Chúa Nguyễn Phúc Chu và đất Quảng Nam

LÊ THÍ 18/12/2022 08:11

Nguyễn Phúc Chu là một vị chúa tài năng và hay chữ. Ông đã từng đến thăm Quảng Nam và để lại đây 4 “dấu ấn”, đặc biệt nhất là bức hoành phi hiện còn treo ở đình Sơn Phong.

Bức hoành phi ở đình làng Sơn Phong. Ảnh: T.L
Bức hoành phi ở đình làng Sơn Phong. Ảnh: T.L

Chúa Nguyễn Phúc Chu

Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725), vị chúa thứ 6 trong 9 chúa Nguyễn, hiệu là Thiên Túng đạo nhân, là con trưởng của Nguyễn Phúc Thái và Tống Thị Lĩnh. Năm 1691, Nguyễn Phúc Thái mất, ông được triều thần tôn lên ngôi, dâng tôn hiệu là Quốc Chúa.

Sau khi mãn tang cha, Nguyễn Phúc Chu liền: “Miễn một nửa thuế ruộng cho dân. Chúa chiêu hiền đãi sĩ, cầu lời nói hay, nạp lời can gián, bỏ xa hoa, bớt chi phí, nhẹ thuế má diêu dịch, bớt hình ngục, trăm họ không ai không vui mừng…” (Thực lục, Tập 1, NXB Thuận Hóa, 2004, trang 107).

Ông có nhiều cải cách quan trọng: “Ở phương bắc giữ vững biên thùy, phương nam đưa dân đến đất Chân Lạp, thiết lập chính quyền, khéo khu xử với người Chiêm Thành và Chân Lạp; còn trong nước thì sắp đặt lại việc duyệt tuyển, việc vận tải, võ bị, thi cử…” (Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong, NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1967, trang 217).

Nhờ vậy, 34 năm cầm quyền của ông là thời kỳ hòa bình thịnh trị nhất ở xứ Đàng Trong. Dưới thời Nguyễn Phúc Chu lãnh thổ nước ta được mở rộng đến tận Hà Tiên. Năm 1692 chúa lập phủ Bình Thuận, năm 1698 lập dinh Trấn Biên (Đồng Nai) rồi Phiên Trấn (Sài Gòn - Gia Định); năm 1708, thu nạp vùng đất Hà Tiên từ tay Mạc Cửu.

Ông cũng là vị lãnh đạo đầu tiên nhận thấy vai trò quan trọng đặc biệt của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong vấn đề an ninh quốc phòng và kinh tế nên vào năm 1711 đã sai Mạc Cửu đem lính ra đo đạc địa đồ quần đảo Trường Sa để xác lập chủ quyền quốc gia.

Vốn là người “sùng Nho, mộ Phật, thông kinh sử, sẵn đạo tâm” nên dưới thời Nguyễn Phúc Chu xã hội thấm đẫm tinh thần Phật giáo. Ông mời Thiền sư Thích Đại Sán sang giảng đạo pháp cho quan dân, xây và trùng tu chùa Thúy Vân, Hoàng Giác, Kính Thiên…, đặc biệt là trùng tu và đúc chuông chùa Thiên Mụ.

Nói về Nguyễn Phúc Chu, sách Nguyễn Tộc thế phả viết: “Trong 34 năm trị vì, ngài thực hiện được nhiều công việc quan trọng: Việc nội trị, giáo dục và thi cử được phát triển có quy mô; binh lực hùng mạnh, được các lân bang nể sợ; mở mang bờ cõi đến tận biên giới Chân Lạp, lập thêm các phủ Bình Thuận và Gia Định.

Chiêu mộ những người nghèo khổ đưa đi khai khẩn những vùng đất mới, lập thành làng, xã làm miền Nam ngày càng phồn thịnh; dân chúng được sống ấm no, hạnh phúc. Ngoài ra ngài là người thông suốt kinh sử, giỏi thi văn. Bút tích của ngài còn lưu lại nhiều nơi …”.

Chuyến ngự du Quảng Nam

Năm 1719, Nguyễn Phúc Chu có chuyến tuần du Quảng Nam. Sách Thực lục viết: “Kỷ Hợi, năm thứ 28, mùa xuân, tháng 3, chúa đi thăm dinh Quảng Nam, duyệt binh mã, rồi đến phố Hội An, nhận thấy phía tây phố có cầu, là nơi thuyền buôn tụ họp, nên đặt tên là cầu Lai Viễn, viết chữ biển vàng ban cho. Mùa thu, tháng 9, xa giá trở về” (Tập 1, trang 137).

Không có tài liệu nào nói về hành trình của chúa trên đất Quảng. Gần đây dựa vào một số dấu ấn để lại có người cho rằng khi đi vào xứ Quảng, chúa đã theo đường bộ qua đèo Hải Vân rồi theo đường thiên lý vào dinh trấn Thanh Chiêm. Tại đây, chúa tham gia một cuộc duyệt binh lớn, sau đó đi thăm Hội An. Từ Hội An, chúa theo Lộ Cảnh giang (sông Cổ Cò) ra Đà Nẵng rồi về lại bằng đường biển.

Chuyến tuần du này chúa để lại 3 “dấu ấn” quan trọng, thể hiện ông là người “thông kinh sử” và “giỏi thi văn”. Khi đi qua đèo Hải Vân, chúa làm bài thơ “Ải lĩnh xuân vân” bằng chữ Hán, vịnh cảnh mưa xuân trên đỉnh đèo, được dịch như sau:

Núi Ải mây xuân
Việt Nam xung yếu núi nà
Khác chi đất Thục non xây bóng cùng
Ba từng mây phủ trùng trùng
Chẳng hay người ở bên cung trời nào
Tóc mi không tuyết lạnh sao
Áo xiêm ướt đẫm như vào suối mê
Ước chi gió biển mưa về
Ruộng dâu xanh ngát bốn bề bày ra.
(Đinh Bá Truyền dịch).

Khi thăm núi Ngũ Hành Sơn chúa đã để lại bài “Tam Thai thính triều” (Nghe tiếng sóng ở Tam Thai). Đây là bài thơ thất ngôn bát cú, nguyên văn chữ Hán, được dịch:

Nghe sóng ở núi Tam Thai
Tam Thai kỳ ảo dựng non xanh
Động vắng ngàn mây trắng phủ quanh
Biển Việt dừng nghe lời sóng vỗ
Thành Phiên dõi ngóng tiếng chuông ngân
Liên hồi tiếng gió như vó trắng
Từng trận màu mưa tựa vây xanh
Ước tìm giấc mộng lành chưa thấy
Tùng biếc từng trên mấy khóm xinh.
(Trần Đình Sơn dịch).

Hai bài thơ đã được khắc trên chén sứ. Hiện bài “Ải lĩnh xuân vân” còn lưu trên 4 chén sứ và bài “Tam Thai thính triều” còn lưu trên hai chén sứ do các nhà sưu tầm cổ vật Trần Đình Sơn và Nguyễn Hữu Hoàng lưu giữ (không kể các chén thời Minh Mạng).

Khi đến thăm Hội An, chúa đã ban biển vàng cho Chùa Cầu với tên Lai Viễn Kiều, lấy ý từ một câu trong Kinh Thi: “Hữu bằng tự viễn phương lai bất diệc lạc hồ?” (Có một người bạn từ xa đến há không vui hay sao?). Tên cầu cho thấy chúa không những là người hay chữ mà còn thể hiện chủ trương mở rộng giao thương của xứ Đàng Trong thời đó.

“Dấu ấn” đặc biệt nhất

Ba dấu ấn vừa kể đều có liên quan đến chuyến tuần du. Có một dấu ấn đặc biệt là bức hoành phi với bốn chữ “cứu thế độ nhơn” hiện còn lưu giữ tại đình làng Sơn Phong ở Hội An. Tác giả Trần Văn An đã mô tả bức hoành phi: “Bức hoành bằng gỗ, kích thước khá lớn: dài 263cm, rộng 81cm, viền xung quanh rộng 15,5cm chạm hình 10 chim phượng bay trong các tư thế khác nhau chầu về mặt trời theo đề tài phượng triều dương.

Hình các chim phượng chạm trổ sắc sảo, sinh động, là một tác phẩm nghệ thuật tạo hình tuyệt đẹp. Lòng bức hoành chạm 4 chữ Cứu thế độ nhân, nét chữ phóng khoáng theo kiểu lệ thư, là ngự bút của chúa Nguyễn Phúc Chu. Thượng khoản ghi: “Vĩnh Thịnh thập nhất niên tuế thứ Ất Mùi bát nguyệt nhị thập nhất nhật đề” (viết ngày 21 tháng 8 năm Ất Mùi - Vĩnh Thịnh thứ 11).

Góc trên thượng khoản có một con dấu hình hột xoài, kích thước cao 9,5cm, rộng 4,5cm, giữa lòng có 3 chữ triện từ trên xuống Thiên chí tôn (天至尊). Hạ khoản ghi: Quốc chúa Thiên Túng đạo nhân ngự bút, cho biết đây là ngự bút do chính Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu, tự hiệu Thiên Túng đạo nhân viết.

Cuối hạ khoản có 2 con dấu một tròn, một vuông. Dấu tròn ở trên đường kính 6cm, giữa lòng 4 chữ triện từ trên xuống Hiệp nhất chủ nhân (恊弌主人), hai bên dòng chữ có hình 2 con rồng nhỏ chầu vào. Dấu vuông bên dưới có cạnh 6cm, lòng khắc nhiều chữ triện chưa đọc được” (Trung tâm Quản lý và bảo tồn Di sản văn hóa Hội An).

Đây được xem là dấu ấn đặc biệt nhất vì nhiều lẽ: Thứ nhất tấm biển là thủ bút của Quốc Chúa; thứ hai vì được ban trước thời điểm chúa tuần du Quảng Nam 4 năm (Ất Mùi, Vĩnh Thịnh thứ 11 là năm 1715). Thứ ba cho đến nay vẫn không hiểu lý do làng Sơn Phong (vốn trước đó có tên là Phong Niên, Diêm Hộ, xứ Tầm Vông) được nhận “ân sủng” này. Thứ tư vì đây được đánh giá là “bức hoành phi có niên đại sớm nhất được tìm thấy ở Hội An”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chúa Nguyễn Phúc Chu và đất Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO