Qua 20 năm phát triển du lịch di sản, du lịch Quảng Nam dường như chỉ quẩn quanh phố cổ, những vùng ven cận kề như Điện Bàn, Duy Xuyên, còn phía nam, phía tây của tỉnh dường như vẫn đứng ngoài cuộc trong sự phát triển này.
Trong một hội thảo về du lịch vừa diễn ra tại Hội An mới đây, ông Michael Croft – Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội khẳng định, đã qua rồi thời kỳ tăng trưởng khách du lịch đến Hội An, điều này đã không còn quan trọng, mà vấn đề quan tâm hiện nay chính là cộng đồng người dân, nhất là những vùng phụ cận di sản sẽ được hưởng lợi gì từ danh hiệu di sản mang lại cho cuộc sống của mình.
Những điểm đến “cô độc”
Sau những kỳ vọng về một điểm dừng chân hấp dẫn với các sản phẩm mới lạ trên con đường di sản kết nối Hội An - Mỹ Sơn, Khu du lịch Vinahouse (Vĩnh Điện, Điện Bàn) đã đóng cửa sau gần 5 năm hoạt động. Cách đó không xa, bãi biển Hà My và cụm làng nghề Đông Khương (Điện Bàn) nổi tiếng với đúc đồng Phước Kiều, gốm Lê Đức Hạ, gỗ mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp dù đã được quy hoạch phát triển theo hướng du lịch cũng vắng bóng khách ghé thăm.
Tương tự, các làng quê sinh thái Cẩm Kim (Hội An), Trà Nhiêu (Duy Vinh, Duy Xuyên), Triêm Tây (Điện Phương, Điện Bàn)… nhiều năm qua vẫn loay hoay với bài toán tìm khách. Tại các huyện phía nam và phía tây của tỉnh, tình hình càng khó khăn hơn, dù sở hữu nhiều lợi thế, tiềm năng, đặc biệt được tỉnh xác định là điểm đến trong mục tiêu phát triển của du lịch Quảng Nam tương lai.
Nhiều ý kiến doanh nghiệp cho rằng, dù du lịch Quảng Nam tăng trưởng mạnh qua từng năm, nhưng thời gian qua chỉ “ăn bám” vào di sản, không gian chỉ bó hẹp trong phạm vi TP.Hội An, những nơi khác vẫn chưa được hưởng lợi nhiều. Năm 2018, trong tổng số 6,5 triệu lượt khách tham quan lưu trú trên địa bàn tỉnh, TP.Hội An chiếm gần 5 triệu lượt khách.
Theo ông Phạm Vũ Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Hoa Hồng, nguyên nhân chính là sự thiếu hụt hạ tầng, dịch vụ, kể cả sản phẩm và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Điều này đặt ra bài toán cho các địa phương và ngành du lịch trong việc xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng điểm đến, bởi với doanh nghiệp Hoa Hồng đang là thực tế. Năm 2006, làng Bhờ Hồông (xã Sông Kôn, Đông Giang) bắt đầu làm du lịch, năm 2013 doanh nghiệp ông Dũng tham gia nhưng qua gần 6 năm hoạt động, hiệu quả vẫn chưa như mong muốn.
Ông Dũng cho rằng, nhìn lại 20 năm phát triển du lịch di sản có thể thấy sự lan tỏa chưa như kỳ vọng. “Phải tăng cường quảng bá, giới thiệu vì hiện tại thông tin những điểm đến rất ít, chính xác hơn là sự lẻ loi, cô độc của những điểm xa nếu nhìn ở góc độ điểm du lịch” - ông Dũng chia sẻ.
Cần sản phẩm chất lượng
Không phủ nhận, tại một số nơi dù chính quyền địa phương có quan tâm nhưng cũng chỉ dừng lại ở phạm vi quản lý nhà nước, khó thể đồng hành xuyên suốt cùng doanh nghiệp, chưa kể nhận thức của người dân về du lịch tại nhiều nơi vẫn còn thấp.
Theo ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn, lan tỏa du lịch di sản ra vùng ven được đơn vị xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm chia sẻ lợi ích với cộng đồng, nhưng phải cần có thời gian mới có thể hiện thực hóa mục tiêu này. Từ hai năm nay, việc hỗ trợ quảng bá, đào tạo chuyên môn, kể cả tiêu thụ sản phẩm làng nghề… của làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn đã được đơn vị quan tâm triển khai, dù vậy hiệu quả còn khá khiêm tốn.
Thực tế, vấn đề lan tỏa du lịch ra xa vùng di sản đã không còn là điều mới mẻ. Từ nhiều năm trước TP.Hội An đã triển khai thực hiện nhưng cũng chỉ bó buộc trong địa phương, còn các huyện, thị khác vẫn đứng ngoài cuộc. Theo ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, nếu nhìn ở góc độ cảm tính thì sự lan tỏa ra các huyện lân cận của Hội An chưa như kỳ vọng. Nếu có, cũng chỉ mới lan tỏa về mặt lưu trú, kể cả khu Vinpearl land Nam Hội An do thiếu tour tuyến điểm đến.
“Đa số doanh nghiệp đầu tư vào những cái dễ dàng nhất như lưu trú, còn đầu tư về sản phẩm tour tuyến thường lâu dài và rủi ro nên họ ngại chưa đầu tư nhiều. Giải pháp bây giờ vẫn là sản phẩm, phải làm cho điểm đến bền vững, tạo ra những sản phẩm trải nghiệm, khác biệt. Thời gian qua các địa phương chưa chú trọng tạo ra sản phẩm điểm đến, phải có sản phẩm người ta mới đến. Thứ hai là hạ tầng, hiện nay hạ tầng giao thông các địa phương mới dừng lại ở những con đường chính, còn những lối đi vào sâu trong làng quê để khám phá văn hóa đời sống của người dân thì chưa như yêu cầu” - ông Thanh phân tích.