Trao đổi với Báo Quảng Nam dịp đầu xuân mới, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tin tưởng vào tính khả thi của các chương trình, dự án theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội sẽ được triển khai năm 2023. Quảng Nam sẽ có cơ hội vàng, trở thành một cực tăng trưởng, thể hiện đúng tầm nhìn và khát vọng của địa phương.
- Thưa Chủ tịch UBND tỉnh, các kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội sẽ được thực hiện như thế nào trong năm 2023?
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Quảng Nam đã rất cân nhắc, chuẩn bị kỹ lưỡng, sẽ báo cáo gì trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.
Những nội dung đề xuất đều ngắn gọn, nhưng đảm bảo có tầm nhìn chiến lược trong dài hạn và khả thi trong ngắn hạn. Việc quan trọng, lớn nhất là quy hoạch, đầu tư cảng cho tàu 5 vạn tấn ra, vào ở Cửa Lở.
Quảng Nam đã chủ động tổ chức hội thảo quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Quảng Nam, trình Bộ GTVT và đã được Bộ GTVT ghi nhận, đánh giá cao.
Bộ GTVT sẽ phê duyệt và đề xuất Chính phủ phê duyệt đầu tư bến cảng 5 vạn tấn cùng lúc với Thủ tướng phê duyệt quy hoạch nhóm cảng biển quốc gia.
Quảng Nam đã phối hợp Bộ GTVT xây dựng đề án xã hội hóa sân bay Chu Lai. Bộ GTVT đã hỗ trợ địa phương rất nhiều trong việc xây dựng đề án này và chọn đề án phát triển sân bay Chu Lai thành đề án mẫu để cho các địa phương khác căn cứ xây dựng lộ trình xã hội hóa đầu tư sân bay.
Sự phối hợp chủ động của các bộ, ngành quyết định rất lớn vào sự thành công của các đề án xã hội hóa cảng biển, sân bay. Quảng Nam đã trình Bộ GTVT và bộ này đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành để trình Chính phủ.
Quảng Nam sẽ đầu tư phát triển phía đông sân bay Chu Lai trước và khu vực hiện trạng sẽ đầu tư sau (thay vì khu vực hiện trạng trước và phía đông sau). Lý do là khu vực hiện trạng liên quan đến đất, công trình quân sự, công trình dân dụng của Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã đầu tư, cần thời gian để định giá trị, xây dựng phương án liên doanh hoặc góp vốn để đầu tư.
Còn phía đông trống không, không có gì hết. Chỉ cần bàn giao đất đó cho địa phương thì địa phương sẽ có phương án đầu tư ngay. Ý tưởng, phương án này đã được Bộ GTVT thống nhất.
Dự kiến ngay trong năm bay, sẽ có quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho cảng biển, sân nay và quốc lộ 14D lên cửa khẩu quốc tế. Ba dự án giao thông này có tầm quan trọng, quyết định cho sự phát triển không chỉ cho riêng Quảng Nam mà cả khu vực miền Trung, và tuyến hành lang Đông - Tây mở ra sự kết nối giao thương cho cả Lào, Thái Lan.
- Việc nâng cấp các tuyến giao thông kết nối liên vùng, xuyên biên giới có khả thi không, thưa ông?
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Tính thời sự về tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây theo 14D đã quay trở lại khi cửa khẩu Nam Giang được nâng lên thành cửa khẩu quốc tế. Thaco Group đã mua lại Công ty Nông nghiệp Hoàng Anh - Gia Lai. Một vùng nông nghiệp rộng lớn ở Lào, Đông Bắc Campchia và một phần Tây Nguyên khá thuận lợi để có thể phát triển vùng nguyên liệu, chăn nuôi gia súc.
Tập đoàn này đang tái cấu trúc cây trồng, con vật nuôi mà Hoàng Anh - Gia Lai đã làm từ trước, cần thiết phải vận chuyển về Quảng Nam, nhất là Chu Lai để hình thành trung tâm chế biến sâu mảng nông nghiệp.
Cảng nước sâu Chu Lai cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào quy hoạch, cho phép đầu tư cho tàu 5 vạn tấn ra vào. Tất cả những yếu tố đó hội tụ, làm nên sức hút lượng hàng hóa rất lớn từ Lào, Thái, Campuchia về kết nối hàng hóa Quảng Nam, Đà Nẵng.
Ngoài vận chuyển hàng hóa, kết nối các vùng du lịch cũng thuận lợi hơn khi đường sá được nâng cấp quy mô, an toàn, thuận lợi cho lượng khách từ Thái Lan, Lào ra biển theo tuyến 14D. Từ sản xuất hàng hóa, du lịch đã đến lúc chín muồi để đầu tư nâng cấp, mở rộng 14D.
Bộ GTVT đã quyết định đầu tư tuyến 14E (70km). Tuyến quốc lộ này là một phần nối 14D để lên cửa khẩu Nam Giang sẽ chính thức khởi công trong nay mai.
Thaco Group đề xuất sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư, nâng cấp, mở rộng tuyến 14D, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Quảng Nam hoàn toàn tin vào tính khả thi của việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng tuyến 14D theo phương án của địa phương đưa ra.
Hiện Thaco Group cùng Viện Chiến lược Bộ GTVT khảo sát lần cuối cùng để đề xuất phương án đầu tư phù hợp, trình Chính phủ (chậm nhất đầu năm 2023). Việc nâng cấp, mở rộng tuyến 14E và 14D sẽ hoàn thành cùng lúc, mở rộng con đường kết nối, giao thương.
- Quảng Nam định hướng phát triển thêm những ngành công nghiệp mới nào trong thời gian đến?
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Mọi việc thực hiện cơ chế hay đầu tư đều phải có lộ trình. Trong giai đoạn tới, sẽ phải trả lời cho được câu hỏi xây dựng thêm những ngành công nghiệp mới là gì? Đó là công nghiệp phụ trợ ngành cơ khí tầm quốc gia, quy tụ doanh nghiệp hai đầu về địa phương tham gia sản xuất.
Thaco Group làm hạt nhân sản xuất phần giá trị gia tăng cao, kéo theo “đàn chim sẻ” cùng tham gia. Quảng Nam đã được chọn làm thí điểm, thành hạt nhân, cơ sở để xây dựng luật phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Ngành công nghiệp dược liệu hình thành sẽ là mũi tên trúng ba mục đích: gia tăng giá trị dược liệu, bảo vệ rừng tốt hơn và gia tăng đời sống, sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Một trung tâm silica hình thành sẽ chấm dứt việc khai thác, tuyển rửa, xuất khẩu thô.
Nước ngoài nhập cát trắng của địa phương (và cả miền Trung) làm nguyên liệu chế tác sản phẩm xuất khẩu thì tại sao địa phương không thể hình thành một trung tâm công nghiệp chế biến tại chỗ? Quảng Nam đã có các nhà máy kính, kiểm nghiệm cát địa phương tốt. Họ làm được thì chúng ta cũng có thể làm được. Hội An, Mỹ Sơn và tài nguyên văn hóa, du lịch khác sẽ được xây dựng nên ngành công nghiệp văn hóa.
Chuyện bàn định ở đây không phải là chuyện xa vời, không phải là chuyện tương lai quá xa mà thực sự đang hiện hữu, chỉ là chưa xứng tầm. Giờ chỉ cần nâng các cơ sở sản xuất này lên một tầm vóc mới, có đủ tầm nhìn xa, có lộ trình cụ thể thì sẽ thành công.
- Vì sao chưa xây dựng được đề án “thương hiệu Quảng Nam” sau gần 3 năm đặt “đề bài” này lên bàn nghị sự?
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Khi đề xuất xây dựng thương hiệu địa phương, Quảng Nam là tỉnh, thành đầu tiên của cả nước dám nghĩ đến chuyện đưa việc này vào chương trình công tác năm. Nghĩ đến đã khó, chưa nói đến việc thực hiện sẽ như thế nào.
Tuy nhiên, sau nhiều cuộc thảo luận, không nhất thiết phải có đề án xây dựng thương hiệu thì Quảng Nam mới có thương hiệu. Suy cho cùng, tất cả những việc địa phương đã, đang làm sẽ từng bước hình thành nên thương hiệu địa phương.
Chỉ cần nghe hoặc đến Quảng Nam thấy cái gì đó ấn tượng, hài lòng về sự phát triển của địa phương, không để lại những tiếng gì xấu, không để những tồn tại bất ổn xã hội kéo dài.
Mọi người dân sống trong môi trường an toàn, văn minh, hạnh phúc. Họ không muốn rời đất này ra đi và nhiều người muốn đến sống, làm việc tại vùng đất này... thì đó chính là thương hiệu Quảng Nam - một thương hiệu cần thời gian để hoàn thiện.
- Quảng Nam đứng đâu trên bản đồ kinh tế miền Trung, thưa ông?
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Nói đứng ở đâu, vị trí nào thì hơi khó. Địa phương nào cũng nỗ lực. Bất kỳ lãnh đạo địa phương nào cũng có khát vọng phát triển địa phương đó.
Tuy nhiên, thành công nhiều hay ít còn phụ thuộc vào đội ngũ, tầm nhìn và quyết tâm chính trị của đội ngũ thực thi công vụ đến sự ủng hộ của nhân dân trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong vấn đề thu hút đầu tư và tính ổn định của chính sách, dư địa để phát triển địa phương đó.
Quảng Nam đã đề xuất, xác định trong quy hoạch đến 2030, tầm nhìn đến 2050 là sẽ có vai trò, vị thế xứng đáng trong vùng kinh tế động lực miền Trung.
Không thể nói đứng thứ mấy vì hiện nay Chính phủ chưa có bộ tiêu chí để xếp hạng các địa phương. Quảng Nam đã đóng góp ngân sách trung ương thứ 11/63 tỉnh, thành và nhiều chỉ số khác của địa phương đang rất tốt, nhưng xếp hạng kiểu gì thì không xác định được.
Sẽ phấn đấu đến 2030, ít nhất Quảng Nam phải có các chỉ số cơ bản định lượng cho phát triển cao hơn mặt bằng chung của vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
- Trân trọng cám ơn Chủ tịch UBND tỉnh đã dành cho Báo Quảng Nam cuộc phỏng vấn đầu xuân!