Phóng viên
Thưa ông, Quảng Nam được gì sau diễn đàn “Tăng trưởng xanh” đã mở từ 10 năm trước?
CHỦ TỊCH UBND TỈNH LÊ TRÍ THANH:
Quảng Nam thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh khi mới bước vào giai đoạn ổn định, là lựa chọn hướng đến phát triển bền vững. Từ sự ủng hộ, trợ giúp của Bộ KH&ĐT, Chương trình định cư con người Liên hiệp quốc (UN - Habitat), ý kiến đóng góp của nhiều cơ quan, chuyên gia quốc tế, Quảng Nam đã thống nhất đưa vào nghị quyết trong các kỳ đại hội đảng bộ, luôn xác định mục tiêu phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, chú trọng cân bằng giữa phát triển kinh tế, đảm bảo môi trường và công bằng xã hội.
Quảng Nam đã từ chối rất nhiều dự án đầu tư dù có thể đem lại nguồn thu, mang lại giá trị lớn nhưng nguy cơ gây ô nhiễm. Thiết lập trật tự khai thác khoáng sản vàng, đất, cát... Những mỏ không cần thiết thì dừng. Yêu cầu đưa ra lộ trình đổi mới công nghệ, loại bỏ công nghệ khai thác ô nhiễm thông qua việc giám sát và xử lý vi phạm.
Và Quảng Nam là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước đổi mới quản lý, bảo vệ rừng theo hướng tinh, gọn, hiệu quả gắn với chính quyền địa phương. Quảng Nam cũng là địa phương đầu tiên phối hợp các tổ chức quốc tế xây dựng bộ tiêu chí du lịch xanh. Nhiều doanh nghiệp đã đăng ký để được cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn xanh theo bộ tiêu chí này...
Phóng viên
Chiến lược tăng trưởng xanh đã được tích hợp như thế nào vào quy hoạch Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thưa ông?
CHỦ TỊCH UBND TỈNH LÊ TRÍ THANH:
Tất cả nội hàm về tăng trưởng xanh đã thể hiện rất rõ trong đồ án quy hoạch. Quá trình tái cơ cấu các hoạt động kinh tế (công nghiệp, xây dựng, hạ tầng cho đến nông lâm, thủy sản, thương mại dịch vụ...) đều phải xoay quanh tư duy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, xanh hóa các ngành kinh tế, thông qua tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động tiêu cực đến tự nhiên, văn hóa, xã hội và thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu. Các kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội khi làm việc với Quảng Nam cũng đã được đưa vào trong đồ án quy hoạch.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, địa phương sẽ có cơ chế, chính sách, phương án thực hiện quy hoạch ngành, lãnh thổ, kiên trì mục tiêu tăng trưởng xanh. Quảng Nam chọn con đường phát triển bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh; giải phóng tối đa tiềm lực kinh tế, văn hóa, tự nhiên của mình thì sẽ phát triển theo đúng kỳ vọng. Tuy nhiên, không quá lạc quan khi có những tín hiệu tốt và cũng đừng bi quan khi có những khó khăn thử thách, bất lợi xuất hiện.
Phóng viên
Chương trình, dự án nào sẽ được ưu tiên đầu tư và thực hiện, thưa ông?
CHỦ TỊCH UBND TỈNH LÊ TRÍ THANH:
Kết cấu hạ tầng vẫn phải đầu tư đồng bộ, hiện đại. Hạ tầng đầu mối quan trọng nhất vẫn là sân bay, cảng biển và hệ thống đường giao thông xuyên Á. Chiến lược tăng trưởng xanh thể hiện rõ trong việc quy hoạch sân bay Chu Lai không theo hướng quá chú trọng về vận tải hành khách mà phát triển công nghiệp hàng không công nghệ cao gắn với nhập xuất hàng hóa bằng đường hàng không. Một ngành ít gây ô nhiễm, nhưng giá trị gia tăng đem lại rất cao.
Hệ thống cảng biển sẽ không phát triển các ngành công nghiệp ô nhiễm như các mặt hàng rời, hàng lỏng và các mặt hàng khác (hiện nay đã dừng, không cho phát triển thêm). Chỉ tập trung tạo luồng mới tại Cửa Lở cho tàu 5 vạn tấn, chủ yếu phục vụ xuất nhập khẩu hàng container cho chính hệ sinh thái Thaco Group và cho cả miền Trung.
Thaco Group đang hướng đến chế biến các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường các châu lục. Xây dựng cảng sẽ đòi hỏi các tiêu chuẩn, quy trình sản xuất bảo vệ môi trường nghiêm ngặt. Cảng nằm trong vùng gắn đô thị, du lịch nên sẽ chọn phát triển theo một cảng xanh, sạch. Thaco Group cũng đã thống nhất theo định hướng này.
Hệ thống giao thông kết nối sẽ được thực hiện, nhưng nếu tác động đến hệ sinh thái rừng thì không triển khai. Một số tuyến đường giao thông khác ở miền núi, dù phát triển kinh tế địa phương, nhưng gây sạt lở, ảnh hưởng đến rừng, đến đời sống nhân dân thì dừng, không đầu tư. Tính toán mở các tuyến đường khác có tác động thúc đẩy tăng trưởng, nhưng không ảnh hưởng khu vực vùng cao bằng các tuyến kết nối từ biển lên quốc lộ, cao tốc, nối các tuyến đường phía tây.
Sẽ khơi thông các dòng sông để phát triển giao thông thủy, giải quyết vấn đề ngập lụt, ô nhiễm môi trường, trở thành nền tảng phát triển hệ sinh thái lòng sông và ven sông. Ngoài ra, phát triển giao thông xanh bằng việc hợp tác với Đà Nẵng đầu tư hệ thống liên kết giữa Chu Lai - Hội An - Đà Nẵng bằng hệ thống xe điện, tàu điện tiên tiến, không gây ô nhiễm môi trường.
Còn du lịch sẽ kiên trì phát triển du lịch xanh, phát triển du lịch ven sông, ven biển, nông thôn, miền núi trên nền tảng nỗ lực hết mức gìn giữ hệ sinh thái tự nhiên và bản sắc văn hóa địa phương.
Sự thay đổi đáng kể, tư duy phù hợp hiện tại là việc cân nhắc phát triển các resort, các khu du lịch cao cấp ven biển. Sẽ không còn chuyện phát triển tiệm cận bờ biển khi quy hoạch từ sông Thu Bồn trở vào có một tuyến đường đi sát biển, cách bờ biển 110m, có đoạn cách 150m. Hành lang biển này sẽ giải quyết vấn đề tiếp cận không gian biển cho mọi người dân, tổ chức, mọi khách du lịch, không phải riêng cho bất kỳ khu du lịch nào.
Các khu công nghiệp (KCN) từ đường cao tốc trở xuống đã được yêu cầu phải đầu tư xây dựng theo tiêu chí KCN nghiệp xanh về xử lý môi trường, phòng cháy chữa cháy, thông tin liên lạc, cây xanh, nước thải...
Phóng viên
Bài toán kinh tế từ chiến lược này, thưa ông?
CHỦ TỊCH UBND TỈNH LÊ TRÍ THANH:
Ngân sách nhà nước không thể “bao” hết được mà chỉ đóng vai trò định hướng phát triển, lôi kéo các nguồn lực khác. Nguồn lực nhà nước là quy hoạch, thể hiện vai trò quản lý của Nhà nước trong ý đồ phát triển với việc bố trí không gian, kiến trúc, vật liệu xây dựng, quản lý môi trường, thiết chế công cộng, cây xanh... Nhà nước kiến tạo các chính sách, có thể đầu tư một số chương trình mang tính dẫn dắt, định hướng cho các chủ thể khác “lắp ghép vào” theo tiêu chuẩn, quy chuẩn mà Nhà nước đã đưa ra.
Thực hiện chiến lược nào cũng phải có tiền. Mà tăng trưởng xanh sẽ ít tiền hơn các phương án khác nếu nghĩ đến mai sau sẽ phải giải quyết hậu quả tổn phí môi trường, tổn phí xã hội hay hệ lụy từ các ngành khác vì tăng trưởng nóng. Một khi hướng đến sự phát triển bền vững, chung sống, nương vào tự nhiên, giảm phát thải, giảm tác động đến không gian văn hóa, tự nhiên và đời sống người dân thì tổn phí khắc phục sẽ thấp nhất.
Ngay cả chi phí đầu tư cho các KCN xanh sẽ lớn, nhưng ngược lại, giá cho thuê sẽ cao khi xu hướng theo phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) của thế giới thì doanh nghiệp sẽ chọn những KCN này để đầu tư. Các nhà máy đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại, giảm thiểu môi trường sẽ tốn tiền, nhưng sản phẩm của doanh nghiệp mới đủ sức cạnh tranh, có thị trường xuất khẩu. Hay như áp dụng bộ tiêu chí du lịch xanh, sẽ hạn chế thu hút du lịch cấp thấp, nhưng lại đón những dòng khách cao cấp, chi tiêu nhiều hơn. Chúng ta tiến đến một lựa chọn là tinh, chất lượng hơn là số lượng. Nếu tính toán như vậy thì chi phí đầu tư cho tăng trưởng xanh sẽ không lớn!