Chuẩn bị cho hành trình "vượt cạn"

CHÂU NỮ 08/08/2017 13:39

(QNO) - Lớp học tiền sản “Hành trình vượt cạn, những điều cần biết” do Khoa Phụ sản (Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam) tổ chức hôm qua 7.8 đã trang bị những kiến thức, kinh nghiệm giúp cho phụ nữ mang thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tự tin khi “vượt cạn”…

Tiếp xúc da kề da ngay sau khi sinh ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. ảnh: C.N
Tiếp xúc da kề da ngay sau khi sinh ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: C.N

Chăm sóc thai nghén

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh - Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, muốn cuộc sinh đẻ được an toàn, có lợi cho sức khỏe của mẹ và bé, thai phụ cần phải khám thai định kỳ ít nhất 8 lần trong thai kỳ vào những điểm thời điểm nhất định. Bác sĩ Kiều Trinh cho biết, việc khám thai định kỳ sẽ biết được thai nhi phát triển bình thường hay có các nguy cơ do bệnh tật để kịp thời ngăn chặn những bất lợi ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và con nhằm cho ra đời những đứa trẻ khỏe mạnh, thông minh và góp phần giảm tỷ lệ tử vong chu sinh (hiện tượng tử vong thai nhi và trẻ sơ sinh trong tuần đầu tiên sau khi chào đời - NV). “Trong quá trình khám thai, bác sĩ có thể phát hiện những bệnh lý kèm theo hoặc thai nghén nguy cơ cần làm thêm xét nghiệm chuyên biệt và theo dõi sát sao hơn theo lịch hẹn. Tháng cuối cùng, tốt nhất nên khám mỗi tuần một lần để theo dõi sức khỏe và được tư vấn chọn nơi sinh an toàn” - bác sĩ Kiều Trinh nói.

Tại buổi tư vấn, vấn đề nhiều thai phụ băn khoăn là liệu siêu âm nhiều lần trong thai kỳ có ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi? Bác sĩ Kiều Trinh giải thích, không nhất thiết phải siêu âm nhiều lần mà chỉ siêu âm ở những thời điểm quan trọng. Đó là, khi thai từ 11 đến 13 tuần, tốt nhất là 12 tuần, siêu âm để đo độ mờ da gáy nhằm xác định nguy cơ hội chứng down. Khi tuổi thai 22-25 tuần, siêu âm để khảo sát hình thái thai nhi, phát hiện những dị tật bẩm sinh nếu có. Ngoài ra, cần siêu âm khi thai 32-36 tuần để đánh giá sự phát triển của thai nhi và sắp đến ngày sinh, siêu âm để tiên lượng cuộc sinh dễ hay khó. Th.S - bác sĩ Phan Thị Hồng Ngọc - Phó Trưởng khoa Phụ sản thông tin thêm, đến nay vẫn chưa có kết luận rõ ràng siêu âm ảnh hưởng đến thai nhi; thai phụ chỉ cần siêu âm định kỳ hoặc siêu âm nhiều lần hơn theo chỉ định của bác sĩ. Siêu âm nhiều lần sẽ tốn thời gian và tiền bạc.

Chăm sóc con sau sinh theo phương pháp da kề da, dinh dưỡng khi mang thai, nuôi con bằng sữa mẹ cũng được khá nhiều bà mẹ quan tâm, nhất là đối với những người đã từng sinh mổ. Do những lợi ích của việc tiếp xúc da kề da sớm giữa mẹ và bé như giúp giữ ấm cho trẻ, chống nhiễm trùng, cải thiện sức đề kháng, tăng tình cảm mẹ con… nên Khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho tiếp xúc da kề da ngay cả với sản phụ sinh mổ. Trong khi đó, cách cho trẻ bú mẹ, bế trẻ và cho trẻ ngậm bắt vú đúng cách cũng như việc làm thế nào để có đủ sữa nuôi con… - những việc tưởng chừng đơn giản nhưng khó làm đúng cách, cũng được hướng dẫn cặn kẽ tại buổi tư vấn.

Bài tập cho thai phụ

Bên cạnh chăm sóc thai nghén, khám thai định kỳ, việc tập thở, tập rặn giúp cuộc sinh đẻ được an toàn, thành công cũng được hướng dẫn cụ thể tại buổi tư vấn. Bác sĩ Phan Thị Hồng Ngọc tâm sự, “vượt cạn” luôn là hành trình gian khổ nhưng tuyệt vời để chào đón đứa trẻ đến với cuộc đời. “Trong quá trình đỡ đẻ, tôi nhận thấy nhiều phụ nữ sắp sinh, nhất là những phụ nữ sinh con đầu lòng luôn tỏ ra băn khoăn, lo lắng không biết làm thế nào để để sinh đẻ được “mẹ tròn con vuông” nên rất cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng và có những bài tập phù hợp để cuộc “vượt cạn” nhẹ nhàng và thành công” - bác sĩ Hồng Ngọc nói.

Chị Phan Thị Ngọc Quỳnh (25 tuổi, ở Tam Kỳ) cho biết, vì mang thai lần đầu nên chị khá lo lắng. “Tôi thường xuyên lên mạng tìm hiểu thông tin chăm sóc thai kỳ nhưng cho đến khi được bác sĩ trực tiếp hướng dẫn cách thở, cách rặn trong lớp học này, tôi mới thấy chuyện tập thở tuy đơn giản nhưng giúp ích khá nhiều cho người mang thai” - chị Quỳnh nói.

Trong khi đó, mặc dù sắp sinh con đến lần thứ ba ở độ tuổi gần 40 nhưng chị N.T.T. ở Bắc Trà My cho biết, chị chưa bao giờ biết tập thở và tập rặn nên hy vọng sau lần được hướng dẫn “trực quan sinh động” tại buổi tư vấn này, lần sinh sắp tới của chị sẽ nhẹ nhàng hơn.

Bác sĩ Hồng Ngọc cho biết, khi tập thở, tập rặn, thai phụ phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định để mang lại hiệu quả cho cuộc sinh nở, giảm đau và không mất sức. “Thai phụ cũng có thể khiêu vũ nhẹ nhàng, chậm rãi, mát xa, nghe nhạc… để giúp làm giảm cơn đau khi chuyển dạ” - bác sĩ Hồng Ngọc khuyên. Ngoài ra, bác sĩ Hồng Ngọc còn hướng dẫn tư thế rặn đẻ, nguyên tắc rặn đẻ, cách thở khi rặn đẻ nhằm giúp thai phụ có kiến thức và tập luyện để cuộc sinh đẻ nhẹ nhàng.

CHÂU NỮ 

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuẩn bị cho hành trình "vượt cạn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO