Theo “kế hoạch” từ đầu năm, hè năm nay gia đình tôi sẽ có một chuyến đi du lịch ngắn ngày ở Nha Trang. Chúng tôi chọn Nha Trang là do cậu con út của chúng tôi muốn khám phá Viện Hải dương học Nha Trang.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự định đi Nha Trang đành phải gác lại. Để cho con bớt cảm thấy hụt hẫng, ngoài việc đặt mua cho con một cuốn sách dạng “bách khoa” về các loài sinh vật biển, chúng tôi còn lên mạng tìm hiểu về đất nước Việt Nam, về vùng đất nơi mình dự định đi du lịch nói chung và về Viện Hải dương học Nha Trang nói riêng để kể cho con nghe.
Tuy chỉ đi “du lịch tại chỗ” như vậy, song gia đình chúng tôi lại tiếp nhận được rất nhiều thông tin bổ ích, chi tiết và trải nghiệm lý thú. Con của chúng tôi nêu cảm nhận, đại ý: được đọc, được nhìn hình ảnh minh họa như thế này, sau này nếu được đi chơi ở Viện Hải dương học Nha Trang (và rất nhiều danh lam, thắng cảnh khác của Việt Nam), con chỉ cần nhìn qua là đã biết đấy là đâu, là con gì, vật gì...
Từ câu chuyện nhỏ này, chợt nhớ lại nhận định của một chuyên gia du lịch mà có lần tôi đọc được đâu đó, rằng đa số người Việt Nam đi du lịch theo kiểu... ào ào; đi mà thiếu/không có thông tin hoặc chưa có hiểu biết cần thiết về nơi mà mình sẽ đến. Chịu khó quan sát sẽ thấy, khi đi du lịch nhiều người Việt cầm trên tay chủ yếu là máy ảnh, điện thoại; trong khi thứ mà đa số du khách nước ngoài mang theo, vừa đi vừa xem, chính là những cuốn cẩm nang du lịch.
Do vậy, mỗi khi đến một địa điểm, một di tích, danh thắng nào đó, nhiều người Việt hoặc là chỉ cưỡi ngựa xem hoa, chụp vài tấm hình “sống ảo” rồi về. Những người muốn mở mang hiểu biết hơn, lại phụ thuộc gần như tuyệt đối vào phần thuyết minh, giới thiệu của hướng dẫn viên du lịch. Vì thế, những giá trị đích thực và hết sức đa dạng của du lịch, từ du lịch mà người đi du lịch nhận được là không nhiều, không tương xứng với chi phí tiền bạc và thời gian mà họ bỏ ra.
Hiện tại, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Nhiều địa chỉ du lịch nổi tiếng buộc phải tạm thời đóng cửa. Những người muốn đi du lịch cũng buộc phải gác lại ý định của mình. Vậy thì tại sao lại không thử đi “du lịch tại chỗ”, qua sách vở hay các trang thông tin trực tuyến? “Đi” theo cách này giúp mỗi người có thêm thông tin, hiểu biết được nhiều hơn về các vùng đất trên quê hương mến yêu của mình. Với “hành trang” ấy, một khi dịch Covid-19 bị dập tắt, mình lại “xách ba lô lên và đi” một cách tự tin và chắc chắn cũng sẽ đầy đủ và đáng với “đồng tiền bát gạo” mà mình bỏ ra...