Chuẩn hóa chữ viết Cơ Tu

ĐĂNG NGUYÊN 16/06/2017 08:45

Không chỉ mang ý nghĩa trong việc “định danh” nền tảng văn hóa tộc người, chữ viết của đồng bào Cơ Tu còn có giá trị rất lớn giúp bảo lưu bản sắc đặc trưng, được ví như “viên ngọc quý” đối với lớp trẻ địa phương và cán bộ miền xuôi lên công tác.

Sự chuẩn hóa trong chữ viết Cơ Tu sẽ là cơ sở để sớm đưa chữ viết này vào giảng dạy cho học sinh miền núi.  TRONG ẢNH: Một lớp học ở vùng cao. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Sự chuẩn hóa trong chữ viết Cơ Tu sẽ là cơ sở để sớm đưa chữ viết này vào giảng dạy cho học sinh miền núi. TRONG ẢNH: Một lớp học ở vùng cao. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Phát huy giá trị

Chữ viết của đồng bào Cơ Tu ra đời vào năm 1957, khởi nguồn từ việc một số cán bộ Ban cán sự miền Tây Quảng Đà phiên âm theo dạng tự Latinh để phục vụ công tác tuyên truyền, dân vận ở cộng đồng miền núi trong kháng chiến. Tính đến nay đã tròn 60 năm, dấu mốc quan trọng về hình thành chữ viết riêng của đồng bào Cơ Tu, tạo điều kiện giúp cho nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng miền xuôi lên công tác dễ dàng tiếp cận và học tiếng của đồng bào, phục vụ yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chỉ vài năm sau khi ra đời, chữ viết Cơ Tu được đưa vào giảng dạy tại một số nơi có đông đồng bào Cơ Tu sinh sống. Từ các “lò” đào tạo này, những chủ trương, đường lối cách mạng được triển khai đến với đồng bào vùng cao, thông qua các hình thức tuyên truyền, dân vận, tạo tiền đề cho việc ra đời tờ báo “Gung Dưr” (Vùng lên) bằng chữ viết Cơ Tu sau này. Tuy nhiên, từ sau năm 1975, chữ viết của đồng bào Cơ Tu có xu hướng dần biến mất, buộc chính quyền, người dân miền núi phải tìm cách khôi phục và tiếp tục phát triển. Đây cũng là câu chuyện dài.

Theo ông Lê Duy Thắng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Giang, chữ viết Cơ Tu có vai trò rất quan trọng trong công tác bảo lưu giá trị văn hóa truyền thống, cũng như truyền dạy cho lớp trẻ và những cán bộ miền xuôi lên công tác. Những năm qua địa phương đã có nhiều nỗ lực để phát huy giá trị chữ viết, khuyến khích đồng bào cùng nghiên cứu và gìn giữ. “Phải nói rằng, việc đưa vào giảng dạy chữ viết Cơ Tu cho học sinh ở các trường trên địa bàn là rất cần thiết. Vì vậy, bên cạnh những nỗ lực của địa phương, chúng tôi đề nghị tỉnh cần sớm có đề xuất với các bộ, ngành ở Trung ương tiến hành thẩm định nguồn tài liệu về chữ viết Cơ Tu để có một bộ tài liệu chuẩn sử dụng trong giảng dạy” - ông Thắng nói.

Thời gian qua, chữ viết Cơ Tu đã được một số huyện miền núi đưa vào chương trình giảng dạy và cấp chứng chỉ, nhất là đối với cán bộ đồng bào Kinh có nguyện vọng công tác lâu dài tại miền núi. Điều này mang lại hiệu quả rất lớn, nhất là trong ngành giáo dục, công tác tuyên truyền, vận động. Tại huyện Tây Giang, đến nay đã mở được 3 khóa dạy chữ viết Cơ Tu cho cán bộ trẻ, mỗi khóa kéo dài khoảng 4 tháng; sau khi kết thúc khóa học, các học viên được cấp chứng chỉ tương đương với chứng chỉ B2 Anh văn do Sở GD-ĐT cấp.

Chuẩn hóa chữ viết Cơ Tu

Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc, chữ viết Cơ Tu còn được xem như khối “tài sản” vô giá, định danh nền tảng văn hóa tộc người Cơ Tu. Vì thế, gìn giữ và phát huy chữ viết Cơ Tu là việc làm cấp bách, tạo cơ sở để bảo lưu những giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào trước nguy cơ mai một.

Ông Lê Văn Hường - Phó Bí thư Huyện ủy Nam Giang cho rằng, không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc, chữ viết Cơ Tu còn được xem như khối “tài sản” vô giá, định danh nền tảng văn hóa tộc người Cơ Tu. Vì thế, gìn giữ và phát huy chữ viết Cơ Tu là việc làm cấp bách, tạo cơ sở để bảo lưu những giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào trước nguy cơ mai một. Ông Hường đưa ra dẫn chứng: “Nghệ thuật nói lý - hát lý của người Cơ Tu thường do những người cao tuổi trong các thôn bản thể hiện với hình thức ứng khẩu, truyền miệng từ đời này qua đời khác. Do vậy, việc truyền dạy nghệ thuật này cho lớp trẻ trở nên rất khó khăn, do không có văn bản lưu trữ nội dung cụ thể. Nếu như loại hình nghệ thuật nói lý - hát lý được ghi chép bằng chữ viết để phổ biến cho thế hệ trẻ, sẽ góp phần tích cực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể độc đáo này trong cộng đồng Cơ Tu”.

Bí thư Đảng ủy xã A Tiêng (huyện Tây Giang) - ông Bh’riu Quân cho hay, để chữ viết Cơ Tu tiếp tục được gìn giữ và phát huy, trước hết cần phải chuẩn hóa toàn bộ hệ thống, nhất là đối với các nguyên âm, tổ phụ âm khó đọc, khó viết. Để dễ dàng trong việc viết và đọc từ đa tiết, ngoài đánh dấu ranh giới âm tiết phụ với âm tiết chính bằng dấu phẩy (’) viết trên con chữ cuối cùng của âm phụ như: ma’nứih (người), ga’mặc (lớn), ân’loong (cây), a’óc (heo),… chữ viết Cơ Tu cũng cần dùng các thanh điệu ngang, sắc, nặng và trọng âm (”). Để khắc phục nhược điểm khó đọc trong các từ đa âm tiết, từ ghép, theo ông Quân cần loại bỏ nguyên âm ơ và thay ở giữa các âm tiết phụ bằng dấu (’) trên chữ ấy. Ví dụ, như từ đhơrơluônh (xuống dốc) được viết thành đh’r’luônh; caay (đau) viết thành k’ay;… “Khi chữ viết Cơ Tu được chuẩn hóa sẽ giúp người đọc, người viết dễ dàng trong việc tiếp cận quá trình học. Đây là cơ sở cần thiết để chữ viết Cơ Tu sớm được đưa vào trong việc giảng dạy cho học sinh và một số cán bộ người Kinh lên vùng cao công tác” - ông Quân cho biết thêm.

Lâu nay chữ viết Cơ Tu vẫn chưa được phổ biến rộng rãi do thiếu các nguồn tài liệu chuẩn. Ngoài tài liệu do Viện Ngôn ngữ học Việt Nam biên soạn trước đây, rất ít tài liệu nghiên cứu về chữ viết Cơ Tu được đưa vào giảng dạy, học tập. Chính vì thế, cuốn sách “Chữ viết Cơ Tu” do ông Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang tổ chức biên soạn (được nghiệm thu đề tài khoa học cấp tỉnh vào tháng 5.2017) đã mở ra tín hiệu vui cho cơ hội phát triển chữ viết Cơ Tu, tương lai sẽ sớm được đưa vào giảng dạy ở miền núi phía tây xứ Quảng.

ĐĂNG NGUYÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuẩn hóa chữ viết Cơ Tu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO