Năm học 2018-2019, ngành GD&ĐT huyện Duy Xuyên tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, bổ sung đội ngũ cán bộ, giáo viên và đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Trường Mẫu giáo số 2 Nam Phước (điểm trường đội 6) vừa được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: H.N |
Đầu tư cơ sở vật chất
Chúng tôi ghé thăm Trường Mẫu giáo số 2 Nam Phước, điểm trường đội 6. Những phòng học cũ kỹ, xuống cấp, thiếu thốn về trang thiết bị giờ đã được thay thế bằng ngôi trường mới khang trang, hiện đại với 8 phòng học quy mô 2 tầng và một số hạng mục phụ trợ khác. Tổng kinh phí đầu tư công trình hơn 7 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp giáo dục. Cô giáo Nguyễn Thị Sở - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cách đây một năm ngôi trường mới này được khởi công xây dựng trên diện tích khoảng 4.000m2 và kịp hoàn thành, đưa vào sử dụng đúng vào dịp khai giảng năm học mới, thỏa niềm mong ước của cô và trò bấy lâu nay. “Năm học 2018 - 2019, điểm trường này thu nhận 112 cháu với 4 lớp học. Những phòng học mới rộng rãi, sạch đẹp, rõ ràng việc tổ chức cho trẻ vui chơi, học tập thuận lợi hơn trước rất nhiều và chất lượng nuôi dạy trẻ chắc chắn sẽ được nâng lên” - cô Sở nói.
Không riêng Trường Mẫu giáo số 2 Nam Phước, thầy và trò nhiều trường học khác trên địa bàn Duy Xuyên cũng hòa chung niềm vui khi những dãy phòng học khang trang vừa được xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng ngay từ đầu năm học mới 2018 - 2019 này. Ông Phùng Hoàng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Duy Xuyên cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của việc đầu tư cơ sở vật chất trong các nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với thực hiện tiêu chí nông thôn mới, ngành giáo dục đã chủ động tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tiến hành rà soát lại cơ sở vật chất, sớm đề xuất việc xây mới, sửa chữa đối với các phòng học hư hỏng nhằm đảm bảo có đủ phòng phục vụ công tác giảng dạy. Ông Hoàng nói: “Cùng với việc huy động nguồn lực xã hội hóa, thời gian qua toàn huyện đã đầu tư hơn 44,8 tỷ đồng xây dựng phòng học, nhà đa năng, các hạng mục phụ trợ, tập trung chủ yếu ở các xã Duy Trinh, Duy Hải, Duy Vinh, Duy Trung, Duy Hòa. Đồng thời tiến hành mua sắm các trang thiết bị dạy học như máy vi tính, bàn ghế… trị giá gần 1,6 tỷ đồng. Đây là động lực quan trọng để năm học này toàn ngành phấn đấu duy trì 49/50 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có thêm 3 trường tiểu học đạt chuẩn mức độ 2”.
Nâng cao chất lượng
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, Phòng GD&ĐT huyện Duy Xuyên sáp nhập 2 Trường Tiểu học số 1 và số 2 Duy Vinh thành Trường Tiểu học Duy Vinh, đảm bảo đúng quy trình. Như vậy, năm học mới này, toàn huyện còn 50 trường từ bậc mầm non đến THCS, giảm 1 trường so với năm học trước. Trong đó, có 15 trường mẫu giáo công lập, 20 trường tiểu học và 15 trường THCS với tổng số 21.263 học sinh, bố trí 707 lớp học. Ngoài ra, ngành còn rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, phối hợp cùng Phòng Nội vụ tham mưu UBND huyện miễn nhiệm, bổ nhiệm, luân chuyển 25 cán bộ quản lý đúng quy định; sáp nhập các Trường Tiểu học số 1 và số 2 Duy Hòa, Tiểu học số 1 và số 2 Duy Sơn; đến năm 2020 sáp nhập các Trường Tiểu học số 1 và số 2 Duy Nghĩa. |
Bước vào năm học mới 2018-2019, Phòng GD&ĐT Duy Xuyên đã tham mưu UBND huyện tuyển dụng 100 chỉ tiêu biên chế thông qua kỳ thi tuyển viên chức do tỉnh tổ chức. Kết quả có 92/223 hồ sơ đăng ký dự thi trúng tuyển, trong đó mầm non có 68 giáo viên, tiểu học 24 giáo viên. Ngay sau đó, Phòng GD&ĐT tiếp nhận và phân công công tác đối với số giáo viên trúng tuyển. Như vậy, hiện Duy Xuyên có tổng cộng 1.564 cán bộ công chức, viên chức từ bậc mẫu giáo đến THCS, trong đó biên chế là 1.412 người đều đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Theo ông Phùng Hoàng, năm học này, ngành xây dựng nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phòng chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em. Đồng thời quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống và ý thức chấp hành pháp luật. Cạnh đó, chú trọng công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo.
Riêng đối với bậc mầm non, ngành tiếp tục đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm; đẩy mạnh giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đối với giáo dục mầm non ngoài công lập. Còn đối với giáo dục phổ thông, tiếp tục chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, chuẩn bị tốt các điều kiện thực hiện chương trình sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1. Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra để chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm… Ông Phùng Hoàng cho biết thêm, toàn ngành cũng sẽ tập trung nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh thông qua việc tăng cường bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, khuyến khích các trường mầm non cho trẻ làm quen với tiếng Anh, nâng cao chất lượng làm quen với bộ môn này cho học sinh lớp 1 và 2. Đồng thời tăng cường kỹ năng nghe, nói tiếng Anh cho học sinh và tạo điều kiện thuận lợi cho các trường liên kết với trung tâm ngoại ngữ chất lượng cao mở các lớp dạy tiếng Anh theo yêu cầu của phụ huynh học sinh. Ngoài ra, duy trì và phát triển câu lạc bộ tiếng Anh cùng một số bộ môn như mỹ thuật, âm nhạc, thể dục thể thao… nhằm tạo cơ hội cho học sinh phát triển năng khiếu bản thân.
HOÀI NHI