Chữa bệnh miễn phí

CHÂU NỮ 02/10/2015 09:39

Hai năm qua, Phòng Khám bệnh đông y từ thiện xã Điện Hòa (đặt tại Tuệ Tĩnh đường chùa Phổ Tịnh, thôn Hà Đông, xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn trở thành điểm đến thân thuộc của nhiều bệnh nhân.

Phòng Khám bệnh đông y từ thiện xã Điện Hòa được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động, do lương y Võ Thị Diệu Huệ, pháp danh Thích Nữ Hạnh Lý - trụ trì chùa Phổ Tịnh điều hành với sự hỗ trợ của các lương y thuộc Hội Đông y thị xã Điện Bàn. Phòng khám thực hiện việc khám bệnh, tư vấn, kê đơn, bốc thuốc, châm cứu... hoàn toàn miễn phí. Ban đầu, nơi đây chủ yếu thu hút bệnh nhân ở xã Điện Hòa. Con dâu bà Nguyễn Thị Sang ở Điện Hòa trước đây đau lưng, đau khớp đã được các lương y của phòng khám chữa khỏi, nên đã giới thiệu bà Sang đây để khám bệnh. Cứ như thế, tiếng lành đồn xa, dần dần, bệnh nhân từ nhiều nơi tìm đến, không chỉ ở Điện Bàn mà còn ở các khu vực lân cận: Đại Lộc, Duy Xuyên, Hòa Vang (TP.Đà Nẵng). Như bà Trần Thị Tú Lan (63 tuổi, ở Duy Xuyên), bị rối loạn tiền đình, thoái hóa khớp; bà Ngô Thị Phượng (65 tuổi, ở Hòa Châu, TP.Đà Nẵng) bị đau vai  gáy; hàng ngày đều đến phòng khám để châm cứu.

Các hội viên Hội Đông y Điện Bàn khám bệnh, bốc thuốc tại Phòng Khám bệnh đông y từ thiện Tuệ Tĩnh đường chùa Phổ Tịnh (Điện Hòa, Điện Bàn). Ảnh: C.N
Các hội viên Hội Đông y Điện Bàn khám bệnh, bốc thuốc tại Phòng Khám bệnh đông y từ thiện Tuệ Tĩnh đường chùa Phổ Tịnh (Điện Hòa, Điện Bàn). Ảnh: C.N

Các lương y tổ chức khám bệnh, bốc thuốc vào thứ Bảy hằng tuần; riêng buổi sáng các ngày trong tuần, ni sư của Tuệ Tĩnh đường chỉ thực hiện châm cứu cho bệnh nhân. Bình quân mỗi tháng phòng khám bệnh, bốc thuốc cho khoảng 300 lượt bệnh nhân, châm cứu cho khoảng 500 lượt người. Tìm đến phòng khám này chủ yếu là các bệnh nhân nghèo, vì đây là phòng khám từ thiện, chữa bệnh không tốn tiền. Ngoài ra, cũng có không ít những người bệnh có điều kiện kinh tế nhưng vẫn chọn Tuệ Tĩnh đường làm nơi chữa bệnh cho mình, bởi theo họ là vì uy tín của phòng khám và  tay nghề của lương y.

Thứ Bảy hằng tuần, từ sáng sớm đã có nhiều bệnh nhân đến Tuệ Tĩnh đường chờ được khám bệnh, châm cứu; phần lớn trong số đó mắc các chứng cơ, xương, khớp, thần kinh...  Chị Đinh Thị Mai ở xã Điện Phước (Điện Bàn) bị rối loạn vận mạch não được các lương y cho thuốc, châm cứu đã khỏe. Sau đó, chị tiếp tục đưa anh Nguyễn Đức Phương - chồng chị, bị mất ngủ và thần kinh đến khám và bốc thuốc. Chị Mai chia sẻ, trước đây chồng chị điều trị bằng tây y, 2 tháng gần đây, anh chuyển sang điều trị tại đây. Đến nay bệnh đã đỡ nhiều, anh đã ngủ tốt, ít đau đầu hơn trước... Có ngày, 7 - 8 lương y vừa khám bệnh, bốc thuốc, châm cứu từ sáng sớm đến hết giờ mà vẫn còn bệnh nhân chờ đợi.

Để duy trì được hoạt động của phòng khám trong suốt 2 năm qua, sư cô Thích Nữ Hạnh Lý cùng các lương y đã tự nguyện đóng góp và vận động các nhà hảo tâm ở khắp nơi. Trong đó, lương y Nguyễn Đức Bốn (Hội Đông y Điện Bàn) là một thành viên tích cực, vừa lo khám bệnh, bốc thuốc, vừa lo kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí cho phòng khám. Bà Trương Thị Minh - nhà ở gần chùa Phổ Tịnh, thấy việc làm từ thiện của các lương y nên hàng ngày tự nguyện tham gia rang, sao thuốc. Một số bệnh nhân cũng đem cây thuốc nam có trong vườn nhà để bổ sung vào kho thuốc của phòng khám. Tuy nhiên, nhiều loại thuốc đắt tiền như đảng sâm, thục địa, tâm hoa, toàn nhục, tam thất... thì sư cô Thích Nữ Hạnh Lý phải mua. Theo lương y Trần Trừng - Phó Chủ tịch Hội Đông y Quảng Nam, Chủ tịch Hội Đông y thị xã Điện Bàn, đa số người bệnh đến với phòng khám suy nhược cơ thể, muốn điều trị và phục hồi chức năng, bên cạnh ăn uống đủ chất, uống thuốc nam, cần phải uống nhiều vị thuốc bắc đắt tiền. Vì vậy, phòng khám cần số kinh phí khá nhiều. Sư cô Thích Nữ Hạnh Lý và các lương y ở phòng khám có tâm niệm hết mình vì bệnh nhân. Chỉ có điều, về lâu dài, khi bệnh nhân đến khám bệnh, bốc thuốc ngày một nhiều, việc duy trì phòng khám rất khó thực hiện nếu không có sự đóng góp của nhiều nhà hảo tâm.

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chữa bệnh miễn phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO