Chú trọng chăm sóc lúa đông xuân

VĂN PHIN 23/01/2015 08:56

Trời hửng nắng sau những ngày rét lạnh, nông dân huyện Núi Thành tập trung ra đồng chăm bón, phòng trừ sâu bệnh lúa đông xuân.

Tam Mỹ Đông là một trong những địa phương có diện tích đất sản xuất lúa lớn của huyện Núi Thành và năng suất cây lúa nơi đây cũng đạt khá cao (khoảng hơn 50 tạ/ha/vụ). Vụ đông xuân 2014 - 2015 này, toàn xã sạ cấy 350ha lúa. Dạo quanh cánh đồng Phú Quý, nhìn những trà lúa xanh mơn mởn, anh Trần Văn Hồ - cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Tam Mỹ Đông nói: “Năm nay, xã thực hiện chu đáo công tác chuẩn bị cho sản xuất lúa đông xuân và hiện nay lúa đang sinh trưởng phát triển bình thường. Điều chúng tôi lo nhất là chuột hại và một số loại sâu bệnh. Những ngày cuối năm bận rộn và nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, bà con có thể lơ là nên ngay từ đầu vụ, chúng tôi vận động, hướng dẫn nông dân tăng cường thăm đồng, chăm bón bảo vệ lúa”.

Với tổng diện tích gieo trồng lúa 4.000ha trong vụ đông xuân 2014 - 2015, đến nay nông dân toàn huyện Núi Thành đã sạ cấy được khoảng 3.500ha, còn lại 500ha vùng trũng thấp, bà con đang tiếp tục sản xuất. Vào thời điểm này, lúa đông xuân thuộc diện chân nước trời đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh, các trà lúa chủ động nước đang trong giai đoạn mạ. Những ngày qua, trời bắt đầu ngớt mưa nhưng do rét lạnh kéo dài nên nhìn chung, lúa đông xuân sinh trưởng, phát triển chậm. Ông Trần Văn A – Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Núi Thành nói: “Hiện tại, tình hình dịch hại trên đồng ruộng Núi Thành chưa xảy ra. Tuy nhiên, một số diện tích đã xuất hiện chuột hại dảnh rải rác trên lúa nước trời sạ sớm và ăn hạt giống trên lúa mới sạ; ốc bươu vàng gây hại trên lúa non cục bộ một số vùng, mật độ bình quân 0,1 - 0,5 con/m2, có nơi cao 5 con/m2 như các vùng lúa Tam Hòa, Tam Anh Nam, Tam Xuân 1, Tam Xuân 2, Tam Anh Bắc, Tam Nghĩa. Dự báo trong thời gian tới, các đối tượng trên tiếp tục gây hại diện rộng ở các trà lúa. Để giúp cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, đồng thời quản lý tốt tình hình dịch hại trên đồng ruộng, chúng tôi đề nghị các địa phương và bà con nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp chăm sóc ngay từ đầu vụ”.

Ngoài các đối tượng gây hại kể trên, đồng ruộng Núi Thành hiện còn xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ, sâu phao gây hại rải rác trên lúa nước trời và lúa chính vụ, bọ trĩ cũng đã xuất hiện với mật độ 100 - 200 con /m2, ruồi đục nõn gây hại tỷ lệ 1 - 2%, có nơi đến 10%. Trạm Bảo vệ thực vật huyện Núi Thành đã kịp thời hướng dẫn các địa phương, hợp tác xã nông nghiệp và bà con nông dân tăng cường công tác quản lý dịch hại. Đối với những ruộng lúa bị bọ trĩ, ruồi đục nõn gây hại, cần tăng cường bón phân chăm sóc giúp cây lúa phát triển, nhanh hồi phục; không để ruộng khô nước khi bị bọ trĩ gây hại nặng. Khi cần thiết có thể sử dụng các loại thuốc Cyperan 10EC, Monster 40 EC để phun trừ. Ruộng bị hại nặng, sau khi sử dụng thuốc cần bón thêm phân hoặc phun phân bón lá để lúa phục hồi nhanh. Để giảm thiệt hại do chuột, ốc bươu vàng gây ra, theo Trạm Bảo vệ thực vật huyện Núi Thành, nông dân cần tăng cường thu nhặt ốc bươu vàng và ra quân diệt chuột đồng loạt bằng nhiều biện pháp. Đối với sâu cuốn lá nhỏ trên lúa, khi mật độ trên 25 con/m2, giai đoạn lúa cuối đẻ - đứng cái, sâu non tuổi 1 - 3 thì dùng các loại thuốc như Monster 40 Ec, Padan 95 Sp, Ofatox 40 Ec, Cyperan 10 EC để phun trừ. Nông dân cần chú ý những vùng lúa bị bọ xít đen gây hại các vụ trước, khi kiểm tra mật độ trên 10 con/m2 thì dùng các loại thuốc như Alika 247SC, Confidor 700WP để phun trừ. Ngoài ra, cần theo dõi sự phát sinh gây hại của sâu phao, sâu keo bệnh đạo ôn lá trên lúa đẻ nhánh...

VĂN PHIN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chú trọng chăm sóc lúa đông xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO