Chúa đất và cuộc tìm kiếm ngôn ngữ thuần khiết

NGUYỄN HIỆP 19/03/2016 10:33

Tiểu thuyết Chúa đất (NXB Phụ Nữ) là cuốn tiểu thuyết thứ tư của nữ nhà văn Đỗ Bích Thúy. Chúa đất - một truyền thuyết 200 năm về trước của người Mông đã được phục dựng sinh động bằng trí tưởng tượng và bằng một thứ ngôn ngữ thuần khiết của đời sống vùng cao.

Người ta sẽ còn nhắc nhiều đến Vàng Chở, “bông hoa anh túc rực rỡ nhất trong dinh thự nhà chúa đất”, về cái chết vì yêu của người vợ bé Sùng Chúa Đà. Đây là nhân vật ấn tượng nhất được xây dựng trên sự phản tỉnh, nó tiệm cận với sự im lặng, với đè nén, với khoảnh khắc vùng dậy đầy khát khao của con tim để chạm được hạnh phúc và sẵn sàng chấp nhận con đường dẫn tới cái chết.

Người ta sẽ còn rùng mình nhiều khi nhắc đến cây cột đá oan nghiệt - biểu tượng quyền lực ám ảnh của sự thật nhất thời, là sự hủy hoại sau cùng của tình yêu và là nơi bộc lộ đến tận cùng những hoảng loạn, những yếu đuối và cả những miền sống sâu thẳm của tâm hồn con người. Cây cột đá là nơi chứng tỏ sự thất bại của tình yêu đồng thời cũng là nơi tôn vinh tình yêu, nói lên sức sống mãnh liệt của tình yêu, là tiếng nói khát khao nguyên thủy của đời sống con người.

Và người ta sẽ còn thương một Bà Cả “ngồi im như hóa đá”, kẻ nô lệ mù quáng của tình yêu đơn phương, người đàn bà mang trong người thành tố đực được giấu kín đến vô dạng, đến mơ hồ, một nhân vật tích tụ bao nhiêu là dữ dằn, đanh lạnh và cả những điều ngớ ngẩn nhất.

Cuối cùng là nhân vật phản diện chính Chúa đất - Sùng Chúa Đà. Sùng Chúa Đà là một kẻ bất lực về sinh lý nhưng vì khao khát uy quyền, vì muốn chứng tỏ mình nên bắt về ngôi dinh thự “khủng khiếp” nhất Đường Thượng ấy bao nhiêu cô gái đẹp để làm… nô lệ. Sùng Chúa Đà cùng với con chim Sùng Cắt và cây cột đá tạo thành một bộ ba quyền lực, tự cho mình nắm quyền sinh sát, đả thương những người dân hiền lành, vô tội và gây ra không biết bao nhiêu tội ác tày trời.

Hệ thống nhân vật trong tiểu thuyết Chúa đất cá tính và hàm chứa bi kịch, tất cả đều trở thành thành phần của một cuộc xung đột toàn diện giữa hai đối cực, thiện (những người đàn bà trinh tiết, trừ Vàng Chở) và ác (Sùng Chúa Đà và lũ tay chân, cả người cả thú). Từng trang của cuốn tiểu thuyết đều mang đậm màu sắc cảm xúc. Và người đọc sẽ được dẫn đi từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác bởi những sẻ chia tình cảm không hề dịu dàng của một nhà văn nữ trưởng thành từ vùng cao Hà Giang.

Tác phẩm tiểu thuyết Chúa đất phơi bày những hành vi tàn bạo, bệnh hoạn bằng một thứ ngôn ngữ mộc mạc thuần khiết của đời sống vùng cao. Chính cách dùng ngôn ngữ hợp lý này xuyên suốt cả 19 chương của cuốn sách đã giúp tác giả biểu lộ khá rõ ràng, trong sáng tình thương của mình đối với nữ giới, đối với những con người bị đè nén, bị hành hạ, bị đánh cắp cả tình yêu và mạng sống. Không đến nỗi trắng quá hoặc đen quá, nhà văn Đỗ Bích Thúy thật sự xóa nhòe cái ranh giới hư cấu, phục dựng bằng chính những diễn tả tình thương tự đáy lòng mình.

Trở về với sự mộc mạc, thuần khiết nhưng đầy sinh khí đời sống cũng là một bút pháp vậy! Và nhà văn Đỗ Bích Thúy đã thành công với Chúa đất nhờ những dòng ngôn ngữ tựa hơi thở đời sống ấy!

NGUYỄN HIỆP

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chúa đất và cuộc tìm kiếm ngôn ngữ thuần khiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO