(QNO) - Nói về chủ trương tiếp tục đón người dân Quảng Nam từ TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, đây là lúc thực thi trách nhiệm với công dân, phát huy tình nghĩa với đồng bào. Việc đón bà con trở về không chỉ được tính toán chu đáo, đảm bảo an toàn phòng bệnh Covid-19 mà còn tính đến việc tạo việc làm trong thời gian tới.
Phóng viên: - Thưa Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, mới đây Thủ tướng Chính phủ có Công điện 1063 yêu cầu các địa phương tính toán lại việc đưa đón người từ vùng dịch về. Theo đồng chí nội dung công văn này có làm vỡ kế hoạch đón người dân trở về của UBND tỉnh Quảng Nam, và Quảng Nam có tiếp tục đón bà con trở về trong bối cảnh dịch Covid-19 có chiều hướng phức tạp hơn trước?
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: -Ngày 31.7, Thủ tướng Chính phủ có Công điện 1063 yêu cầu các địa phương quán triệt nghiêm túc về công tác về phòng chống dịch bệnh, đặc biệt với những địa phương thực hiện Chỉ thị 16 thì Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không để người dân ra khỏi địa bàn, trừ những trường hợp được chính quyền cho phép.
Thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Nam đã kịp thời hoàn thiện lại phương án đưa đón người dân từ TP.Hồ Chí Minh và một số địa phương khác ở phía Nam về Quảng Nam theo nguyên tắc đảm bảo an toàn, đúng với kế hoạch đã xây dựng và đúng với quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương không nên để bà con đi tự do bằng phương tiện cá nhân, nhất là xe máy với số lượng đông đảo như trong thời gian vừa qua. Vì nếu làm như vậy thì vừa không an toàn trên đường đi vừa gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng nếu chẳng may có người mắc Covid-19, tình trạng này cũng khiến địa phương lúng túng trong công tác theo dõi, cách ly.
Trước đây khi Quảng Nam chủ động xây dựng phương án đón bà con từ TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về thì chúng tôi đã lường trước nhu cầu trở về của bà con ngày càng cao. Và tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết phối hợp với UBND TP.Hồ Chí Minh thông qua các hội đồng hương các cấp, yêu cầu của bà con phải được sự chấp thuận của chính quyền TP.Hồ Chí Minh về các quy định nghiêm ngặt đảm bảo phòng chống dịch.
Ngày 30.7 vừa rồi, UBND TP.Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản gửi các địa phương đề nghị phối hợp với thành phố để thực hiện đúng các nội dung nói trên. Do đó, chúng tôi đã rút kinh nghiệm qua các đợt đưa người dân về bằng ô tô và máy bay. Sắp tới, tỉnh sẽ tiếp tục đón bà con trở về bằng ô tô, máy bay và tàu lửa, tùy theo nhu cầu, đối tượng khác nhau để giải tỏa áp lực cho TP.Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ lúc này, nghĩa tình đồng bào cần được phát huy nhưng phải trong khuôn khổ quy định của Chính phủ.
Theo đó, khi đón người dân về thì phải bài bản, có kế hoạch, có lộ trình, phù hợp với khả năng tiếp nhận tại địa phương cũng như đáp ứng được mong đợi của bà con, song phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch trên địa bàn. Bà con còn ở lại trong TP.Hồ Chí Minh thì hãy yên tâm vì sẽ được chính quyền tìm cách hỗ trợ, đồng thời tỉnh cũng thường xuyên theo dõi, vận động các tổ chức, nhà hảo tâm và sẽ cùng địa phương tham gia đóng góp, hỗ trợ cho bà con tại TP.Hồ Chí Minh.
Phóng viên: - Thưa đồng chí, liệu có sự khác nhau giữa các phương án đón người dân trở về trước và sau khi có công điện của Thủ tướng Chính phủ?
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh:-Quảng Nam là một trong các tỉnh, thành đầu tiên xây dựng phương án đón bà con từ TP.Hồ Chí Minh trở về. Các phương án gần như Quảng Nam chủ động và sau đó kết nối với TP.Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan tổ chức các chuyến đi thử nghiệm, rút kinh nghiệm…
Nhưng chúng ta cũng bị động tương tự các tỉnh thành khác khi số người về tự do bằng xe máy quá đông, làm vỡ kế hoạch xây dựng các khu cách ly, nhân lực và việc trang bị phương tiện, nhu yếu phẩm phục vụ cho các khu cách ly vốn đã được xác lập trong phương án như đã nói. Do đó, việc đón bà con trở về theo kế hoạch như ban đầu khó có thể thực hiện được chu đáo nếu như tái diễn tình trạng như vậy. Đến khi có công điện của Thủ tướng Chính phủ, chắc chắn việc người dân tự do đi về ở các địa phương sẽ được kiểm soát tốt hơn, Quảng Nam sẽ tổ chức việc đưa đón bà con và chủ động thực hiện phương án đã được xây dựng.
Phóng viên: - Nhiều tỉnh thành lo ngại lượng người trở về từ vùng dịch càng nhiều thì khả năng lây lan dịch bệnh càng cao, với Quảng Nam thì như thế nào, thưa đồng chí?
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: - Trong phương án được phê duyệt, những đợt đầu tiên Quảng Nam dự kiến sẽ đón khoảng 2.500 người về bằng cả ô tô và máy bay. Đến bây giờ đã đón được 1.700 và chúng ta sẽ tiếp tục đón bà con về. Quan điểm của tỉnh vẫn là phải đảm bảo nguyên tắc công tác phòng chống dịch, do đó người dân phải được đưa vào khu cách ly một cách an toàn và phải chấp hành tốt các quy định tại khu cách ly.
Làm được việc này phải có sự phối hợp tốt với hội đồng hương tại các tỉnh phía Nam và UBND các cấp để tổ chức đưa đón bà con về theo kế hoạch. Tôi tin rằng công tác này không phải là quá sức đối với Quảng Nam. Tuy nhiên nếu làm không tốt ở bất cứ khâu nào thì chắc chắn nguy cơ sẽ xảy ra. Việc này tùy vào cách thức tổ chức của từng địa phương. Với Quảng Nam là vừa làm vừa rút kinh nghiệm, có thể đánh giá những mặt hạn chế để khắc phục ngay, vừa triển khai tiếp tục những biện pháp khác phù hợp nhất để vừa giải quyết được nhu cầu của bà con vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Phóng viên: - Thưa đồng chí Lê Trí Thanh, hiện tại các khu cách ly tập trung tại các địa phương đã bắt đầu quá tải, nếu tiếp tục đón một lượng lớn người về thì Quảng Nam sẽ xoay sở như thế nào?
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: - Việc thành lập các khu cách ly tại cấp tỉnh, huyện, cả ở xã chúng tôi đã có trong phương án và các địa phương đang bắt đầu triển khai. Chúng tôi dự lường cả trường hợp dịch phát sinh ở mức độ cao, nhưng việc vận hành các khu này phải theo từng mức độ dịch bệnh phát sinh trong địa bàn. Trong đó có những khu chỉ dành để đón bà con trở về, tuỳ số lượng bà con về sẽ bố trí dần vào các khu cách ly phù hợp ở cấp huyện. Nếu người đi tự do từ TP.Hồ Chí Minh không về nữa và các địa phương khác kiểm soát tốt theo công điện của Chính phủ thì việc tổ chức đón người về với Quảng Nam là hoàn toàn yên tâm vì nằm trong quản lý và kiểm soát của chúng ta.
Phóng viên: - Đồng chí từng chia sẻ trong đợt đầu tiên đón bà con về, rằng tỉnh sẽ tạo điều kiện hỗ trợ công ăn việc làm cho bà con. Vậy việc này đã triển khai chưa và sẽ triển khai như thế nào?
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: - Tỉnh Quảng Nam đã đón bà con về thì phải có kế hoạch chăm lo cho bà con cả về sức khỏe, tinh thần lẫn việc làm. Có như vậy thì trách nhiệm, tình cảm của chúng ta đối với bà con mới trọn vẹn được. Hiện nay ưu tiên số 1 là đưa bà con vào khu cách ly tập trung để thực hiện tốt công tác cách ly, xét nghiệm. Sau đó, khi bà con về nhà và ổn định thì chúng tôi sẽ tiến hành phân loại, tùy theo tuổi tác, trình độ, nghề nghiệp đã làm trước đây, xem họ phù hợp với nghề gì để tiến hành đào tạo, giúp người dân tiếp cận công việc. Việc này tỉnh đã giao Sở LĐTB&XH phối hợp với địa phương thực hiện.
Tôi cũng đã làm việc với một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp, các doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp chế biến nông sản... để tạo điều kiện cho bà con có việc làm. Nếu bà con không muốn quay trở lại TP.Hồ Chí Minh thì cũng có công việc làm ổn định tại quê nhà. Đây là trách nhiệm và tình cảm mà chúng ta phải thực hiện được khi đón bà con trở về.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, 3 đợt tiêm chủng vừa qua của Quảng Nam cơ bản là đáp ứng rất kịp thời yêu cầu đặt ra đối với công tác phòng chống dịch trên địa bàn, nhất là đối với chiến lược tiêm vắc xin.
"Trong quá trình thực hiện rất minh bạch, khách quan, rõ ràng. Tất nhiên, trong quá trình làm vẫn còn những tồn tại hạn chế và điều này phải được rút kinh nghiệm một cách sâu sắc để đảm bảo công tác tiêm vắc xin là một mũi nhọn đặc biệt quan trọng trong chiến lược bảo về sức khỏe cho nhân dân, duy trì hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Thực hiện mục tiêu kép thì cũng phải quan tâm đến lực lượng doanh nghiệp đóng góp nguồn thu cho ngân sách để duy trì phát triển kinh tế. Tất cả các đối tượng khác, đặc biệt là những người thường xuyên tiếp xúc, thường xuyên đi lại và có hoạt động dễ bị nhiễm và dễ lây lan cho người khác thì phải xác định và ưu tiên trước cho đối tượng này. Bên cạnh đó, tất cả những đối tượng khác, kể cả trong hệ thống chính trị và trong nhân dân đều phải được phân loại và xác định đối tượng rõ ràng và ưu tiên thứ tự. Trong tháng 8 này tôi tin khi lượng vắc xin được phân bổ nhiều hơn thì chắc chắn việc tiêm vắc xin sẽ trở nên thuận lợi hơn.