(QNO) – Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng tại buổi gặp gỡ với đại diện gần 30 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh diễn ra chiều nay 17/10.
Tham dự sự kiện, có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh, đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan; đại diện lãnh đạo UBND 9 huyện, thị xã, thành phố đồng bằng và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh…
Thông tin tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cho biết, từ đầu năm đến nay tình hình kinh tế - xã hội Quảng Nam có nhiều khởi sắc tích cực. Cụ thể, 9 tháng năm 2024, kinh tế tỉnh tăng trưởng 5,95%, quy mô nền kinh tế đạt 91 nghìn tỷ đồng; tổng thu ngân sách đạt 14.435 tỷ đồng, bằng 75% kế hoạch đề ra, trong đó thu nội địa khoảng 12 nghìn tỷ đồng, bằng 65% kế hoạch. Những kết quả này có sự đóng góp lớn của cộng đồng doanh nghiệp FDI.
Tuy nhiên, quá trình hoạt động của doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn những vướng mắc, khó khăn do cơ chế chung từ Trung ương. Vì vậy, buổi gặp mặt chính là dịp để lãnh đạo tỉnh lắng nghe thông tin, đề xuất của doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp từng bước tháo gỡ để phát triển, tăng tốc.
Theo đại diện Công ty TNHH Điện khi Quốc Quang, trong quá trình phát triển, doanh nghiệp đối mặt với một số thách thức, đặc biệt thiếu đội ngũ kỹ sư chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm. Trong khi số kỹ sư địa phương doanh nghiệp đã tuyển dụng, đào tạo vẫn không đủ để hỗ trợ sự mở rộng quy mô của công ty.
“Là một doanh nghiệp Trung Quốc chuyên sản xuất các sản phẩm âm thanh, hiện chúng tôi cần thu hút từ 200 đến 400 chuyên gia nước ngoài để thực hiện công việc và đào tạo cũng như hỗ trợ nhân viên địa phương. Do đó, hy vọng tỉnh và các sở ban ngành sẽ hỗ trợ việc tuyển dụng chuyên gia nước ngoài, và tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng cần thiết trong việc xin cấp visa thương mại, giấy phép LD, và các thủ tục liên quan đến bảo lãnh lao động nước ngoài” – đại diện công ty đề xuất.
Liên quan vấn đề visa, đại diện Công ty Amann Việt Nam mong muốn người lao động Trung Quốc được cấp visa, giấy phép lao động và thẻ tạm trú như những lao động khác. Đồng thời, đề nghị cần giữ nguyên giá điện, cung cấp điện ổn định và có phương án cung cấp điện dự phòng cho khu công nghiệp tránh tình trạng cắt điện sản xuất…
Ngoài những ý kiến trên, các vấn đề được doanh nghiệp FDI quan tâm tại buổi gặp mặt liên quan đến các thủ tục đầu tư, kết nối hạ tầng, phí dịch vụ logictics, bồi thường, giải phóng mặt bằng, khớp nối và xử lý nước thải; tháo gỡ một số thủ tục giấy tờ còn rườm rà, chậm trễ, ảnh hưởng đến vận hành của doanh nghiệp… Hầu hết các ý kiến đều được đại diện các sở ngành liên quan giải đáp trực tiếp.
Theo đại diện Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (Công an tỉnh Quảng Nam), việc giải quyết các vấn đề giấy tờ cho người nước ngoài tại Việt Nam được áp dụng, vận dụng theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài năm 2014, sửa đổi năm 2019 và sửa đổi năm 2023 nhằm tạo thuận lợi nhất cho người nước ngoài cư trú, lao động và du lịch tại Việt Nam.
“Chúng tôi không phân biệt cấp giấy tờ cho người nước ngoài dựa trên quốc gia, quốc tịch. Tuy nhiên vì lý do ngoại giao và chủ quyền quốc gia, trong thị thực, giấy tờ cấp cho hộ chiếu đối với đối tượng sử dụng hộ chiếu có đường lưỡi bò thì chúng tôi không cấp...” – đại diện Công an tỉnh trả lời.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng, Quảng Nam đang quyết tâm đến năm 2030 vươn lên trở thành tỉnh khá của cả nước, đây là mục tiêu cao với nhiều chỉ tiêu đặt ra. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư FDI cùng đồng hành với địa phương để thực hiện mục tiêu này.
“Những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp ngoài đã trả lời trực tiếp hôm nay, những vấn đề còn lại sẽ được giao các sở ngành liên quan có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh để triển khai thực hiện hợp lý với tinh thần Quảng Nam sẽ đồng hành thật sự và bằng cả tấm lòng để cùng nhà đầu tư FDI vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ”
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng
Quảng Nam hiện có 201 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 6,3 tỷ USD. Các đối tác đầu tư nước ngoài đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Singapore là đối tác có vốn đầu tư FDI lớn nhất với 8 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD. Hàn Quốc hiện là đối tác FDI có số lượng dự án lớn nhất với 59 dự án, tổng vốn đăng ký gần 950 triệu USD, đứng thứ hai là Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan và Hồng Kông) với 45 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 413 triệu USD. Đứng thứ ba là Nhật Bản với 19 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 140 triệu USD. Các dự án đầu tư tập trung phần lớn tại Khu kinh tế mở Chu Lai, các khu du lịch ven biển, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh…