Chuẩn bị cho Đại hội TD-TT toàn quốc năm 2022: Lo từ bây giờ

TƯỜNG VY 18/12/2018 03:07

Đại hội TD-TT toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 bế mạc cũng là thời điểm kết thúc một chu kỳ đầu tư để mở ra lộ trình tiếp theo trong 4 năm tới. Vậy ngành TD-TT Quảng Nam đã định hướng chiến lược phát triển như thế nào để có kế hoạch đầu tư, chuẩn bị cho Đại hội TD-TT toàn quốc lần thứ IX năm 2022?

Lần đầu tiên thi đấu tại đại hội, Hồ Văn Âu và Cao Viết Sĩ bất ngờ đoạt huy chương bạc ở môn Canoeing. Ảnh: P.L
Lần đầu tiên thi đấu tại đại hội, Hồ Văn Âu và Cao Viết Sĩ bất ngờ đoạt huy chương bạc ở môn Canoeing. Ảnh: P.L

Chuẩn bị

Lo chuyện 4 năm tới ở thời điểm này có quá sớm? Trả lời câu hỏi này, ông Phan Văn Hạ - Hiệu trưởng Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT tỉnh cho rằng “không hề sớm và cần thiết phải có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ”. Vì đối với thể thao, để mang lại thành tích phải trải qua quá trình đào tạo dài lâu chứ không thể một sớm một chiều. “Từ bây giờ nếu không sớm có định hướng, xây dựng kế hoạch căn cơ về lộ trình để tập trung nguồn lực đầu tư, từ chuẩn bị lực lượng, công tác huấn luyện đến cơ sở vật chất, trang thiết bị sẽ khó có được kết quả tốt tại Đại hội TD-TT lần thứ IX năm 2022” - ông Hạ khẳng định.

Nhìn lại kết quả đại hội vừa qua, theo ông Hạ, thành tích của thể thao Quảng Nam chủ yếu vẫn dựa vào các môn võ Taekwondo, Karatedo, Võ cổ truyền và Vovinam. Trong những năm đến, các môn này vẫn sẽ là chủ lực nhờ lực lượng vận động viên (VĐV) trẻ có nhiều triển vọng nên phải tiếp tục chăm lo phát triển chuẩn bị cho Đại hội TD-TT toàn quốc năm 2022 đạt thành tích tốt hơn. Hơn nữa, đây được xem là những môn thể thao “rẻ tiền” bởi ít tốn kém kinh phí đầu tư trang thiết bị tập luyện, phù hợp với điều kiện của ngành và cũng rất phù hợp với tố chất mạnh mẽ, nhanh nhẹn của con người Quảng Nam. Bên cạnh đó, môn Canoeing mới đào tạo và tham gia đại hội 2018 với mục tiêu cọ xát song đã có kết quả được đánh giá là xuất sắc. Vì vậy, thời gian tới môn thể thao Olympic này cũng sẽ quan tâm tập trung đầu tư, bổ sung đội ngũ huấn luyện viên, VĐV, nhất là cải thiện điều kiện cơ sở vật chất phục vụ tập luyện. “Chúng tôi đang có kế hoạch sẽ tăng thêm huấn luyện viên vì hiện môn Canoeing mới chỉ có 1 huấn luyện viên. Về điều kiện tập luyện, thời gian qua sông Tam Kỳ được sử dụng làm nơi tập nhưng cũng chỉ tạm thời. Sắp tới sẽ đưa VĐV lên hồ Phú Ninh tập luyện nhằm đảm bảo yêu cầu chuyên môn” - ông Hạ nói.

Cần cơ chế đặc biệt

Trong số VĐV đạt thành tích tại đại hội vừa qua có nhiều gương mặt đã khá lớn tuổi nên gần như chắc chắn sẽ chia tay sự nghiệp thi đấu trong một vài năm tới, thậm chí là sắp tới đây. Chẳng hạn, ở môn Võ cổ truyền là nhà vô địch Nguyễn Hồng Ninh cùng với Đỗ Thị Ngọc Luận, Đỗ Thế Vũ khi tất cả đều đã 30 tuổi (sinh năm 1989); hay môn Karatedo có Phạm Thị Thư (sinh 1992), Nguyễn Thị Huỳnh Hoanh (1991). Ngoài ra, 2 gương mặt vừa đăng quang ở môn Taekwondo là Phạm Thị Thu Hiền và Trần Thị Mỹ Khanh cũng chưa chắc sẽ còn khoác áo thi đấu tại Đại hội TD-TT toàn quốc 2022. Bởi lúc đó, họ đã bước sang 27 - 28 tuổi - cái tuổi mà hầu hết nữ VĐV đều đã tính chuyện tương lai bằng việc chuyển sang con đường học tập để sau này trở thành huấn luyện viên.

Đã 30 tuổi nên Nguyễn Hồng Ninh (bên phải) có lẽ sẽ không còn góp mặt tại đại hội năm 2022. Ảnh: T.V
Đã 30 tuổi nên Nguyễn Hồng Ninh (bên phải) có lẽ sẽ không còn góp mặt tại đại hội năm 2022. Ảnh: T.V

Như vậy, nhiều khả năng 3/4 VĐV vừa giành huy chương vàng sẽ vắng mặt ở kỳ đại hội 4 năm tới. Điều này cho thấy, nếu không có sự chuẩn bị sớm ngay từ bây giờ thì tại Đại hội TD-TT toàn quốc lần thứ IX thể thao Quảng Nam sẽ rơi vào khủng hoảng về lực lượng kế cận và khó giữ được thành tích như đại hội vừa qua. Để giải quyết “bài toán” này, ông Hạ cho rằng, bên cạnh việc bản thân ngành phải chủ động xây dựng kế hoạch chuyên môn hợp lý, cần có cơ chế đặc biệt đối với những VĐV được xác định là trọng điểm của tỉnh như cách làm của một số địa phương trên cả nước. Cụ thể, chuẩn bị cho đại hội, sẽ phải có một kế hoạch đào tạo, tập huấn, đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện tập luyện, chế độ chính sách đối với VĐV trọng điểm. Cạnh đó, có cơ chế hỗ trợ, ưu đãi cho những VĐV đạt thành tích xuất sắc, chẳng hạn như Phạm Thị Thu Hiền hay Trần Thị Mỹ Khanh, nhằm động viên, khuyến khích họ kéo dài thời gian tập luyện, thi đấu. “Có như vậy, các VĐV sẽ cố gắng tập luyện để tham gia thêm một kỳ đại hội nữa, còn không thì rất khó vì các em cũng đã lớn tuổi, xin nghỉ tập để đi học” - ông Hạ chia sẻ.

TƯỜNG VY

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuẩn bị cho Đại hội TD-TT toàn quốc năm 2022: Lo từ bây giờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO