Chiều 26.12, UBND tỉnh tổ chức họp Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ nhân, Thợ giỏi, Người có công đưa nghề về địa phương năm 2018, nhưng Hội đồng chỉ nhận được 21 hồ sơ của 3 địa phương, trong tổng số 61 làng nghề của 12 huyện, thành phố, thị xã. Chỉ riêng điều này thôi đã thấy có sự “không quan tâm”...
Các nghệ nhân cần được tôn vinh và đãi ngộ để giữ nghề truyền thống - cũng là bản sắc của địa phương. Ảnh: LÊ VẤN |
Chỉ 3 địa phương gửi hồ sơ
Việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân, Thợ giỏi, Người có công đưa nghề về địa phương được xem như để khuyến khích, động viên, phát huy vai trò của các nghệ nhân, thợ giỏi ở địa phương trong việc khôi phục nghề truyền thống, du nhập nghề mới để phát triển sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người làm. Năm 2014, Quy chế về việc xét tặng các danh hiệu được ban hành với các nguyên tắc và tiêu chí nhằm minh bạch việc tôn vinh người làm nghề truyền thống. Tuy nhiên, dù trải qua một thời gian đã khá lâu, nhưng việc quan tâm đến thành lập các hồ sơ từ cấp cơ sở dành cho người làm nghề tại địa phương xem chừng vẫn còn khá mờ nhạt. Danh sách các hồ sơ tham dự xét chọn lần này chỉ có 3 địa phương với các làng nghề như Mộc Kim Bồng, Dệt Mã Châu, nghề truyền thống gỗ mỹ nghệ...
Sau khi căn cứ các điều khoản quy định ban hành năm 2013 của UBND tỉnh về Quy chế xét tặng danh hiệu Nghệ nhân, Thợ giỏi, Người có công đưa nghề về địa phương, Hội đồng xét tặng đã xem xét các hồ sơ và bình chọn 9 danh hiệu Nghệ nhân, 5 danh hiệu Thợ giỏi cấp tỉnh; về danh hiệu Người có công đưa nghề về địa phương, chỉ có 1 hồ sơ gửi đến nhưng không được bình chọn. Các danh hiệu này là cơ sở để làm hồ sơ xét chọn Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân nhân dân sau này. |
Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề truyền thống Quảng Nam thắc mắc: “Tại sao năm nào cũng chỉ có các địa phương Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên lập hồ sơ? Tại sao hồ sơ của các địa phương này vẫn chủ yếu ở nghề mộc, chế tác sản phẩm mỹ nghệ truyền thống từ gỗ? Tôi không hiểu các địa phương khác có nắm được thông tin về cuộc bình xét hằng năm các danh hiệu này hay không?”. Trong khi đó, ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay, năm 2018 có rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị, được chọn làm sản phẩm lưu niệm quà tặng cho các sự kiện lớn của tỉnh, nhưng hiện tại chỉ có 3 địa phương quan tâm lập hồ sơ, trong khi đó các huyện khác đều có làng nghề. “Vậy phải chăng các địa phương không quan tâm? Tỉnh nên chỉ đạo địa phương và các ngành quan tâm công tác tôn vinh, nghệ nhân thợ giỏi để bảo tồn nghề truyền thống. Đặc biệt ở các huyện miền núi, nghệ nhân thợ giỏi rất nhiều, nhưng họ vẫn chưa được kết nối, tôn vinh để ý thức về giá trị nghề nghiệp mình đang sở hữu” - ông Hồ Tấn Cường nói.
Phải quan tâm từ địa phương
Phân tích nguyên nhân từ nhiều phía, nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp nói, tỉnh nên rà soát các danh hiệu đã được công nhận, để xem xét thêm về quá trình làm nghề cũng như hỗ trợ, tạo điều kiện để họ có thể phát triển hơn. Đặc biệt, Hội đồng xét tặng tỉnh nên có ý kiến để sửa đổi Quy chế xét chọn đã được ban hành từ nhiều năm trước, vì hiện tại thị trường cũng như các tiêu chuẩn về sản phẩm thủ công, nghề truyền thống đã thay đổi. Chia sẻ về câu chuyện truyền nghề của nghệ nhân, theo nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp, quy chế nên có thêm yêu cầu tiêu chuẩn dạy nghề thì phải xác định dạy ra có bao tiêu được người làm nghề hay không. “Tôi nghĩ cần phải theo dõi đánh giá lại việc phát huy danh hiệu làng nghề. Việc truyền nghề dạy nghề nên được đánh giá hàng năm. Bởi theo tôi thấy, nhiều em học xong đâu có theo nghề” - nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp nhìn nhận.
Ghi nhận ý kiến đóng góp từ các thành viên Hội đồng xét tặng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn nhìn nhận, từ năm 2014 dường như tỉnh chỉ làm nhiệm vụ thụ động, tập hợp từ địa phương chứ không có sự chủ động tìm đến các làng nghề, cơ sở. Ông Toàn cho rằng, có rất nhiều người góp công lớn cho làng nghề, từ việc đưa nghề về địa phương hay tạo công ăn việc làm, thu nhập tốt cho người dân, nhưng lại chưa thấy có danh hiệu nào dành cho họ. “Tôi đơn cử như anh Nguyễn Trường Thiên của Doanh nghiệp mây tre mỹ nghệ Âu Cơ, làm rất nhiều nhưng lại không thấy danh hiệu nào, vì địa phương không quan tâm. Đặc biệt ở 6 huyện miền núi cao, nghệ nhân, thợ giỏi rất nhiều nhưng lại rất ít danh hiệu. Cũng phải thấy là các Hiệp hội nghề truyền thống ở tỉnh làm việc rất yếu. Như Hiệp hội Mây tre lá, nhiều năm nay không thấy có hoạt động gì. Đề nghị Sở Công Thương quan tâm lại vấn đề này, cũng như phải rà soát và kết nối với các địa phương để họ tích cực lập hồ sơ cho người làm nghề ở địa phương mình” - ông Toàn nói.
XUÂN HIỀN