Chuẩn hóa nhân lực du lịch

HÀ QUANG 03/04/2023 05:14

Quảng Nam đang mùa hội hè và cao điểm dịch vụ du lịch. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch được cho là đang đứng trước thực trạng thiếu và yếu, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Tôi vừa tham gia một lễ hội ở địa phương về quảng bá tiềm năng du lịch đặc trưng. Không thể tưởng tượng nổi, chỉ một không gian chung không mấy rộng rãi mà có đến hàng nghìn người chen chúc; dịch vụ ăn uống thì như “tả pí lù” với nhiều món “ngoại lai” khiến không gian trải nghiệm làng quê như vỡ ra với hương vị “mì ăn liền”. Trong khi đó, ở các dịch vụ được xem là điểm nhấn của lễ hội thì quá tải, du khách phải chờ rất lâu mới được phục vụ…

Tất nhiên, trong khuôn khổ của một lễ hội cấp huyện và được tổ chức với tính chất bất thường thì khó đòi hỏi một sự vẹn toàn hay hoàn hảo, nhưng nhiều người cho rằng địa phương cũng nên lường trước những tình huống “vỡ trận” có thể xảy ra.

Và cái chính là những người làm quản lý du lịch phải xây dựng phương án tổ chức sự kiện đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra nhưng ít gây tổn hại đến không gian, môi trường nhất; trong đó nguồn nhân lực phục vụ phải được tính đến trước tiên để đảm bảo chất lượng sản phẩm du lịch.

Ví dụ, một hội làng không thể tổ chức như kiểu một hội chợ vừa ồn ào, vừa khó đáp ứng nhu cầu du khách, chưa kể sẽ dễ gây tổn hại đến những giá trị về văn hóa, tinh thần, không gian cộng đồng đặc trưng.

Quảng Nam đang mùa hội hè, từ rừng xuống biển đều tổ chức những sự kiện văn hóa du lịch để quảng bá tiềm năng, thu hút du khách. Đây cũng là mùa cao điểm để các điểm đến triển khai nhiều hoạt động, sản phẩm du lịch.

Thế nhưng, theo đánh giá, nguồn nhân lực cơ động cho các lễ hội ở địa phương được xem là dồi dào nhưng chất lượng chưa đảm bảo bởi hầu hết chưa qua đào tạo, thiếu sự trải nghiệm thực tế; trong khi đó đội ngũ chuyên nghiệp phục vụ ở các điểm đến, phục vụ trong các sản phẩm du lịch đặc trưng đang hao hụt vì phải chuyển nghề…

Đó là chưa nói vai trò dẫn dắt của những người tổ chức sự kiện, quản lý hoạt động dịch vụ du lịch, trong tâm thế phải gầy dựng lại từ đầu, cũng có thể dễ dãi với những chi tiết nhỏ nhưng lại gây chú ý với du khách trong quá trình tổ chức.

Sự hồi phục của ngành du lịch sau nhiều năm liên tiếp ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã khiến nguồn nhân lực dịch vụ du lịch phải “chạy theo” để đáp ứng nhu cầu.

Theo Sở VH-TT&DL, trong năm 2020 - 2021, ngành du lịch Quảng Nam chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp kinh doanh lưu trú du lịch, lữ hành, khu điểm du lịch đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Có khoảng 14.000 lao động ngành du lịch mất việc làm.

Sau nỗ lực phục hồi ngành du lịch, hiện số lượng du khách đến Quảng Nam tăng gần đạt mức như trước nhưng tổng số lao động đang làm việc tại các đơn vị kinh doanh du lịch khoảng 11.000 người, giảm hơn 40% so với năm 2019 (18.000 lao động).

Chuẩn hóa nguồn nhân lực phục vụ du lịch được xem là chiến lược nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển ngành du lịch của tỉnh.

Trong kế hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch đến năm 2025, UBND tỉnh dự báo đến năm 2025, ngành du lịch cần có khoảng 23.000 lao động làm việc tại các đơn vị kinh doanh du lịch; trong đó 30% lực lượng lao động cấp quản lý, điều hành và trưởng các bộ phận đã được đào tạo, tương đương với khoảng 6.900 người.

Còn lại, hằng năm nhu cầu lao động ngành du lịch cần được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu phục vụ khách khoảng 70%, tương đương với 16.100 người.

Một con số có thể nói là quá lớn so với điều kiện thực tế và “nội năng” của ngành du lịch, nhưng đó là giải pháp dài hơi cần phải được triển khai. Còn trước mắt, sự xáo trộn về nguồn nhân lực phục vu du lịch do dịch bệnh đã ít nhiều gây ra những luống cuống, cần được sắp xếp lại kịp thời.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuẩn hóa nhân lực du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO