Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: "Đột phá về con người, từ con người"

HỮU PHÚC (thực hiện) 17/02/2021 05:00

Quảng Nam và cả nước đã trải qua một năm Canh Tý đầy gian lao, vất vả. Cho đến những ngày cuối cùng của năm cũ, với làn sóng thứ ba của đại dịch Covid-19, nhiều địa phương, gia đình vẫn chưa thể an vui đón tết. Nhưng cũng chưa bao giờ, niềm tin, cảm hứng và khát vọng về một Việt Nam hùng cường lại được củng cố, lan tỏa sâu rộng như thời điểm này, từ sự thành công của Đại hội Đảng các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng,…

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh. Ảnh: H.P
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh. Ảnh: H.P

Dành cho Báo Quảng Nam cuộc trò chuyện thân tình nhân dịp đầu xuân Tân Sửu, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chia sẻ những suy tư, mong muốn và phương cách nhằm tạo nên “chuyển động” thật sự rõ nét và hiệu quả về tổ chức, hoạt động của các cơ quan hành chính từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt, người đứng đầu chính quyền tỉnh luôn nhấn mạnh rằng, một khi có khát vọng lớn, dám nghĩ dám làm, dám thay đổi tư duy, vượt khó và khơi dậy hào khí của quê hương, Quảng Nam chắc chắn sẽ có sự phát triển đột phá.

* Là người đứng đầu UBND tỉnh, ông kỳ vọng gì về những “chuyển động” của bộ máy hành chính ngay trong năm khởi đầu chặng đường phát triển mới của quê hương Quảng Nam?

Trong gian khó, đất Quảng sẽ bứt phá đi lên

Đó là nhận định của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh về chặng đường phát triển Quảng Nam trong 5 năm và 10 năm đến. Người đứng đầu chính quyền tỉnh cũng lạc quan cho rằng, năm 2021 - khởi đầu chặng đường mới, Quảng Nam sẽ tạo ra bứt phá mới về tư duy và phương pháp hành động. “Trong khó khăn, người Quảng Nam luôn có bản lĩnh và ý chí vươn lên, không cam chịu đầu hàng; chỉ cần trên dưới một lòng, đoàn kết thống nhất, có tầm nhìn và hành động quyết liệt thì sẽ thành công” - Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Năm nay, chúng ta kỷ niệm tròn 550 năm Danh xưng Quảng Nam. Lịch sử cho thấy, người Quảng Nam từ xưa đến nay luôn hội tụ những tố chất, khí phách để làm nên lịch sử, cho dù ở bất kỳ hoàn cảnh khó khăn, thách thức nào. Thời phong kiến Trịnh - Nguyễn phân tranh, Hội An đã tiên phong trong mở cửa, giao thương và hội nhập quốc tế, trở thành một thương cảng sầm uất. Thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Quảng Nam cũng là vùng đất đi đầu trong đấu tranh chống sưu thuế, trong canh tân đất nước và nuôi chí kiên cường đánh giặc ngoại xâm. Thời hòa bình, trong những năm đầu tái lập tỉnh, dù đối diện với muôn vàn gian khó, chúng ta đã xây dựng Khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước để Quảng Nam qua 23 năm phấn đấu từ một tỉnh nghèo thứ 2 vươn lên trở thành một tỉnh tự cân đối và có điều tiết ngân sách về Trung ương.

Nhắc lại như vậy để chúng ta có lòng tin, niềm tự hào và hy vọng. Tôi tin rằng, con người Quảng Nam hôm nay nói chung và cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị, các cơ quan hành chính nói riêng, chắc chắn sẽ biết cách kế thừa và phát huy truyền thống của cha ông. Ưu điểm lớn của bộ máy hành chính hiện nay, về cơ bản là anh em đầy tâm huyết, có khát vọng. Một chặng đường mới của tỉnh Quảng Nam, hòa trong kỳ vọng từ tầm nhìn của Đại hội Đảng lần thứ XIII chắc chắn sẽ tạo nên những động lực mới…

* Nhưng trong thực tế, vừa qua, lãnh đạo tỉnh cũng đã thẳng thắn chỉ ra không ít những hạn chế, khuyết điểm của bộ máy công quyền?

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Đúng vậy! Nếu soi vào từng ngóc ngách của hệ thống hành chính, sẽ thấy không ít những hạn chế, bất cập cần khắc phục.

Thứ nhất, bộ máy còn cồng kềnh, chức năng, nhiệm vụ có những mặt chưa rõ, chồng chéo, cải cách hành chính chuyển biến chậm. Thủ tục hồ sơ, thời gian giải quyết có giảm nhưng chất lượng xử lý chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn phát sinh nhiều hồ sơ, thủ tục phụ tại cơ quan chuyên môn trước khi nộp tại bộ phận một cửa hoặc trung tâm hành chính công. Việc phân cấp, ủy quyền, phân quyền có thực hiện ở một số lĩnh vực đầu tư công và một số dự án đầu tư tư nhân, nhưng nhìn chung còn ít. Trong hệ thống hành chính với nhau, việc giải quyết công việc cũng mất rất nhiều thời gian.

Thứ hai, vai trò của người đứng đầu ở một số cơ quan, địa phương chưa ngang tầm nhiệm vụ, chưa quy tụ, phát huy được sức mạnh tập thể, kể cả ở cấp phòng chuyên môn trực thuộc. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thực thi công vụ của cơ quan đó và tác động tiêu cực đến sự vận hành của cả hệ thống.

Thứ ba, công tác tham mưu, đề xuất ở các cấp hiện còn rất bị động, chất lượng chưa cao. Tình trạng chờ giao việc, chờ nhắc nhở, thậm chí khi có chỉ đạo quyết liệt mới tham mưu cấp trên giải quyết còn phổ biến. Nhiều công việc lẽ ra cấp dưới có thể giải quyết ngay vẫn đẩy lên xin ý kiến cấp trên. Các sáng kiến, đổi mới, sáng tạo bị suy giảm nhiều. Mặc dù đề án vị trí việc làm đã phê duyệt, có tinh giản biên chế theo lộ trình, nhưng nhìn chung số lượng cán bộ, công chức, viên chức còn chưa hợp lý ở một số cơ quan, đơn vị; nhiều nơi, nhiều vị trí tối ngày làm không hết việc, nhưng cũng rất nhiều nơi, nhiều vị trí còn khá thảnh thơi. Một bộ phận cán bộ vẫn chưa hết lòng, tận tâm phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, chưa thực sự làm tròn phận sự là công bộc của nhân dân, chưa thể hiện là người cán bộ của nền hành chính phục vụ.

Cũng có ý kiến cho rằng, tiềm năng và cơ hội của Quảng Nam rất lớn. Nhưng thời gian qua, kết quả đạt được chỉ ở dưới mức tiềm năng và điều này có nguyên nhân từ tâm lý thỏa mãn, bằng lòng với hiện tại. Ông suy nghĩ sao về điều này?

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Chắc chắn là có “căn bệnh tự mãn”, nhất là từ năm 2017 khi Quảng Nam gia nhập câu lạc bộ 20.000 tỷ và bắt đầu có điều tiết đóng góp ngân sách về Trung ương. Tuy nhiên, đây là sự thỏa mãn trên nền tảng của cơ cấu kinh tế không bền vững. Bên cạnh đó, phải kể đến hệ thống pháp luật của chúng ta còn khá bất cập, nhiều quy định không rõ ràng, nhiều vấn đề phức tạp phải đề nghị các Bộ ngành hướng dẫn nhưng trả lời cũng không cụ thể nên nhiều dự án lớn gặp vướng mắc chậm được tháo gỡ. Mặt khác, việc xử lý cán bộ vi phạm trong cả nước vừa qua cũng phần nào gây tâm lý lo ngại, đắn đo trong các cơ quan nhà nước. Cũng chính vì vậy, từ năm 2018 UBND tỉnh đã chủ động chậm lại để rà soát tất cả hồ sơ, thủ tục liên quan đến các dự án trong thời gian qua, nhất là về quy hoạch, đất đai, xây dựng, kinh doanh nhà, chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng… để từng bước khắc phục. Năm 2020, cuối nhiệm kỳ, lại dồn dập các khó khăn do dịch bệnh và thiên tai làm tác động đến tất cả ngành kinh tế. Những vấn đề trên làm Quảng Nam đang phát triển dưới mức tiềm năng và chưa bền vững. Tuy nhiên, tôi có niềm tin rằng, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ có sự thay đổi rõ nét, đột phá với khí thế mới và quyết tâm mới.

Bắt đầu tạo chuyển biến mới từ đâu, thưa ông?

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Để tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị nói chung, các cơ quan hành chính nói riêng, trước hết người đứng đầu các cấp, các ngành phải thực sự gương mẫu, tâm huyết và quy tụ. Mong muốn của lãnh đạo tỉnh là làm sao người đứng đầu các cấp, các cơ quan, đơn vị phải thực sự gương mẫu, tâm huyết, biết cách xâu chuỗi và khơi dậy tinh thần làm việc của cả bộ máy. Đây là khâu đột phá, là yếu tố tiên quyết tạo nên sự thay đổi, chuyển động của hệ thống. Muốn vậy, người đứng đầu phải công tâm, khách quan, biết lắng nghe lời trung thực dù có “nghịch nhĩ”, phải thấy vui khi cấp dưới có chuyên môn tốt hơn mình, thấy cán bộ có tài, khát khao cống hiến phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí ở vị trí việc làm phù hợp, không để hẫng hụt cán bộ ở bất cứ vị trí nào; phải biết phát huy dân chủ, mạnh dạn phân quyền, có tầm nhìn, quyết đoán, có bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm, gương mẫu trong làm việc và trong lối sống hàng ngày.

* Nhưng chỉ kêu gọi, động viên, khơi dậy tinh thần làm việc và khát khao cống hiến, có lẽ là chưa đủ?

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Về chế độ tiền lương, tiền thưởng, chúng ta phải chấp hành theo quy định thống nhất của Trung ương, biên độ cho chủ động sáng tạo không nhiều. Tuy nhiên, tôi cho điều đặc biệt quan trọng đối với cán bộ có tâm huyết đó là phải tạo dựng một môi trường làm việc tốt cho họ, đánh giá đúng về họ, luôn luôn mở ra những cơ hội mới cho họ. Thiết nghĩ, từ bây giờ phải quyết liệt đổi mới công tác sử dụng và đánh giá cán bộ, nhất là người đứng đầu. Song song với trọng dụng cán bộ tốt phải có cơ chế và phương pháp để loại bỏ những cán bộ thoái hóa, biến chất, đố kỵ, bè phái, không để “con sâu làm rầu nồi canh”.

Năm nay, UBND tỉnh cũng sẽ tập trung triển khai các Nghị định của Chính phủ về tổ chức sắp xếp lại bộ máy hành chính từ tỉnh đến huyện và chỉ đạo xây dựng, thẩm định lại đề án vị trí việc làm một cách hiệu quả, thực chất hơn. Công tác điều động, luân chuyển cán bộ cần triển khai có khoa học và được thực hiện cả từ trên xuống và từ dưới lên. Bên cạnh đó là quyết tâm tạo đột phá trong công tác chỉ đạo điều hành, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng “chính quyền số”.

UBND tỉnh đã giao mỗi sở, ngành, địa phương đăng ký một lĩnh vực/nhiệm vụ đột phá của năm để làm căn cứ tổng hợp và công bố công khai, qua đó theo dõi, đánh giá sự quyết tâm của từng tập thể và người đứng đầu. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh, đột phá gì cũng phải bắt đầu từ con người. Bởi vậy, trong các “đột phá của đột phá”, quan trọng nhất là đột phá về con người.

Xin cảm ơn Chủ tịch UBND tỉnh!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: "Đột phá về con người, từ con người"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO