Chum, tĩn của một thời

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 19/03/2017 09:20

Trong những mái tranh nghèo ấu thơ ở vùng nông thôn, hình ảnh cái chum, cái tĩn gần gũi đến độ ta quên rằng nó vẫn hiện hữu như một lẽ đương nhiên. Và chẳng còn ai để ý. Đến một ngày quay về lại quê xưa, chúng đã không còn nữa. Ta giật mình hỏi bâng quơ ai đó. Lại không thấy câu trả lời. Và ta tự trách mình vô tâm…

Chum đựng nước ở vùng Tây Bắc Thái Lan.
Chum đựng nước ở vùng Tây Bắc Thái Lan.

Cái tĩn của những bà mẹ quê như một vật bất ly thân. Cái chum của những người cha luôn đầy ắp mùa màng, gia sản. Còn với tôi, chum, tĩn là kỷ niệm…

Từ huyền thoại chum vàng

Hồi học tiểu học ở làng, lúc nghe Trường ca Chum vàng của Phạm Duy phổ nhạc từ truyện cổ tích “Chum vàng chum rắn” với những lời ca giản dị mở đầu: “Nhà nghèo cuốc bẫm với cày sâu. Nhà nghèo cấy lúa với trồng rau. Sớm tối nắng mưa (ư) nhọc nhằn. Vẫn cứ mến yêu (ư) ruộng đồng…”. Và hình ảnh đôi vợ chồng tìm được cái chum đầy vàng. Rồi hai đứa cướp muốn lấy đi thì đã là cái chum đầy rắn… Bài hát có hậu là khi chum vàng về với anh nông dân, họ đem phân phát cho người nghèo. Nhưng truyện cổ thì ẩn chứa một lời khuyên nhân bản của dân gian: Không lấy, không tham bất cứ gì không phải của mình…

Cái chum dù bằng sành hay xi măng của người nông dân chính là cái kho chứa nông sản an toàn. Lúa, khoai, đậu thu hoạch về cứ đưa vào chum. Nhà càng khá giả thì càng nhiều chum. Nơi có nghề gốm thì làm chum sành, nơi khác lại đúc chum bằng xi măng. Mưa bão hay nước lụt cũng nổi lên, không ướt. Hình dạng cái chum phình ra ở giữa thân và hai đầu chụm lại, nắp nặng và khít kín khiến cho mèo chuột không thể trèo vào cắn phá…

Mùa mưa lụt, có nơi các cụ lão nông còn gói cả gia phả, hình ảnh, trích lục ruộng vườn và những vật quý của gia đình đưa vào chum để an toàn nếu nhà cửa bị ngã đổ hay nước nhấn chìm. Vì cái chum luôn luôn nổi trên mặt nước. Chum nhỏ hơn thì gọi là vại dùng đựng nước thay ảng hoặc chứa nước mưa dự trữ ở những vùng chua phèn… Các cụ thường pha chè bằng nước mưa, trong xanh và ngọt lịm…

Hồi nhỏ, chơi trốn tìm tôi thường nhảy vào nấp trong một cái chum của nhà nội. Có lần vào mùa đông đã ngủ quên trong đó vì khá ấm, không chỉ các bạn chơi tìm không ra mà cả nhà phải mất rất lâu mới tìm thấy!

Sau này có dịp vào nam ra bắc rồi sang các vùng quê ở Lào, Campuchia, vẫn thấy những cái chum xi măng hoặc chum sành thân thuộc ấy. Nghe nói vào năm 1961, người ta đã phát hiện những lò làm chum sành tồn tại từ hơn 300 năm trước ở vùng Nghệ An.

Hiện nay, công nghệ và vật liệu mới du nhập nên hình ảnh cái chum dần mất dạng ở nhiều vùng quê. Các loại bao bì đa dạng và tiện lợi đã thay thế cái chum nặng nề và khó di chuyển của người xưa. Ở Hà Nội, hiện có hai người - trong đó có nhà thơ Vũ Xuân Độ ở huyện Từ Liêm - đã trở thành nổi tiếng với việc sưu tập các loại chum, như một cách để lưu giữ cái hồn quê của một quá khứ không xa, thấm đẫm mồ hôi và dấu tay cần lao của bao thế hệ!

Té ra cái chum là một trong những công cụ gần gũi, gắn liền với các vùng cư dân sản xuất cá thể thuộc nền văn minh lúa nước từ xưa…

Đến cái tĩn của người vùng biển

Câu chuyện trào phúng Ba Phi về “cái tĩn cô đơn” ở Nam Vang (một cái bị bể vì dùng để chứa cá rô và phải đập để lấy cá ra trong một ý nghĩa cường điệu, nói trạng) cho thấy từ đầu thế kỷ 20 cái tĩn sành chở mắm mòi và nước mắm có gốc gác ở vùng biển Phan Thiết đã theo các chuyến ghe của khách thương hồ ngược dòng Mê Kông lên tận xứ Chùa Tháp (và theo nhiều nơi khác khắp năm xứ Đông Dương).

Một chiếc tĩn trong bộ sưu tập của tác giả. Ảnh: T.Đ.T
Một chiếc tĩn trong bộ sưu tập của tác giả. Ảnh: T.Đ.T

Ở miền Trung, cái tĩn hiện diện trong tiểu thuyết “Sông Côn mùa lũ” của nhà văn Nguyễn Mộng Giác với đoạn trích mẩu đối thoại của hai nhân vật sau đây: “Đây này, hai cái tĩn này đựng nước mắm, cái có chữ thập vôi trắng là nước mắm nhỉ, ngon lắm. Cái có vòng tròn là nước mắm thường, dùng để nêm. An nhớ nhé, đừng dùng nước mắm nhỉ nấu canh, kho cá phí đi… Nhớ cái tĩn có vòng tròn là nước mắm nhỉ… à quên, cái tĩn có chữ thập mới là nước mắm…”. Và nữa: “Để tôi cạy nắp cái tĩn này lên là biết ngon dở ngay… Lợi ấn mũi dao nạy lớp vôi trét quanh nắp tĩn, cẩn thận phủi hết các mũn vôi trắng trước khi lật nắp. Mùi nước mắm hơi nồng. Lợi không e ngại gì cả, tự nhiên vào bếp nhà An lục sóng chén lấy một cái chén nhỏ và một cái muỗng con. Anh nghiêng tĩn, múc một muỗng nước mắm màu nước trà đậm ra chén...”.

Hoàn cảnh xuất hiện hai cái tĩn đựng nước mắm mà Nguyễn Mộng Giác tả ở trên là hồi kháng chiến chống Pháp ở miền tây Bình Định, tiếp giáp với Tây Nguyên.

Một nhà sưu tầm gốm sứ là bạn tôi, kể: "Vào khoảng đầu những năm 1960, tại vùng đất sét thuộc xã Phú Lâm, Bình Thuận có 5 lò tĩn của tư nhân là: Minh Thành, Công Minh, Mỹ Lợi, Hiệp Nghĩa và Hiệp Thành, chuyên sản xuất loại tĩn này. Nghề làm tĩn ở đây đã có từ thời Pháp thuộc và được biết đến khi công nghệ thủy tinh và hộp thiếc ra đời, đã có gần 2,5 triệu cái tĩn được dùng chứa cá mòi và nước mắm từ Phan Thiết đi khắp nơi để tiêu thụ. Một địa danh mang tên Bến Tĩn trên sông Bến Nghé Sài Gòn chính là “chợ đầu mối” tiếp nhận các tàu chở tĩn mắm từ Phan Thiết (và cả Phú Quốc), đồng thời cũng là một bãi chứa các tĩn được thu mua lại sau khi đã dùng hết mắm…

Ông cụ tôi đã bôn ba ở vùng Phan Thiết - Lâm Đồng từ năm 14 tuổi, kể rằng các loại tĩn chuyên dùng đựng cá mòi hấp và nước mắm nổi tiếng ở biển Phan Thiết đưa đi khắp Đông Dương bằng xe lửa, xe ngựa, ghe thuyền hồi đó. Đến đầu những năm 1960, cá mòi được đóng bằng hộp thiết và nước mắm đóng thùng thiếc vuông hoặc chai thủy tinh. “Suy ra, tuổi thọ của những cái tĩn sành làm bằng tay này cũng ngót nghét cả thế kỷ rồi không chừng!” - cha tôi bình luận.

Tôi cũng tìm được mấy cái tĩn cũ ở làng và thấy rằng mỗi cái tĩn đều được làm bằng tay, tuy hình dạng giống nhau nhưng cái nào cũng có những chi tiết khác cái kia, có cái thô ráp, có cái mịn màng. Có cái men kín hết bên ngoài, lại có cái chỉ vài vệt men loang lổ, tình cờ. Nhưng mỗi cái là một độc bản. Đồ thủ công vốn quý ở chi tiết đó vì nó không phải được sản xuất hàng loạt như những sản phẩm thời văn minh công nghệ.

Và càng quý hơn là qua thời gian, từ công dụng để vận chuyển cá mòi đến người tiêu dùng, ra chợ, nó lại có "chỗ đứng" trong đời sống nông thôn tùy theo mỗi hoàn cảnh của từng vùng. Sau khi đóng gói cá mòi để dễ vận chuyển, nó được người Nam Bộ dùng đi lấy nước ngoài sông rạch về nhà, kiểu như đồng bào các dân tộc ở Trường Sơn dùng quả bầu hồ lô vậy. Người miền biển Bình Định dùng tĩn đựng nước mắm nhỉ đưa lên vùng núi như tả trong “Sông Côn mùa lũ”. Còn ở Quảng Nam, có lẽ là thị trường nhỏ, nên tĩn lại dùng làm hũ đựng muối, mắm, muối dưa cải hoặc đựng hột giống trộn với là thầu đâu để chống côn trùng trong những căn bếp nghèo...

Vĩ thanh    

Với tuổi thơ tôi, cái tĩn là một kho báu! Biết các con thèm đường bát vì thiếu dinh dưỡng, mẹ tôi thường mua vài bát đường về để dành. Bà chặt mỗi bát ra làm tám, làm mười miếng nhỏ cho chúng tôi ăn với cháo hoặc cơm nguội mỗi buổi sáng “cho có chất” trước lúc đi học. Thành ra, anh em tôi thường bưng chén cơm không và nhìn mẹ rồi nhìn vào cái tĩn để trên chồ bếp với ánh mắt thèm thuồng!

Bây giờ, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua với những đổi thay đến chóng mặt trong đời sống, những cái chum, cái tĩn ấy, với tôi, và có lẽ với nhiều người lớn lên từ làng quê, vẫn gần gũi biết bao. Nó không chỉ gắn với một thời ấu thơ nghèo khó ở quê làng, mà còn là những gì thân gần, mang đầy dấu ấn của một giai đoạn xã hội đầy gian khó của đất nước.

Giá như chúng ta có được một bảo tàng văn minh lúa nước hay dân tộc học ở miền Trung, tôi sẽ đề nghị có một gian trưng bày các loại chum, tĩn ấy cùng những trải nghiệm của quá khứ…

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chum, tĩn của một thời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO