Chuck Palazzo - người trở lại

SONG ANH 21/06/2015 11:13

Hay cười và đặc biệt yêu quý trẻ con, Chuck Palazzo tạo thiện cảm với người đối diện ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên. Một ông Mỹ cao lớn, hiền từ. Trở lại và ở lại Việt Nam, để “trả nợ” và tìm kiếm sự thanh thản cho tâm hồn…

“Giải phóng” bản thân

Vụng về cầm bàn tay tí xíu của Bi - đứa trẻ da cam ở Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ bị nhiễm chất độc da cam dioxin tại xã Hòa Nhơn (Hòa Vang, TP.Đà Nẵng), áp vào gương mặt mình, Chuck nói: “Đây là những đứa trẻ đặc biệt. Những con người tôi phải trả nợ bằng trái tim mình”. Và đều đặn, tuần nào Chuck cũng từ trung tâm TP.Đà Nẵng lên thăm các em. Lần này, đi cùng Chuck còn có Bill Creighton - một cựu binh Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam, như Chuck.

Chuck Palazzo và trẻ bị nhiễm chất độc dioxin tại xã Hòa Nhơn (Hòa Vang, TP. Đà Nẵng). Ảnh: SONG ANH
Chuck Palazzo và trẻ bị nhiễm chất độc dioxin tại xã Hòa Nhơn (Hòa Vang, TP. Đà Nẵng). Ảnh: SONG ANH

Không mấy xa lạ với các gia đình có người thân bị nhiễm dioxin tại TP.Đà Nẵng, Chuck Palazzo lâu nay làm những công việc mà bản thân ông cho đó là sự thôi thúc của quá khứ. Những người dân nơi ông đến thì trìu mến gọi ông là “Chắc”. Còn Chuck, đó là cách từng ngày ông chữa lành vết thương cho mình. Những thương tổn tận sâu tâm hồn, của tháng ngày cách đây hơn 45 năm. Trong cuộc gặp gỡ với Chuck Palazzo, tôi vẫn lảng vảng trong đầu mình bộ ảnh của Larry Burrows nằm trong cuốn “Requiem”, một cậu lính Mỹ mặt trẻ măng gục đầu khóc sau chuyến bay Yankee Papa, mà trước đó, chính cậu hùng hổ xách một khẩu súng lớn trên máy bay. Kể cho Chuck cảm giác của mình, thật bất ngờ, Chuck nói mình biết Larry Burrows. “Tôi may mắn hơn Larry, khi an toàn trở về Mỹ vào năm 1971. Còn máy bay của Larry bị bắn hạ tại Lào cũng năm đó”, Chuck nói. Gương mặt người đàn ông như lặng sâu vào câu chuyện của quá khứ, từ những ngày thanh niên 18 tuổi đến khi rơi vào “hội chứng Việt Nam”, và ngày đầu quay lại Đà Nẵng sau hòa bình.

Sinh ra và lớn lên tại xứ Bronx ở New York (Mỹ), Chuck nói, thời kỳ chiến tranh tại Việt Nam, tất cả người dân Mỹ đều bị lừa. Bản thân ông, từ xích mích gia đình, cứ nghĩ đến Việt Nam để quên đi một tuổi trẻ chỉ biết đến những trò ngạo mạn ở đường phố. Ban đầu càng hào hứng, quyết liệt bao nhiêu, thì lúc đặt chân đến Đà Nẵng, chiến đấu, chạy dưới làn đạn xối xả, chứng kiến cái chết ngay trước mắt mình, Chuck biết đây không phải một cuộc chiến đấu chính nghĩa như chính phủ Mỹ đã nói trước đó. 13 tháng sau, năm 1971, Chuck xếp hàng ở sân bay Đà Nẵng để được trở về. Trên chuyến bay chở thi thể của bạn bè mình, Chuck hoảng loạn với những ý nghĩ sợ hãi. Ông mắc phải triệu chứng PTSD – rối loạn tâm lý sau sang chấn, một hội chứng Việt Nam mà phần lớn cựu binh Mỹ đều mắc phải khi sống sót quay về đất nước họ.

Vật lộn với ám ảnh đã từng xảy ra ở Việt Nam, Chuck quyết định quay trở lại nơi ông từng chiến đấu. “Tôi muốn trở lại Việt Nam để giải tỏa tâm lý của tôi về vùng đất này. Tìm kiếm cách để giải thoát khỏi những ám ảnh suốt thời tuổi trẻ”, Chuck nói. Ông cũng cho biết, trong những năm ở Mỹ, ông được biết về chất độc da cam từ những bạn bè cựu binh Mỹ, và biết rất nhiều người dân Việt Nam cũng như con em họ mắc phải chất độc này. Chuck nói, ông phải làm gì đó cho các nạn nhân da cam ở Việt Nam. “Chính vì vậy, năm 2001 tôi trở lại Việt Nam. Tại Hà Nội, tôi gặp một số nạn nhân dioxin và nhận ra, họ đang sống rất khổ sở. Tôi cũng biết chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất Hoa Kỳ vẫn chưa có một hỗ trợ nào cho các nạn nhân dioxin tại Việt Nam. Tôi muốn làm gì đó để giúp đỡ họ và giải phóng cho chính bản thân” - Chuck nói.

Tự do của tâm hồn

Trong câu chuyện của mình, Chuck luôn miệng nhắc về những công ty hóa chất Hoa Kỳ. Ông đang lên tiếng với các tổ chức về môi trường thế giới, cảnh báo sự nguy hại của việc sử dụng thực phẩm biến đổi gen (GMO) đang được sản xuất và cung cấp bởi chính các tập đoàn từng sản xuất chất độc da cam trước kia như Dow Chemical, Monsanto.... “Thật ngạc nhiên khi chính những công ty này đang cung cấp các loại hóa chất cho nền nông nghiệp Việt Nam” - Chuck nói. Chuck từng đi đến gõ cửa những công ty con của các tập đoàn này tại Việt Nam, nhưng họ từ chối tiếp ông.

Trở lại với câu chuyện làm gì cho các nạn nhân dioxin của Việt Nam, Chuck kể, năm 2008, ông có một quyết định gây bất ngờ cho bạn bè và gia đình, đó là quay trở lại Việt Nam và ở hẳn. Một năm tại TP.Hồ Chí Minh, sau đó rời về Đà Nẵng, năm 2009, Chuck bắt tay vào những phần việc “trả nợ” và “trả ơn” Việt Nam. Veterans for Peace - cựu binh vì hòa bình được lập ra ở Việt Nam bởi Chuck Palazzo và một người bạn Mỹ của ông. Nhóm của Chuck tổ chức đưa các cựu binh về thăm lại Việt Nam với yêu cầu mỗi người đến ngoài chi trả chi phí sẽ nộp thêm 1.000USD để giúp đỡ nạn nhân da cam hoặc giải quyết bom mìn còn sót lại. Bill Creighton – người tôi gặp trong chuyến đi cùng Chuck, đã 3 lần trở lại Việt Nam do nhóm của Chuck thực hiện. Tính đến nay, nhóm đã thực hiện quyên góp hơn 200.000USD và tổ chức rất nhiều hoạt động từ thiện xã hội dành cho các nạn nhân da cam tại TP.Đà Nẵng, Quảng Nam.

Vẫn miệt mài tìm kiếm các tổ chức trên thế giới ngõ hầu mang lại công lý cũng như trợ giúp cho nạn nhân da cam tại Việt Nam, Chuck Palazzo nói không thể xóa tan hết đau khổ mà người dân Việt Nam phải chịu. Ông chỉ muốn xoa dịu phần nào thương tổn của họ, và tìm kiếm tự do cho tâm hồn mình. Khi tôi hỏi Chuck cảm nhận như thế nào về Việt Nam sau cuộc chiến với Mỹ, ông nói: “Mọi thứ đều thay đổi ở hướng tích cực, cuộc sống người Việt khấm khá hơn, đường sá, nhà cửa đẹp đẽ hơn. Duy chỉ có tính cách người Việt vẫn không thay đổi. Họ vẫn nồng nhiệt, ấm áp, rộng lòng chào đón tôi. Người dân Việt Nam không thay đổi, họ gần gũi và không có sự thù hằn nào. Chỉ có tôi thay đổi. Tôi khi còn thanh niên, là kẻ thù của các bạn. Tôi bây giờ, được các bạn Việt Nam xem như bè bạn” - Chuck nói.

Với Chuck, hạnh phúc rất lớn là được ôm vào lòng những đứa trẻ bất hạnh, chăm chút cho các em. Ông gần như mất hẳn hội chứng PTSD khi sống tại Việt Nam. Những gương mặt trẻ con, lúc nào cũng đầy chặt trong tâm trí Chuck.

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuck Palazzo - người trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO