Chuẩn bị thị trường tết: Các ngân hàng vào cuộc

CHIÊU THỤC ANH 30/11/2013 10:41

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 nên đây là thời điểm các doanh nghiệp, tiểu thương cần nhiều vốn để dự trữ hàng tết. Trước thực tế đó, khá nhiều ngân hàng đã tung ra gói tín dụng hỗ trợ vốn để tiểu thương gom hàng, hạn chế “tín dụng đen”.

Nhanh chóng, thuận tiện

Các năm trước, để chuẩn bị hàng bán tết, chị Nguyễn Thị Ngọc Vấn (ki ốt 29B, chợ Trung tâm Thương mại, TP.Tam Kỳ) thường khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn mua dự trữ hàng hóa. Chị nói: “Nhiều khi hết đường, tôi buộc phải “vay nóng” để lấy hàng. Nhưng từ năm ngoái, trước sự nới lỏng của ngân hàng nên tôi và nhiều tiểu thương trong chợ đã vay vốn của ngân hàng để phục vụ kinh doanh, nhất là vào dịp tết”. Theo chị Vấn, Ngân hàng TMCP Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) mà chị và nhiều tiểu thương trong chợ vay vốn có hình thức cho vay và thu nợ phù hợp với điều kiện buôn bán và tình hình thực tế của các chị. “Trước đây, chúng tôi ngại đến ngân hàng vì thủ tục rườm rà, thời gian giải quyết lâu trong khi đầu mối đem hàng hóa về, thường ai có tiền mặt thì được ưu tiên lấy trước, lấy nhiều, hàng đẹp. Người chậm chân vì thiếu vốn sẽ phải lấy hàng không ưng ý. Điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh của chúng tôi. Nhưng sự nới lỏng của ngân hàng thời gian gần đây đã giúp cho việc buôn bán, nhất là mùa hàng tết đã bắt đầu chộn rộn” - chị Nguyễn Thị Thủy (ki ốt 40, chợ Trung tâm Thương mại, TP.Tam Kỳ) chia sẻ.

Cuối năm, tiểu thương rất cần vốn để dự trữ hàng tết nên việc ngân hàng cho vay nhanh góp phần hạn chế tín dụng “đen”.Ảnh: T.ANH
Cuối năm, tiểu thương rất cần vốn để dự trữ hàng tết nên việc ngân hàng cho vay nhanh góp phần hạn chế tín dụng “đen”.Ảnh: T.ANH

Ngân hàng TMCP Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long MHB mà chị Vấn nhắc đến được xem là ngân hàng đi tiên phong trong việc đem vốn đến tận cửa hàng để phục vụ tiểu thương ở Tam Kỳ. Theo đó, ngân hàng làm việc trước với ban quản lý chợ tìm hiểu nhu cầu vay vốn, tình hình kinh doanh, đối tượng nợ xấu… để có cơ sở làm việc với các tiểu thương. Khi các tiểu thương có nhu cầu vay, chỉ cần liên hệ với ngân hàng, nhân viên sẽ tới tận địa điểm kinh doanh tư vấn và làm thủ tục vay. Hồ sơ thế chấp chỉ đơn giản là hợp đồng thuê mặt bằng của tiểu thương. “Nếu tiểu thương rơi vào trường hợp phát sinh nợ xấu, chúng tôi đành chịu, không thể cho vay. Những trường hợp còn lại, có thể trong vòng 10 phút là chúng tôi đã giải ngân cho bà con rồi, rất nhanh chóng” - ông Nguyễn Văn Mẫn, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long chi nhánh Quảng Nam nói.

Hạn chế tín dụng “đen”

Thường gói tín dụng mà nhiều tiểu thương ở chợ Trung tâm Thương mại tin cậy Ngân hàng TMCP Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long không chỉ căn cứ vào hợp đồng thuê mặt bằng mà dựa vào giá trị thực tế của gian hàng. Giá trị gian hàng của tiểu thương càng lớn, số tiền vay càng được nhiều nhưng không quá 90 triệu đồng. Hiện nay, MHB đang cho tiểu thương chợ Trung tâm Thương mại vay cao nhất là 90 triệu đồng và thấp nhất là 5 triệu đồng, chu kỳ vay trong vòng 6 tháng. “Chúng tôi không phân biệt gian hàng, nhiều chị bán hàng tôm, hàng cá vẫn được cho vay. Tiền gốc và lãi được chia đều cho 6 tháng, hằng ngày tầm 16 – 17 giờ sẽ có nhân viên ngân hàng đến thu tiền, tránh trường hợp dồn ứ lại gây khó khăn cho bà con tiểu thương trả nợ” - ông Mẫn cho biết thêm. Được biết, đến thời điểm hiện tại, dư nợ cho tiểu thương vay của MHB tại chợ Trung tâm Thương mại gần 500 triệu đồng với khoảng 50 hộ. Ngân hàng đang tiếp tục xúc tiến làm việc với UBND TP.Tam Kỳ, Ban quản lý chợ Tam Kỳ để tạo điều kiện cho tiểu thương chợ Tam Kỳ tiếp cận nguồn vốn nhanh, rẻ nhất.

Đến thời điểm hiện tại, rất nhiều ngân hàng đang tung ra gói vay hỗ trợ tiểu thương, doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất và dự trữ hàng bán tết. Ông Lê Thế Thịnh – Giám đốc Phòng giao dịch Quảng Nam (Ngân hàng TMCP Á Châu – ACB), cho hay: “Năm nay, nguồn vốn huy động của chi nhánh dồi dào. Lãi suất cho vay giảm mạnh so với năm ngoái. Đó là thuận lợi để chúng tôi giải ngân tốt hơn trong những tháng cuối năm. Đối tượng khách hàng mà ngân hàng chúng tôi nhắm đến là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thương, chiếm tỷ trọng 70 – 80%. Thế nên, khi vào mùa sản xuất kinh doanh, dự trữ hàng tết, ngân hàng đã có chương trình kịp thời hỗ trợ khách hàng để có phương án kinh doanh tốt nhất”. Hiện tại, ACB đang đưa ra chương trình “Tiếp cận nhanh, lãi suất thấp” với lãi suất 9,5%/năm. Nếu khách hàng vay 300 triệu đồng trở lên thì lãi suất đã tương đương với lãi suất tiết kiệm. Thực tế thời gian này, khá nhiều ngân hàng đang tăng tốc cho vay cuối năm, và cùng nhắm đến đối tượng là tiểu thương, doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn trong tình trạng khát vốn. Chính vì thế, hầu hết ngân hàng rút ngắn thời gian thẩm tra hồ sơ, tối thiểu 10 phút và tối đa là 5 ngày khách hàng đã có thể nhận được tiền như ACB, MHB, Sacombank…

Có thể nói, việc nhiều ngân hàng đem vốn cho tiểu thương vay là một việc làm hết sức có ý nghĩa về lợi ích kinh tế lẫn xã hội, góp phần giảm dần tín dụng “đen”. Tại một hội thảo tài chính mới đây, các chuyên gia kinh tế nhận định, tín dụng “đen” có thể chiếm tới 30% quy mô tín dụng chính thức của hệ thống ngân hàng. “Thế nên, đem vốn đến tận nơi cho tiểu thương, doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh, hạn chế tín dụng “đen” không chỉ là việc làm đem lại lợi ích kinh tế, mà qua đó còn cho thấy sự nỗ lực của chúng tôi, vì hoạt động này đụng đến “nồi cơm” của một bộ phận không nhỏ các đối tượng cho vay nóng” - ông Mẫn nói.

CHIÊU THỤC ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuẩn bị thị trường tết: Các ngân hàng vào cuộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO