Chuẩn hóa tu bổ di tích

NGUYỄN QUANG VIỆT 22/07/2013 08:17

Có hiệu lực từ ngày 1.7, với những quy định về điều kiện năng lực, hành nghề của tổ chức, cá nhân tham gia lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL (gọi tắt là Thông tư 18) là hành lang pháp lý quan trọng để quy chuẩn hóa việc tu bổ di tích.

“Phận” di tích

Người dân Hội An vẫn hay truyền miệng câu “Thượng có Chùa Cầu, hạ có chùa Ông Bổn, ở giữa có miếu Âm Hồn” để nhắc nhớ một phần không thể thiếu của thành phố di sản là nhà thờ Tín Thiện tộc - miếu Âm Hồn. Miếu Âm Hồn (76/9 Trần Phú, TP.Hội An) được nhiều tộc họ trong Tín Thiện tộc xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 10 (năm 1829), làm nơi thờ cúng những chủ âm linh, cô hồn. Đây là di tích thể hiện tính nhân đạo, nhân văn của người Hội An xưa. Miếu tọa lạc trên khoảnh đất rộng 500m2, đường vào di tích vốn có cổng nhưng đã bị vỡ nát. Trước sân miếu có bình phong kiểu cuốn thư bằng vôi, gạch. Miếu được thiết kế với hệ vì kèo gỗ kiểu chồng rường. Các con rường kẻ chỉ, chạm các hình hoa, lá… Di tích là nơi lưu giữ hai mộc bản ghi hai bài vị “Lịch đại tiên vàng” bằng chữ Hán có ghi tên, họ những người quá cố được thờ tự. Hiện tại, nhiều sắc phong, hoành phi, câu đối đã bị thất tán.

Di tích miếu Âm Hồn đã bị biến dạng suốt thời gian qua.Ảnh: Q.VIỆT
Di tích miếu Âm Hồn đã bị biến dạng suốt thời gian qua.Ảnh: Q.VIỆT

Qua đường kiệt Âm hồn, mới bước vào cổng ngôi nghĩa từ chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi vẻ nhếch nhác của di tích. Điều đáng nói, miếu Âm Hồn vốn có 5 gian thờ chính diện thì nay chỉ còn 2 gian. Thêm nữa, 2 gian nhà đông, nhà tây được bố trí 2 bên thì 1 gian đã sụp đổ quá nửa. Ngoài sự xuống cấp, hiện tại, khu di tích cũng đã bị biến dạng bởi sự xâm hại của nhiều ngôi nhà xung quanh. Việc xâm chiếm khiến miếu thờ thổ địa của di tích “biến mất”, giếng cổ cũng bị bỏ hoang. Được biết, trong thời gian chiến tranh, nhiều gia đình tản cư đã chọn khuôn đất của miếu làm nơi tá túc. Sau ngày đất nước thống nhất, một số gia đình “ngụ cư” tại đây đã được chính quyền địa phương chứng nhận quyền sở hữu đất đai vốn thuộc khu di tích. Ngoài việc làm mất mỹ quan di tích, những sinh hoạt thường nhật của các gia đình sinh sống tại đây đã làm biến dạng hoàn toàn di tích.

Đầu những năm 1990, ngay sau khi UBND tỉnh có quyết định bảo vệ di tích miếu Âm Hồn, Trung tâm Quản lý di tích - danh thắng Quảng Nam lúc bấy giờ đã tiến hành trùng tu, tôn tạo theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tuy nhiên, vào thời điểm bấy giờ, tại 2 gian đã bị đổ trong chiến tranh đang có 2 gia đình người dân sinh sống và chưa chịu di dời nên ngành chức năng chỉ có thể tiến hành tôn tạo lại 3 gian hiện có, khiến di tích bị biến dạng.

Thông tư 18 nêu rõ một nguyên tắc quan trọng trong hoạt động tu bổ di tích là ưu tiên sử dụng phương pháp thi công truyền thống, chú trọng bảo tồn các yếu tố gốc của di tích. Đây là cơ sở quan trọng hạn chế việc biến dạng di tích, không để xảy ra trường hợp tương tự như miếu Âm Hồn ở Hội An.

Chuyên nghiệp hóa

Thời gian qua, với nhiều nỗ lực, 121 (trong tổng số 256 di tích cấp tỉnh) cần tu bổ cấp thiết - gồm 32 di tích bị xuống cấp nghiêm trọng và 89 di tích hiện là phế tích hoặc không còn dấu tích - đã và đang được khôi phục. Tuy nhiên, các di tích đang đối mặt với nhiều thách thức về vật liệu, kỹ năng tu bổ.

Ông Phan Văn Cẩm - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích - danh thắng Quảng Nam cho rằng, di tích là chứng tích của thời gian. Di tích chứa đựng trong mình cả một kho tàng tri thức lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh… vô cùng phong phú, đa dạng. Tu bổ di tích là câu chuyện vô cùng nan giải. Sự ra đời của Thông tư 18 là hành lang pháp lý có ý nghĩa chuẩn hóa công tác tu bổ di tích trong thời gian đến. Từ đây, “chất” của hoạt động quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh sẽ được nâng cao. Tính chuyên nghiệp của hoạt động sẽ được quy chiếu trên cơ sở: cá nhân muốn tham gia tu bổ di tích phải có chứng nhận hành nghề và chứng chỉ hành nghề. Ông Cẩm lý giải rằng, kỹ sư, kiến trúc sư thiết kế xây một công trình, một ngôi nhà, có thể sáng tạo tự do theo ý riêng. Còn khi trùng tu di tích, họ phải “hiểu” di tích, tuân theo những thiết kế có sẵn. “Việc cốt yếu nhất của tu bổ di tích là bảo tồn các yếu tố gốc cấu thành di tích. Trước đây, mọi đơn vị, các cá nhân có thể tham gia hoạt động tu bổ di tích, chỉ cần có chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực xây dựng nói chung và có đăng ký kinh doanh về tu bổ di tích là được. Trong thời gian đến, đây chỉ là “điều kiện cần”, việc bổ sung “điều kiện đủ” theo Thông tư 18 là rất cần thiết vì nó góp phần “lọc” các đối tượng tham gia công việc mang tính đặc thù này, theo những quy chuẩn mới” - ông Cẩm nói.

Cùng với các quy định về chứng nhận hành nghề, chứng chỉ hành nghề của các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia tu bổ di tích, quy định ưu tiên phương pháp thi công truyền thống, Thông tư 18 cũng đã có hẳn các quy định về thẩm định thiết kế tu bổ di tích, điều chỉnh thiết kế tu bổ di tích, nhật ký công trình, hồ sơ hoàn công… Đặc biệt, thông tư cũng đã cụ thể hóa tính chuyên nghiệp của tu bổ di tích bằng việc thanh tra, kiểm tra tính chân xác của tu bổ di tích. Việc thi công tu bổ di tích phải được thực hiện dưới sự giám sát của cộng đồng dân cư nơi có di tích và phải thường xuyên tham vấn ý kiến nhân chứng lịch sử, chuyên gia, nghệ nhân...

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuẩn hóa tu bổ di tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO