Dân địa phương giải thích chùa Bồng Lai (thôn Bồng Lai, xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn), bằng câu chuyện đẹp: Khi Phật Chuẩn đề (kinh Phật nói là hào quang mắt phải của Phật phóng ra, tay ôm cành sen, nghĩa hư huyền là phát lòng từ bi cứu nạn cứu khổ, Chuẩn đề là hiện thân của đại nguyện ấy. Chuẩn đề nghĩa là thanh tịnh), có đến 12 cánh tay hiện lên ở đây, và ngài truyền cho dân vùng này chờ có công chúa đến tu hành thì hãy phục vụ. Sau đó, có một công chúa bỏ cung vàng điện ngọc đến lập chùa, sửa soạn nơi này đẹp như chốn Bồng Lai tiên cảnh. Chùa Bồng Lai có tên từ đó. Khi công chúa viên tịch, sau chùa tự dưng có vòi nước phun lên. Dân thấy thế, bèn xây thành giếng, gọi là giếng Ngọc. Nước ở đây ngọt, mát hơn nơi khác.
Chùa Bồng Lai. Ảnh: Mộc Miên |
Giới nghiên cứu thì giải thích khác. Theo họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, bước đầu tìm hiểu cho thấy chùa này dựng nên trên nền một kiến trúc của người Chăm. Điểm đặc biệt, trong gian nhà chánh điện, sau tượng Phật tổ, có một phù điêu gắn vào tường là bức hình lá đề hay lá nhĩ trang trí trên vòm cửa của các kiến trúc Chămpa thường thấy. Từ đó cho thấy, ngày trước khi có chùa, có thể chỉ là ngôi đền hay miếu nhỏ. Bức phù điêu mô tả thần Pramesvara có liên quan đến tháp Bằng An ở phía tây thị trấn Vĩnh Điện. Đây là hình tượng của thần Siva, tuy nhiên tư thế ngồi với 12 cánh tay là chưa thấy ở các di tích khác. Theo các cụ già, là ngày trước có đến 4 ngôi miếu thờ ở 4 hướng của tháp Bằng An và đây là miếu ở phía đông.
Theo tìm hiểu của người viết, ngôi chùa này trước đây là chùa làng, chỉ có một ông từ chứ không có sư. Dính bom đạn thời chiến tranh, chùa sập, sau đó thì giao lại cho bên giáo hội Phật giáo. Một cụ trong ban hộ tự cho hay, trước đây nơi này thờ thổ thiền và bà Thiên Y Ana, đã có tượng thần Siva dán vào tường. Bom đã làm hư cánh tay của tượng, sau đó người ta làm lại, xây mới vẫn giữ nguyên tượng, dán vào tường sau tượng Bổn sư Thích Ca. Thời chiến tranh, tại đây thờ 5 tượng, có Phật, Quan Công… Lính Đại Hàn vào phá hết, lấy tượng, lấy luôn bức hoành phi có khắc chữ Duyên đăng cổ phật.
…Sự hỗn dung văn hóa, chấp nhận bất luận thứ gì mà mình cảm thấy nương tựa được, tìm ở đó sự an ủi, khai tâm khai trí được, là chịu hết. điều đó là dễ thấy nhất ở chùa làng, nơi trú ngụ linh hồn của những người sau lũy tre xanh. Không giải thích lòng vòng, không đủ sức để vươn tới hàn lâm, không so đo này nọ, họ thờ hết, bởi có kiêng có lành, vậy thôi. Đó là triết lý dân gian. Bởi thế, có cảm giác nhẹ hơn, gần hơn, tự tại hơn, dẫu không thiếu trang nghiêm, khi bước vào chùa làng. Hoa cỏ, không khí, lối xưng hô, cách đón tiếp của sư trụ trì… thảy như ta qua nhà hàng xóm chơi. Chùa Bồng Lai cảnh trí không thua kém nơi khác, mà ấm áp, gần gũi. Giếng Ngọc, thực ra là giếng Chăm. Mấy người đàn bà gánh nước ở đây cho hay, có lúc đặt hai máy bơm hút mà giếng không cạn. Ngồi xoãi chân ở chùa làng, như trở về nhà. Bước vào chùa lớn ở thị thành, tâm trạng như bước vào chốn công đường, dẫu sự ngó nghiêng của sư, chú tiểu không hẳn là cảnh giác với khách, nhưng cái nhìn như đọng, như đứng lại, thì cũng phải thôi, phố phường ô hợp, nơi đó, qua cổng tam quan là tách hẳn. Một bức tường vô hình dựng lên giữa tâm và vật. Còn chùa làng thì hình như khác. Nó chìm giữa xóm làng, tan trong lời ăn tiếng nói dân dã, chùa như nhà mình. Những nhốn nháo dễ dàng vào đó, nhưng không dễ dàng đọng lại, thậm chí không có “cửa” để đọng, bởi sự thanh tịnh toàn triệt đã bao phủ. Nhìn bóng những sư, những chú nhễ nhại trên vườn cuốc cỏ, nhổ đậu, như thấy gió lang thang cười, như thấy mình cũng dễ dàng được như họ. Ngày lễ, tết, ghé chùa thắp nhang, xin chút lộc, ngắm mai nở, ngay sát vách chùa là lúa xanh, cỏ biếc, nghĩ sư mà cởi áo lam, cầm cuốc, thì đúng là nông dân chính hiệu. Thế mới biết, dễ gì mất được chùa vì trong làng có chùa và trong chùa có làng.
TRUNG VIỆT