành trung tâm sản xuất, lắp ráp ô tô quốc gia. Nếu Quốc hội phê chuẩn thì chỉ một vài tháng nữa sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư chiến lược ký kết hợp tác tại Chu Lai. Tam Thăng, sân bay Chu Lai… sẽ ngày càng sôi động đầu tư với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp có thương hiệu mạnh và tiềm lực tài chính dồi dào. Chắc chắn đầu năm 2017 sẽ bùng nổ đầu tư khi Quốc hội thông qua cơ chế và điều kiện phát triển công nghiệp cơ khí, ô tô Việt Nam.
Chúng ta đã làm mất lòng tin nhà đầu tư và dân chúng quá nhiều về sự yếu kém của giải phóng mặt bằng nên phải nhanh chóng thay đổi, tháo gỡ nút thắt này. Đây là một trong những điều quyết định cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, quyết định cho sự phát triển của Quảng Nam.
P.V: Xin cảm ơn ông!
TRỊNH DŨNG (thực hiện)