Ngày 28.5, Chi hội Sân khấu trực thuộc Hội VHNT tỉnh đã tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2019 - 2024, đánh dấu việc hoàn tất chương trình đại hội cấp chi hội, mở ra bước tiếp theo cho sự kiện lớn nhất của giới văn nghệ tỉnh nhà trong năm nay: Đại hội Hội VHNT tỉnh Quảng Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024.
Theo nhận định của Thường trực Hội VHNT tỉnh, đại hội của 7 chi hội chuyên ngành trực thuộc đều diễn ra thành công, đúng với yêu cầu chung, trên tinh thần dân chủ, đoàn kết, sáng tạo. Những nhận xét, đánh giá, phân tích về các thành tựu và hạn chế cũng như những vấn đề đặt ra ở từng chi hội đều khá sát đúng với tình hình; phát huy được trí tuệ, tinh thần trách nhiệm của hội viên đối với chuyên ngành của mình và rộng ra là cả sự nghiệp VHNT của tỉnh. Đó cũng chính là những nội dung cần và sẽ được tiếp tục mổ xẻ, phân tích, đánh giá tại Đại hội Hội VHNT tỉnh Quảng Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới, qua đó hoạch định hướng đi cho VHNT Quảng Nam trong 5 năm tới.
“Vượt trội”
Chung quanh thành quả sáng tạo của hội viên trong 5 năm qua, báo cáo trình đại hội của 7 chi hội chuyên ngành đều nhận định là “vượt trội so với trước”. Vượt trội trước hết là về số lượng tác phẩm, mà như với Chi hội Nhiếp ảnh là “hàng nghìn bức ảnh được sáng tác, công bố” hay với Chi hội Văn học là có tới 71 đầu sách được xuất bản và “hơn 800 bài thơ, truyện ngắn, bút ký, ghi chép, bài nghiên cứu, phê bình... được đăng tải” - chỉ tính riêng trên Tạp chí Đất Quảng. Cùng với đó là sự “đều tay” trong hoạt động sáng tác của hội viên, như với các chi hội Văn nghệ dân gian, Âm nhạc - múa, Mỹ thuật, “hội viên nào cũng có tác phẩm mới” để trình làng...
Bên cạnh đó, sự “vượt trội” còn được các chi hội đề cập ở khía cạnh thành tích đạt được trong các cuộc thi văn chương, nghệ thuật. Đình đám nhất là nhiếp ảnh khi mà bình quân mỗi năm, các hội viên của chi hội giành được không dưới 20 giải thưởng từ cấp tỉnh, khu vực đến cấp quốc gia, quốc tế. Thành tích của Chi hội Sân khấu cũng được xem là “chưa từng có” khi mà tất cả vở diễn được dàn dựng trong 5 năm qua đều có giải thưởng; gần 20 hội viên được tặng huy chương tại các liên hoan, hội diễn. Ngay như với chuyên ngành được xem là khó giành giải và “nghèo” giải thưởng nhất là văn học, trong nhiệm kỳ 2014 - 2019 cũng đã có hơn 30 lượt hội viên đoạt giải ở các cuộc thi văn chương.
Chú trọng nâng cao chất lượng
Từ đại hội các chi hội chuyên ngành vẫn có những tiếng nói bày tỏ sự băn khoăn, ưu tư. Đó là: Phải chăng đang có hiện tượng “chạy đua” theo các cuộc thi, trong đó có những cuộc thi có giá trị giải thưởng rất cao nhưng tính chuyên nghiệp lại... không cao? Nếu đúng như thế này thì văn nghệ sĩ có nguy cơ bị mất phương hướng trong sáng tác, biến thành “thợ săn giải thưởng” và góp phần “phong trào hóa” hoạt động VHNT. Ở một khía cạnh khác, khiến nhiều người băn khoăn không kém là hiện tượng số lượng tác phẩm được công bố nhiều nhưng hoạt động quảng bá, phê bình lại rất thưa thớt. Và, trong hoạt động phê bình thưa thớt ấy, tiếc thay, chủ yếu là “bình” hơn là “phê”, ít người dám nói thật mà chủ yếu “vuốt ve” nhau khiến cho người trong cuộc ảo tưởng về chỗ đứng của mình. Do vậy, nhiều tác phẩm “rơi vào im lặng” ngay sau khi ra đời, còn công chúng thì không tiếp cận được tác phẩm và nếu có thì cũng khó nhận chân được giá trị thực của chúng (trừ các tác phẩm được giải ở các cuộc thi). Và câu hỏi đặt ra là: Có nên hồ hởi khi có sự “vượt trội” về số lượng tác phẩm trong môi trường VHNT như thế hay không?
Theo nhà thơ Phùng Tấn Đông, để định hình “gương mặt” cho mỗi chi hội cũng như cho cả hội và để công chúng nhớ đến “gương mặt” ấy, vấn đề không phải chỉ ở chỗ mỗi năm có bao nhiêu tác phẩm trình làng mà quan trọng là chất lượng tác phẩm như thế nào, được công chúng đón nhận ra sao... Bởi lẽ, với văn chương, nghệ thuật, chất lượng tác phẩm là thước đo tài năng của văn nghệ sĩ và tầm vóc của tổ chức nghề nghiệp nơi họ là thành viên... Ngoài ra, nhiều ý kiến tại đại hội các chi hội chuyên ngành cho rằng, để duy trì được nhịp độ phát triển như đã có, gắn với việc nâng cao chất lượng chuyên môn thì phải tích cực hơn trong việc tìm kiếm, phát hiện người tài. Nhà nghiên cứu Tôn Thất Hướng nói: “Đôi khi có vẻ như chúng ta chỉ ngồi chờ người ta tìm đến với mình trong khi lẽ ra mình phải đi tìm, phải chủ động chiêu mộ họ”. Còn theo nhà văn Lê Trâm, cần tích cực hơn nữa trong việc phát triển hội viên nhưng phải chú trọng chất lượng “đầu vào”, không vì mục tiêu tăng cường đội ngũ mà chạy theo số lượng...