Chưa xứng tiềm năng

AN NHI 25/10/2013 14:37

Đánh giá kết quả sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Sở VH-TT&DL thừa nhận thể thao thành tích cao tỉnh nhà chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của người hâm mộ cũng như chưa có cơ chế thỏa đáng để thu hút nhân tài thể thao…

Có thể nói, nhận xét này đã “quá quen” bởi bao năm qua, ngoài bóng đá, thể thao đất Quảng vẫn loanh quanh với các bộ môn võ như karatedo, taekwondo, võ cổ truyền, pencak silat và điền kinh. Không thể “gặm nhấm” mãi hào quang cũ, thời gian gần đây ngành có đầu tư phát triển thêm một vài môn mới là wushu, vovinam, bóng chuyền, bắn súng nhưng kết quả chưa có ấn tượng gì nhiều và cần phải chờ đợi thêm.

Trần Thị Mỹ Khanh (bên trái) hiện là niềm hy vọng số một của thể thao đất Quảng. Ảnh: AN NHI
Trần Thị Mỹ Khanh (bên trái) hiện là niềm hy vọng số một của thể thao đất Quảng. Ảnh: AN NHI

Phải thừa nhận là thể thao Quảng Nam không thiếu tài năng. Dường như giai đoạn nào cũng có những cá nhân xuất sắc trong màu áo đội tuyển quốc gia chinh chiến tại các đấu trường khu vực và thế  giới; trong đó có thể kể như Đặng Thị Thúy, Lê Thị Hồng Ngoan (pencak silat), Nguyễn Thị Hòa (điền kinh), Bùi Thị Triều (karatedo), Trần Thị Mỹ Khanh (teakwondo). Tuy nhiên, để có được những vận động viên (VĐV) đẳng cấp quốc gia này, ngoài công tác phát hiện, tuyển chọn, đào tạo thì còn có cả yếu tố may mắn. Theo các nhà chuyên môn, hàng năm có thể tuyển chọn đào tạo hàng chục VĐV nhưng để có được một “ngôi sao” thì không phải năm nào, giai đoạn nào cũng có. Bởi vậy, sau thời hoàng kim của Đặng Thị Thúy, Hồng Ngoan, pencak silat dường như cũng mất luôn biệt danh “mỏ vàng”. Hay như ở môn điền kinh, không biết đến bao giờ thể thao đất Quảng mới lại sản sinh ra “Nguyễn Thị Hòa thứ 2” trên các đường chạy cự ly dài.

Hơn 160 VĐV với 9 bộ môn tập trung đào tạo tại tỉnh (trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT Quảng Nam) nhưng số có đẳng cấp, nằm trong đội  tuyển tỉnh là  31 VĐV, chủ yếu tập trung ở môn karatedo và teakwondo với 17 VĐV (điền kinh, bóng chuyền và wushu không có VĐV nào). Trong khi đó, học sinh năng khiếu và đội tuyển năng khiếu (thời gian tập luyện trên dưới 12 tháng và chưa có thành tích) chiếm đến gần 100 người. Điều này cho  thấy bức tranh tổng thể về quy mô đào tạo thể thao thành tích cao của tỉnh còn khá nhỏ, chưa cân đối và gần như không mở rộng trong nhiều năm qua. Vậy nên chẳng có gì ngạc nhiên khi tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014, tỉnh Quảng Nam chỉ tham gia 6 trong tổng số 36 môn với chỉ tiêu khá khiêm tốn là 3 tấm huy chương vàng trong số 743 huy chương vàng của đại hội.

Những con số nêu trên hẳn sẽ khiến cho nhiều người phải suy nghĩ. Thể thao thành tích cao Quảng Nam không chỉ là “chấm nhỏ” trên bản đồ thể thao cả nước mà cũng chưa tương xứng với tiềm năng của một địa phương có 1 triệu rưỡi người và có truyền thống về thể thao. Mừng vì bóng đá đã lên V-League, nhưng các môn thể thao còn lại vẫn mang nặng tính chất phong trào, chưa mở rộng quy mô đào tạo, nâng cao chất lượng tập luyện. Do đó, rất cần có sự quan tâm đầu tư phù hợp với tính chất đặc thù của ngành thể thao mới hy vọng có thể tạo ra đột phá trong phát  triển, nâng cao vị thế thể thao đất Quảng.

AN NHI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chưa xứng tiềm năng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO