Chúng tôi cùng ở chung một cô nhi viện và đến năm em lên tám, tôi lên mười thì chúng tôi cùng được nhận nuôi trong một gia đình mồ côi những đứa con. Sơ của cô nhi viện nói dối chúng tôi là anh em ruột để hai đứa có thể cùng về chung một ngôi nhà vì chúng tôi quấn quýt nhau từ tấm bé và cũng bởi dẫu chênh nhau hai tuổi nhưng chúng tôi cùng bị bỏ trước cô nhi viện trong một ngày, khi em còn nằm nôi còn tôi là một cậu bé lẫm chẫm đang nhìn chiếc nôi ngơ ngác. Thuở đầu ai cũng tưởng hai đứa tôi là anh em thật nhưng sau này qua những lúc hai đứa bệnh rồi thử máu này kia mới nhận ra, nhưng ngày ấy, việc đó còn chưa lấy gì làm quan trọng. Bố mẹ mới của chúng tôi khá nghiêm khắc nên em thường hay bị mắng. Tôi từ nhỏ đã ý thức mình sẽ trở thành một đứa trẻ chỉn chu trong mọi việc nên lúc nào cũng lạnh lùng, ít nói, bởi thế mà lại được lòng nhà tôi bây giờ vì những người như vậy thường dễ được tin tưởng. Dẫu thế, với riêng tôi, em cũng là một khoảng trời mà chưa bao giờ tôi để bất cứ ai chạm vào và làm thương tổn.
Minh họa: VĂN TIN |
Có rất nhiều điều khác so với khi còn ở cô nhi viện. Chúng tôi không thể suốt ngày quanh quẩn và cùng chơi xích đu với nhau nữa mà chỉ còn những lúc học thêu thùa đàn hát. Chúng tôi không còn tham gia những trò đá banh cùng những đứa trẻ khác mà chỉ có hai anh em tôi vò võ một mình, thậm chí nhiều lúc tôi đã nghĩ rằng họ nhận nuôi mình hay họ nhận nuôi những người giúp việc. Cũng không còn những đêm lửa trại cuối tuần ngồi quây quần xưng tội mà chỉ có những bữa cơm thiếu vắng cha hoặc mẹ. Thậm chí ba mẹ đã rất giận khi chúng tôi chơi trò cô dâu chú rể, khi em bày đồ hàng ra và tôi đóng vai người chồng đi làm về sau một ngày làm việc mệt mỏi. Em đã bị mẹ lôi đi xềnh xệch, còn tôi bị ba đánh không thương tiếc:
- Này nhé, anh em mà chơi những trò thế này sao? Người ta biết thì còn ra thể thống gì nữa. Cô dâu này! chú rể này!
Tôi câm lặng chịu đòn còn em nắm tay mẹ khóc tức tưởi. Tối đó, tôi bị mẹ nhốt ngoài kho, phần vì lạnh, phần vì đau, tôi nằm sấp không ngủ được rên ê a, bỗng nghe tiếng động rất nhỏ ngoài sân, qua cái lỗ nhỏ trên cánh cửa, tôi thấy em, đầu trùm cái khăn cho bớt lạnh, tay cầm một ngọn nến nhỏ cứ chực chờ tắt bởi gió đông, nói nhỏ:
- Anh hai, anh còn đau không? Em có mang thuốc bôi cho anh hai nè.
- Sao em ra đây? Ba mà biết ba đánh cả hai nhừ tử.
- Em không bỏ anh hai đâu. Anh hai cũng hứa không bỏ em rồi mà. Anh hai thoa thuốc đi. Không em ngồi đây luôn đó.
Nhìn qua khe cửa, bàn tay nhỏ xíu đang len lỏi đưa lọ thuốc vào cho tôi, rồi ngồi run cầm cập giữa gió đông, đôi bờ má phúng phính tím đỏ, môi mím chặt co ro, đó là hình ảnh mà tôi nghĩ cả đời tôi không thể nào quên được. Năm em mười sáu, em trở thành cô gái đẹp nhất trường, hình ảnh người con gái với mái tóc dài buông thả, chiếc nơ buông hững hờ trên tóc và lúc nào cũng mặc váy trắng trở thành hình ảnh tinh khôi trong mộng của bao cậu trai trong trường. Cũng nhiều lần tôi nghe đám bạn chèo kéo:
- Ê Don, đó là em gái mày đúng không? Làm mai tao đi.
Những lúc ấy lòng tôi chẳng thể nào cười nổi, đáng nhẽ tôi phải hãnh diện thì tôi lại cảm thấy tức giận, những lúc ấy tôi lại hay lấy lý do bảo vệ em gái của mình ra bào chữa. Mỗi ngày tôi đã quá quen với việc chở em về trên chiếc xe đạp nhỏ, và mỗi chiều tôi sẽ cùng nhóc Yuri (chú cún xinh của em) đón em về. Trong cái khung cảnh nắng nhỏ giọt trên đôi vai của tôi rơi rớt xuống mặt em, em quàng tay ôm tôi thật chặt. Bỗng nhiên em nói:
- Anh hai, em thương anh hai lắm đấy.
- Tất nhiên là em phải thương anh rồi. Em thương ai khác anh buồn mất.
Và hai đứa cười vang dưới nắng. Hai chúng tôi lúc nào cũng quấn quýt bên nhau đến độ chưa bao giờ chúng tôi có ý nghĩ xa nhau. Nhiều đêm, trên ban công, khi tôi ngồi ngắm sao, em ở sau ngồi ôm lấy cổ tôi, nói miên man:
- Anh hai, anh có nhớ ba mẹ không?
- Ba mẹ nào?
- Ba mẹ của anh.
Tôi không nói gì vì họ đã bỏ tôi trước khi tôi kịp nhớ. Tôi nhìn sang em, ánh mắt em còn đen hơn cả bầu trời, như mất đi một khoảng trời, em nhớ thương những người mà em chưa bao giờ biết mặt?
- Em đừng lo, có anh hai đây rồi. Anh sẽ không bao giờ bỏ rơi em.
Tình cảm của chúng tôi lớn dần lên theo năm tháng mà đôi lúc tôi vẫn luôn phân vân đây là tình cảm gì. Ban đầu, tôi luôn tự trấn tĩnh là tình anh em nhưng cái cảm giác rất khác lạ cứ lớn dần lên trong tôi, như muốn độc chiếm, như yêu thương, như khát khao về một gia đình và như rất nhiều điều khác nữa. Tôi không rõ em có cảm giác như tôi không, chỉ biết tôi giống như người con trai duy nhất em đi cạnh mỗi khi lễ đến hay những lúc phải nói những lời yêu thương. Nhiều đêm, nhìn em ngủ, tôi chỉ biết vén mái tóc người thương sau tai hay đắp cho em mảnh chăn nhỏ và bất lực trong cách thể hiện tình cảm của mình. Cho tới một ngày tình cảm trong tôi bị mẹ phát hiện. “Mày thương con Mi đúng không? Nhưng không phải tình cảm anh em, mày nên dập tắt cái tình cảm đó đi nếu không tao đuổi cả hai đứa ra khỏi nhà”. Phần vì sợ, phần vì lo tôi giữ dần khoảng cách của mình với em. Em đủ lớn để biết tôi đang thay đổi nhưng chưa đủ lý do biết tại sao tôi làm thế. Cho tới một ngày, Valentine, em tặng tôi một hộp socola nhỏ:
- Anh hai, em thương anh.
- Thương? Ừ nếu đó là thương anh trai.
- Anh biết em thương anh gì mà, anh hai, em không muốn chỉ xem anh là anh trai đâu.
- Em thôi ngay đi. Từ lúc nào em có cái suy nghĩ như thế? Chúng ta là anh em, em đừng bao giờ quên điều đó, em làm anh thấy sợ rồi đó.
Tất cả những gì tôi thấy lúc đó là ánh mắt thảng thốt của em, cái nắm tay thật chặt, đôi vai run rẩy, chiếc hộp socola rơi vãi và những tiếng vỡ tan trong lòng tôi. Từ đó, em không nói chuyện với tôi nữa, tôi cảm thấy mình vừa giết chết tình đầu của cả hai một cách đơn giản. Những khi nhìn tôi em chỉ giương đôi mắt buồn rười rượi không nói nên lời và em cũng thay đổi dần dần trở nên ít nói. Những năm tháng sau đó khi tôi vẫn còn độc thân thì em trải qua vài mối tình đến rồi đi, và đến năm hai lăm tuổi em ưng thuận một mối tình ba mẹ sắp đặt. Trước ngày cưới, em nhắn tin cho tôi:
- Anh hai, anh có thương em không?
Tôi đã không trả lời tin nhắn đó và cũng không đủ dũng cảm để tới dự đám cưới của em. Tôi không đủ can đảm để biết sau này em có hạnh phúc hay không vì chính tôi ngày đó đã không đủ can đảm để đứng dậy nói với ba mẹ rằng tôi thương em và rõ ràng giữa chúng tôi không có mối quan hệ máu thịt thì tình cảm này có gì là sai trái? Ngay cả khi em đám cưới, trong đầu tôi chỉ hiện về rất rõ khoảng thời gian ở cô nhi viện mà có lẽ đó là khoảng thời gian chúng tôi hạnh phúc nhất trong cuộc đời của mình. Tôi ôm lấy Yuri, con cún con bé bỏng mà tối nào em cũng ôm trong lòng để ngủ:
- Bây giờ thì chỉ còn tao và mày, mình phải sống tiếp dù có đau lòng thế nào đi chăng nữa.
Trong gió nghe phảng phất điệu cười của em và câu “em thương anh” mà tôi đã nghe suốt cả một quãng thời gian rất dài.
“Tôi thương em, tôi thực sự rất thương em”.
LÊ HỨA HUYỀN TRÂN