Với khá nhiều đề án được triển khai, có thể nói sự nghiệp trồng người của TP.Tam Kỳ những năm qua luôn “sôi động”.
Nâng chất lượng
Nhiều bậc phụ huynh ở TP.Tam Kỳ cho rằng, những năm qua con em họ được “hưởng lợi” từ sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và ngành giáo dục. Có khá nhiều chủ trương, chính sách của thành phố liên quan GD-ĐT được ban hành và triển khai có hiệu quả. Ngay từ năm 2008, khi nhiều trường học ở các địa phương trên địa bàn tỉnh mới tập làm quen với máy vi tính thì UBND TP.Tam Kỳ đã triển khai thực hiện đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học. Điều này vừa giúp học trò thành phố có cơ hội học tập môn tin học, vừa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tiếp đến năm 2009, Tam Kỳ ban hành đề án nâng cao chất lượng dạy học môn tin học và tiếng Anh cấp tiểu học. Sau đó là các đề án chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công sang công lập; tăng cường công tác vệ sinh, y tế trường học nhằm tuyển dụng nhân viên y tế cho các trường để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Theo đánh giá của ngành GD-ĐT, các đề án này đã thổi một luồng không khí mới, giúp ngành tạo được bước chuyển biến toàn diện và rõ nét, nhất là về công tác dạy - học, nâng cao chất lượng.
Sau khi ban hành đề án nâng cao chất lượng dạy học môn tin học bậc tiểu học, phong trào tin học trong học sinh Tam Kỳ phát triển khá mạnh. |
Những ai quan tâm đến sự nghiệp trồng người đều biết, một thời gian dài trước đây, cơ sở vật chất trường học của Tam Kỳ kém xa so với các địa phương, thậm chí ngay giữa lòng thành phố vẫn tồn tại không ít cơ sở xuống cấp, tạm bợ. Từ năm 2009 trở đi, chính quyền thành phố đã bắt đầu thay đổi “tư duy” đầu tư cho GD-ĐT bằng chủ trương kiên cố hóa, chuẩn hóa trường lớp. Cụ thể, tất cả trường học xây mới phải được đầu tư tầng hóa, hướng đến đạt chuẩn quốc gia. Công tác phổ cập giáo dục THCS cũng đi sau các địa phương khác khi đến năm 2003 mới hoàn thành. Tuy nhiên, năm 2006 Tam Kỳ đã tạo ra bước đột phá bằng việc ban hành đề án phổ cập giáo dục bậc trung học, trở thành một trong số ít địa phương đầu tiên cả tỉnh triển khai công tác này. Mới đây nhất, đề án phát triển giáo dục TP.Tam Kỳ giai đoạn 2011-2015 được xem là “tổng hòa và nâng tầm” các đề án đã triển khai trước đó, từ quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp, xây dựng cơ sở vật chất đến xây dựng đội ngũ, nâng cao chất lượng, phổ cập giáo dục. Theo Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Nguyễn Văn Lúa, đề án phát triển giáo dục TP.Tam Kỳ giai đoạn 2011-2015 nhằm nâng cao chất lượng toàn diện, tạo bước đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp phát triển của thành phố.
Chuẩn hóa, hiện đại hóa
“chuẩn hóa, hiện đại hóa” giáo dục là mục tiêu mà thành phố hướng đến. Nhờ chủ trương tầng hóa, toàn thành phố đã có 28/37 trường được xây dựng khang trang; trong đó tập trung nhiều nhất ở bậc tiểu học với 13/14 trường và THCS với 9/10 trường. Ở bậc học mầm non, dù số trường đạt chuẩn còn ít (6 trường) nhưng một số trường được đầu tư bài bản như Sơn Ca, Hương Sen, 24.3. Hiện tại, nhiều trường học đang tiếp tục được đầu tư theo hướng kiên cố hóa về cơ sở vật chất, hiện đại hóa về trang thiết bị. Nằm trong lộ trình quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập, năm học 2013-2014, thành phố đã thành lập mới trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường An Mỹ) nhằm giải tỏa bớt sức ép cho 2 trường Tiểu học Kim Đồng và Tiểu học Trần Quốc Toản. Hiện tại, trên địa bàn thành phố có 24 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I , trong đó có 3 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II gồm trường Mầm non 24.3, Tiểu học Trần Quý Cáp và Tiểu học Hùng Vương. Trường lớp khang trang và đạt chuẩn ngày càng nhiều, chất lượng giáo dục toàn diện nâng lên, học sinh thành phố giành nhiều giải thưởng tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, khu vực. Trong công tác phổ cập giáo dục bậc trung học, đến nay đã gặt hái được kết quả khả quan khi có 11/13 xã, phường được công nhận hoàn thành (2 xã còn lại là Tam Phú và Tam Thanh). Mục tiêu của thành phố đến năm 2015 hoàn thành đạt chuẩn phổ cập ở tất cả 13 xã, phường.
TP.Tam Kỳ cũng là địa phương đầu tiên cả tỉnh tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo. Năm 2012, TP.Tam Kỳ thí điểm tổ chức thi tuyển chức danh hiệu trưởng trường mầm non, mẫu giáo của 2 trường Mẫu giáo Vành Khuyên và Mẫu giáo Măng Non. Năm 2013, thành phố tiếp tục tổ chức thi tuyển chức danh hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quý Cáp và Lê Văn Tám. Ngoài ra, thành phố còn ủy quyền cho Phòng GD-ĐT thực hiện thí điểm khảo sát về năng lực chuyên môn trước khi lập quy trình bổ nhiệm đối với phó hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học. Rõ ràng, việc bổ nhiệm thông qua hình thức thi tuyển là tiếp tục thay đổi tư duy về công tác tổ chức và bổ nhiệm, tạo điều kiện giúp chính quyền thành phố lựa chọn được những cán bộ quản lý trường học một cách công khai, chính xác và có chất lượng. Theo đánh giá của lãnh đạo thành phố và các ngành chức năng, các cán bộ quản lý được bổ nhiệm thời gian qua thật sự có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, có phẩm chất chính trị vững vàng, bước đầu đã phát huy được khả năng trong công tác quản lý, điều hành, giúp cho các trường học hoạt động tốt hơn.
XUÂN PHÚ