Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: “Xây dựng Quảng Nam thành một cực tăng trưởng”

TRỊNH DŨNG 03/01/2020 13:35

“Định hướng mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng Quảng Nam trở thành một cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phải là một lựa chọn cần thiết!” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói trong cuộc trò chuyện đầu năm 2020 với Quảng Nam Cuối tuần.

* Thưa ông, cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng hiện tại đang tạo ra động lực phát triển, tại sao phải kiếm tìm sự thay đổi?

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh.

Ông Lê Trí Thanh: Mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế hiện đúng hướng nhưng thiếu linh hoạt, cấu trúc kinh tế thay đổi chậm, chứa đựng nhiều bất ổn. Tư duy phát triển chỉ “đóng trong khung chật hẹp” của lãnh thổ hành chính. Không gian phát triển kinh tế lệch về phía đông. Công nghiệp hiện là trụ cột kinh tế Quảng Nam, nếu không tận dụng được cơ hội đổi mới khi nền kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động giá rẻ sang nền kinh tế tri thức, sẽ khiến nền kinh tế địa phương tụt hậu nhanh chóng so với các địa phương khác trong khu vực và thế giới. Định vị mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng Quảng Nam trở thành một cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phải là một lựa chọn cần thiết. Khi phải đối mặt với sự cạnh tranh “khốc liệt” giữa các địa phương có tiềm năng, thế mạnh tương đồng.

* Kịch bản nào phù hợp cho Quảng Nam. Quảng Nam có nên tiếp tục tập trung phát triển các nhóm ngành trụ cột đã được xác định, hay điều chỉnh, bổ sung, thưa ông?

Ông Lê Trí Thanh: Một sự chuyển dịch đúng hay phù hợp chỉ ứng với thực tiễn phát triển của từng giai đoạn, thời kỳ. Tái cơ cấu hướng đến tái cấu trúc nội bộ các ngành chủ lực. Công nghiệp dẫn dắt tăng trưởng Quảng Nam hiện tại là công nghiệp ô tô và dệt may. Nhưng ngành ô tô mới chỉ ở giai đoạn nhập khẩu linh kiện, lắp ráp, từng bước nội địa hóa. Để đủ sức cạnh tranh khi Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thì phải tái cơ cấu theo hướng đẩy nhanh tỷ lệ nội địa hóa, đa dạng mẫu mã, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, mở nhiều phân khúc thị trường hơn và giá cũng phải ở mức độ vừa phải…

Ngành công nghiệp dệt may đã có một giai đoạn cường thịnh và cho đến bây giờ vẫn giải quyết rất nhiều lao động… Tuy nhiên, giá trị gia tăng, đóng góp các nghĩa vụ cho Nhà nước không cao, nhưng lại sử dụng lao động rất nhiều, trong khi các điều kiện bảo đảm (thiết chế văn hóa, xã hội, nhà ở…) cho người lao động đến giờ phút này gần như chưa có gì.

Sự xuất hiện của nhiều cơ sở may mặc dẫn đến cạnh tranh lao động. Sự dịch chuyển qua lại từ doanh nghiệp cũ sang doanh nghiệp có điều kiện tốt hơn đã dẫn đến khủng hoảng của một số doanh nghiệp, tạo nên sự chông chênh, thiếu bền vững. Quảng Nam sẽ tiếp cận các ngành này nhưng trên cơ sở sử dụng công nghệ hiện đại, tính tự động hóa cao, ít sử dụng lao động đến mức có thể. Sản xuất sẽ phải đảm bảo các điều kiện để hưởng các ưu đãi hội nhập. Vấn đề tái cấu trúc ngay trong nội bộ ngành, các nhà máy là điều cần hướng đến.

Một mô hình đầu tư thành công là phải tạo ra sự khác biệt. Không thể đầu tư hay phát triển du lịch theo kiểu liệt kê. Ngoài các khu du lịch cao cấp, nên nghĩ tới du lịch cộng đồng là một lựa chọn có tính quyết định bởi sẽ hạn chế việc giải phóng mặt bằng, di chuyển dân, để bảo vệ những ngôi làng thuần Việt. Có mặt bằng, kêu gọi nhà đầu tư lớn dễ. Còn tổ chức loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng thì tự địa phương phải làm. Đó mới là phát triển du lịch bền vững. Người dân sẽ được hưởng lợi.

Sẽ tiến đến việc lấp đầy khoảng trống du lịch, khi quy hoạch phát triển hệ thống du lịch sông, tịnh tiến lên vùng tây, kết nối vùng đông thay vì chỉ đầu tư, lấn đất ven biển. Sẽ cần tư duy mới về kinh tế ban đêm, phát triển các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí, ẩm thực… khai thác thêm giá trị gia tăng các loại hình du lịch đó, thay vì chỉ nặng về lưu trú như hiện tại. Cái cuối cùng của cơ cấu là phát triển du lịch bền vững, thân thiện môi trường, không được hủy hoại môi trường, văn hóa.

* Câu chuyện du lịch này đã bàn định từ rất lâu nhưng đâu có thể thực hiện được? Nói thì dễ nhưng sẽ rất khó làm?

Ông Lê Trí Thanh: Nói đơn giản là sẽ phát triển du lịch bền vững, nhưng phân tích trong điều kiện Quảng Nam như thế nào là cả một vấn đề. Chọn gì để không ảnh hưởng môi trường, hướng đến dòng khách nào, đem lại gì cho Quảng Nam, có phù hợp hay xung đột văn hóa? Khó, rất khó. Nhưng không thể không tính toán để thực hiện. Còn làm như thế nào, bao giờ làm, làm ra sao thì còn nhiều điều, thời gian để bàn luận.

Hội An, Cù Lao Chàm lâu nay khai thác du lịch về số lượng. Khách nườm nượp đến có nên không? Cần tính toán lại theo hướng chuyển đổi số lượng giá trị thấp sang chất lượng cao. Nhất là Cù Lao Chàm nên chọn khách có thu nhập khá trở lên, có trách nhiệm bảo vệ chứ hiện khu vực này đang trên đà suy giảm. Đó mới là du lịch bền vững.

* Nông nghiệp sẽ lựa chọn phương thức phát triển nào, thưa ông?

Ông Lê Trí Thanh: Suy cho cùng, tái cơ cấu nông nghiệp, từ trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, gỗ, dược liệu liên quan mật thiết đến công nghiệp chế biến. Kiểu sản xuất hiện đại sẽ thay thế các kiểu canh tác truyền thống. Sự cố dịch tả lợn châu Phi là một bài học cho chăn nuôi nhỏ lẻ, không an toàn đã phải trả giá lớn như thế nào. Nhưng cũng xuất hiện cơ hội tái cấu trúc ngành chăn nuôi theo hướng chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học. Chăn nuôi có ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ chứ không thuần túy truyền thống như hiện nay…

Chính quyền đã quy hoạch 6 vùng nuôi trồng thủy sản, sắp đến sẽ gom những nhà chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ vào vùng tập trung này theo đúng quy trình kỹ thuật, được đào tạo bài bản, có sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp, có sự hỗ trợ đầu tư một phần của Nhà nước. Năm 2020 cơ bản sẽ hoàn thành một bước về hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá để hình thành những nhà máy chế biến. Không để người dân đánh bắt, bán thô. Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho người dân liên kết với doanh nghiệp trồng rừng gỗ lớn có cơ chế hỗ trợ và phát triển dược liệu theo hướng sản xuất dược phẩm.

* Quảng Nam đã thu nhận được gì từ các hội nghị liên quan đến tái cơ cấu đã mở?

Ông Lê Trí Thanh: Tái cơ cấu hay đổi mới mô hình tăng trưởng luôn là chọn lựa khó khăn và chỉ đúng, hợp lý ở một giai đoạn cụ thể. Nhưng dù gì đi nữa thì nguồn lực phải dựa vào chính là sự phát triển lớn mạnh của khu vực doanh nghiệp. Không thể cứ mãi dựa vào nguồn lực ngân sách Nhà nước. Các phân tích, kiến giải, khuyến nghị xác đáng của các nhà kinh tế, chuyên gia đã chỉ ra những nút thắt, bất cập, hạn chế đang trở thành lực cản phát triển địa phương. Các hội nghị vừa rồi cũng chỉ mới gợi mở một số vấn đề cần tiếp tục trao đổi. Quảng Nam tiếp thu, sẽ đưa vào trong báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ sắp đến, cũng như phục vụ cho việc xây dựng quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Ý tưởng hoạch định các chính sách, quy hoạch nếu sai lệch chắc chắn sẽ thất bại và trả giá. Sẽ đánh giá lại tính hợp lý trong các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển không gian, các ngành, vùng lãnh thổ từ đô thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi để kịp thời điều chỉnh phù hợp với xu thế quốc tế, tình hình trong nước và thực tiễn  Quảng Nam. Từ đó  xây dựng các dự án có tầm chiến lược, tạo cú hích đột phá cho phát triển công nghiệp - du lịch - đô thị, vừa chú trọng các dự án có tính truyền thống, giải quyết lao động giản đơn tại các địa phương; phát triển nông nghiệp - nông thôn; rà soát cơ chế chính sách đã ban hành và xây dựng mới để khuyến khích đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ tại chỗ và xuất khẩu.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: “Xây dựng Quảng Nam thành một cực tăng trưởng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO