Chuẩn hóa nhân lực du lịch

KHÁNH LINH 26/11/2018 03:17

Chỉ trong thời gian ngắn, hơn 10 lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch với sự tham gia của hàng trăm học viên đã được Trường Trung cấp Văn hóa - nghệ thuật và du lịch Quảng Nam (Trường TCVH-NT&DL) tổ chức thành công.

Các lớp học được thiết kế theo cơ cấu 50% lý thuyết và 50% thực hành.
Các lớp học được thiết kế theo cơ cấu 50% lý thuyết và 50% thực hành.

Bổ ích

“Tôi học ngoại ngữ nên những kỹ năng về thuyết minh thật sự không nhiều, nên khi được cơ quan cử tham gia lớp nghiệp vụ thuyết minh du lịch tôi cảm thấy rất may mắn và bổ ích” - chị Trần Thị Cẩm Vân, nhân viên thuyết minh tại Ban Quản lý Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (Tam Kỳ) chia sẻ. Theo chị Vân, dù thời gian lớp học ngắn nhưng thông qua chương trình thực tế tại một số điểm như làng du lịch cộng đồng Triêm Tây, khu di sản Mỹ Sơn đã giúp chị và học viên tích lũy được nhiều kỹ năng cho công việc chuyên môn, từ dẫn giải nội dung muốn truyền tải đến tư thế đứng, cách xử lý tình huống trong thuyết minh với khách…

Tương tự, với chị Trần Thị Hoa Lý – nhân viên lễ tân biệt thự An Villa Hoian, lớp học đã trang bị thêm cho chị những kiến thức bổ ích về Hội An, nhất là kiến thức văn hóa, lịch sử, điều mà gần một năm qua, kể từ khi rời Hà Nội vào làm việc tại đây chị chưa thể hiểu hết. “Lớp học rất cần thiết và hiệu quả vì nó không chỉ trang bị những kiến thức thực tế mà còn giúp học viên biết được đặc trưng văn hóa của vùng đất để phục vụ tốt hơn công việc của mình” - chị Lý tâm sự.

Diễn ra từ ngày 26.7 – 24.11 tại 6 địa phương: Hội An, Tam Kỳ, Điện Bàn, Núi Thành, Duy Xuyên và TP.Đà Nẵng, chương trình tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch năm 2018 đã thu hút hơn 370 học viên tham gia với 5 chủ đề, nội dung chính gồm: “Nâng cao nhận thức về du lịch và du lịch cộng đồng”; “Văn hóa, lịch sử và tâm lý khách du lịch”; “Kỹ năng quản lý homestay và biệt thự du lịch”; “Nghiệp vụ thuyết minh viên du lịch” và lớp “Kỹ năng giao tiếp tiếng Anh tại làng du lịch cộng đồng Cơ Tu huyện Nam Giang”. Với yêu cầu gắn sát thực tế, nên tất cả nội dung chương trình được xây dựng đều có sự tham vấn từ các phòng chuyên môn của Sở VH-TT&DL, các địa phương, doanh nghiệp… Đồng thời cơ cấu chương trình cũng được thiết kế theo 50% lý thuyết và 50% thực hành, bao gồm khảo sát thực tế và chia sẻ kinh nghiệm tại những điểm du lịch trong tỉnh như Hội An, Mỹ Sơn, Triêm Tây, Tam Thanh…

Nâng cao chất lượng lao động du lịch

Bà Trần Thị Thu Hiền – Phó Hiệu trưởng Trường TCVH-NT&DL Quảng Nam (đơn vị mở lớp) khẳng định, thành công của những lớp tập huấn đã giúp chuẩn hóa và cung cấp nguồn nhân lực đứng điểm địa phương tốt hơn, kể cả cho các hộ, doanh nghiệp lưu trú. “Trường đã mời 12 báo cáo viên là những chuyên gia, giảng viên, đào tạo viên, quản lý doanh nghiệp tâm huyết, giàu kinh nghiệm và phù hợp với mỗi chuyên đề đứng lớp nên chất lượng đào tạo được đảm bảo” - bà Hiền cho biết.

Theo thống kê, năm 2017 gần 5,35 triệu lượt khách đã đến Quảng Nam; 9 tháng đầu năm 2018, tổng lượt khách tham quan, lưu trú đến Quảng Nam đạt gần 5,4 triệu lượt khách, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2017. Du khách tăng cao khiến nhu cầu lao động cũng tăng theo. Theo thống kê từ Sở VH-TT&DL, hiện ngành du lịch Quảng Nam sử dụng khoảng 15 nghìn lao động, tập trung nhiều nhất khối lưu trú (70%); lữ hành, vận chuyển, hướng dẫn viên (10%); các dịch vụ khác (20%). Trình độ lao động làm việc tại các cơ sở lưu trú đã qua đào tạo từ sơ cấp trở lên đạt tỷ lệ 65%. Tuy nhiên, mức độ đáp ứng yêu cầu công việc chỉ đạt 40 - 60% (tùy theo ngành nghề). Riêng tại các điểm du lịch địa phương và các ban quản lý di tích, chất lượng nguồn nhân lực hầu như chưa đảm bảo. Dự kiến, năm 2020 ngành du lịch tỉnh cần khoảng 20 nghìn lao động trực tiếp và 40 nghìn lao động gián tiếp nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển khi nhiều dự án du lịch phía nam đi vào hoạt động.

Theo ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, để chuẩn bị nguồn lao động đáp ứng nhu cầu phát triển, ngành du lịch cùng các bên liên quan cần nhanh chóng triển khai một số giải pháp phối hợp đồng bộ. Đặc biệt, cần thúc đẩy mối liên kết 3 bên giữa cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. “Việc Sở VH-TT&DL giao cho đơn vị trực thuộc là Trường TCVH-NT&DL tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ lao động địa phương và đứng điểm là một trong những bước đi nhằm chuẩn hóa lực lượng lao động du lịch hiện nay cũng như hướng đến những yêu cầu cao hơn thời gian tới” - ông Tường nói.

KHÁNH LINH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuẩn hóa nhân lực du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO