Chương trình đào tạo các kiến thức về vật lý trị liệu và phục hồi chức năng cho các bác sĩ trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, nhất là đối tượng người khuyết tật.
Mở rộng đối tượng điều trị
Chương trình đào tạo vật lý trị liệu phục hồi chức năng và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng vừa được Bệnh viện Điều dường phục hồi chức năng Trung ương phối hợp với Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đào tạo cho các y bác sĩ trên địa bàn tỉnh. Có 39 người của Bệnh viện Y học cổ truyền và 19 người ở tuyến cơ sở tham gia khóa học trong 1 tháng, nằm trong vệt chương trình đào tạo kết hợp giữa Đông y và Tây y của Bộ Y tế. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Chi - Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Trung ương, Quảng Nam là một trong 4 tỉnh được tham gia chương trình này kể từ năm 2010. “Khóa đào tạo tập trung vào việc cung cấp các kiến thức cơ bản về phục hồi chức năng và vật lý trị liệu. Việc sử dụng các máy móc như thế nào, phương pháp trị liệu ra sao đều được hướng dẫn kỹ. Hiện nay, chúng tôi tập trung vào 24 bệnh phổ biến nhất như: các biến chứng sau tai biến mạch máu não, tổn thương tủy sống hay chứng bại não, tự kỷ ở trẻ em… Mỗi bệnh đều có một phương pháp điều trị khác nhau. Nếu áp dụng đúng cùng với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật thì hiệu quả điều trị chắc chắn sẽ cao hơn” - bác sĩ Chi nói.
Bên cạnh đó, khóa đ
Việc kết hợp Đông y và vật lý trị liệu, phục hồi chức năng sẽ giúp cho người khuyết tật được chăm sóc tốt hơn. Trong ảnh: Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đang chữa trị cho một số trẻ em khuyết tật bẩm sinh.Ảnh: N.DƯƠNG |
ào tạo do Bệnh viện Phục hồi chức năng Trung ương mở đợt này cung cấp kiến thức cơ bản trong việc điều tra, đánh giá cụ thể từng trường hợp để nắm bắt tình hình rõ nhất. Qua đó, đưa ra cách thức phù hợp giúp người bệnh, nhất là người khuyết tật trong quá trình phục hồi chức năng. Chương trình cũng sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản trong việc tư vấn định hướng nghề nghiệp phù hợp với thể trạng của người khuyết tật, góp phần giúp họ sớm tìm được nguồn động lực cho chính mình. Cũng theo bác sĩ Chi, việc phục hồi chức năng cần triển khai tại các cơ sở y tế, khuyến khích sự tham gia của chính những người khuyết tật, gia đình người khuyết tật, của các ban ngành khác như: giáo dục, y tế, thương binh xã hội… dưới sự chỉ đạo của UBND địa phương. “Muốn điều trị và tạo điều kiện tốt cho một người khuyết tật, giúp họ hòa nhập với cộng đồng phải hiểu được cuộc sống của họ như thế nào, hoạt động ra làm sao. Khi một đứa trẻ khuyết tật đi học thì phải có những bộ bàn ghế thế nào phù hợp. Một người khuyết tật lao động thì ngành nghề nào phù hợp với họ nhất… Chính vì vậy, phải có sự vào cuộc của cả cộng đồng để giúp họ gạt bỏ tự ti để vươn lên” - bác sĩ Chi nói thêm.
Bổ sung kiến thức
Y sĩ Phan Đình Quốc Anh, cán bộ thuộc Trung tâm Y tế huyện Phú Ninh đang theo học lớp đào tạo cho biết, thông qua khóa học này đã biết thêm được nhiều kiến thức rất bổ ích để áp dụng trong việc chữa trị cho bệnh nhân. “Trước đây chỉ thuần là để chữa trị cho người bệnh chứ chưa thực sự chuyên sâu về phục hồi chức năng. Giờ đây, thông qua khóa học này tôi có thêm kiến thức để áp dụng phương pháp chữa trị theo từng loại bệnh sao cho hiệu quả. Kể cả những kiến thức đơn giản như việc gắn thêm một cái cán dài hơn vào muỗng để giúp cho người khuyết tật có thể tự xúc cơm ăn hay dựng thanh gỗ để cho bệnh nhân tập đi. Những việc này người nhà cũng có thể tự làm để giúp người bệnh trong quá trình vận động” - anh Anh cho hay. Tương tự, bác sĩ Phạm Thị Kim Loan, thuộc Khoa Ngoại, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cho biết, thông qua khóa học này đã cung cấp những kiến thức cơ bản và chuyên sâu hơn về việc phục hồi chức năng cho người khuyết tật. “Không những là những kiến thức về từng loại bệnh cụ thể mà còn mang tính dự báo trước tình huống. Theo đó, sẽ hướng dẫn cho người nhà nên tránh những việc làm gì có thể gây tổn hại hay hậu quả xấu cho người bệnh để hạn chế rủi ro…” - bác sĩ Loan nói.
Là một trong những bệnh nhân đang được điều trị theo phương pháp mới tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, ông Lê Văn Dũng nhập viện sau khi bị tai biến nặng. “Khi tới đây điều trị, bác Dũng thậm chí còn không ngồi được nhưng giờ đây đã chuẩn bị bước vào giai đoạn tập đi. Tùy từng trường hợp cụ thể, lực cơ của bệnh nhân có thể vận động bao nhiêu thì mình mới áp dụng từng phương pháp phù hợp để đảm bảo người bệnh không đau đớn khi tập nhưng hiệu quả đạt được lại cao”- bác sĩ Nguyễn Thị Sâm - Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cho biết.
NGUYỄN DƯƠNG