Chung quanh nguồn cát san lấp dự án khu đô thị Đa Phước: Công an vào cuộc điều tra

TRẦN HỮU 04/05/2017 09:41

Liên quan đến nghi vấn giả mạo giấy tờ để hợp thức hóa nguồn cát phục vụ cho việc san lấp biển ở dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (TP.Đà Nẵng), Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã có ý kiến chỉ đạo Công an tỉnh, Sở Tài nguyên - môi trường sớm điều tra làm rõ sự thật.

Công văn của UBND tỉnh truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lực lượng chức năng điều tra làm rõ việc giả mạo văn bản của UBND tỉnh.Ảnh: TRẦN HỮU
Công văn của UBND tỉnh truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lực lượng chức năng điều tra làm rõ việc giả mạo văn bản của UBND tỉnh.Ảnh: TRẦN HỮU

Giả mạo quyết định?

Sáng ngày 3.5, ông Bùi Văn Ba - Trưởng phòng Khoáng sản thuộc Sở Tài nguyên - môi trường cho biết, sau khi có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, qua rà soát hồ sơ văn bản liên quan, cơ quan không có tham mưu chuyên ngành nào cho UBND tỉnh ban hành Quyết định 1193 cho phép Công ty Tây Trường Sơn khai thác cát ở huyện Tây Giang. Trước đó, ngày 28.4.2017, UBND tỉnh có công văn (số 2082/UBND-NC) về việc xử lý thông tin báo chí phản ánh về việc giả mạo Quyết định số 1193 ngày 6.4.2015 của UBND tỉnh Quảng Nam để hợp thức hóa nguồn cát phục vụ cho việc san lấp biển ở Khu đô thị quốc tế Đa Phước. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu có ý kiến yêu cầu Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên - môi trường khẩn trương chỉ đạo các lực lượng chức năng điều tra làm rõ việc giả mạo văn bản của UBND tỉnh và xử lý theo quy định của pháp luật; báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 10.5.2017.

Mọi thắc mắc của dư luận thời gian gần đây nằm ở Quyết định 1193/QĐ-UBND ngày 6.4.2015 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn ký. Một quyết định trùng thời gian, một số, một người ký nhưng có đến hai công ty được cấp phép cho gia hạn khai thác cát là Công ty CP Đầu tư & xây dựng Tây Trường Sơn (gọi tắt Công ty Tây Trường Sơn) đóng tại huyện Tây Giang và Công ty CP Kim Toàn (huyện Nam Giang). Giải thích sự “trùng lặp” lạ lùng này, ông Nguyễn Hồng Quang - Chánh Văn phòng UBND tỉnh khẳng định: “Không thể cùng một số quyết định, một ngày ký và do một người ký có hiệu lực cho cả hai đơn vị như vậy. Cái này là có chuyện giả mạo rồi”. Trong văn bản lưu trữ của UBND tỉnh chỉ có một Quyết định 1193/QĐ-UBND ngày 6.4.2015 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn ký, là cho gia hạn giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường và thuê đất tại khu vực mỏ đá Khe Rọm (thị trấn Thành Mỹ, huyện Nam Giang) chứ không hề có dòng chữ nào ghi tên Công ty Tây Trường Sơn.  

Vừa qua, Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng có văn bản đồng ý cho phép dự án lấn biển và san lấp ở Đà Nẵng được thi công trở lại. Điểm đáng chú ý, chủ đầu tư là Công ty TNHH The Sunrise Bay giải trình nguồn gốc vật liệu dùng để san lấp mặt bằng có hợp đồng với Công ty CP Xây dựng và lắp máy Trung Nam. Cụ thể trong hợp đồng này chủ đầu tư dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước có đề cập sử dụng nguồn gốc đá khai thác từ các mỏ thuộc Hòa Vang, Cẩm Lệ, Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng), huyện  Đại Lộc, cát khai thác từ huyện Tây Giang.

Có hay không việc doanh nghiệp lấy cát từ vùng cao huyện Tây Giang đem xuống san lấp nền ở Đà Nẵng? Chính quyền huyện Tây Giang khẳng định, địa phương không có mỏ cát hay bất cứ hợp đồng nào với doanh nghiệp về việc vận chuyển cát xuống san lấp biển ở Đà Nẵng. Ngày 28.4, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Lê Hoàng Linh ký văn bản đề nghị các ngành chức năng của tỉnh cũng như TP.Đà Nẵng điều tra xác minh lại hợp đồng mua bán, vận chuyển cát của Công ty CP Xây dựng và lắp máy Trung Nam xung quanh thông tin khai thác cát từ Tây Giang phục vụ cho dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước. Nội dung văn bản này nêu: Tây Giang là huyện miền núi của Quảng Nam, cách TP.Đà Nẵng 120km về hướng tây, nguồn tài nguyên khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng chủ yếu phân bổ dọc theo các sông, suối nhưng trữ lượng rất ít, không đủ cung cấp cho các công trình xây dựng của huyện, phải vận chuyển cát từ Túy Loan, Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) hoặc cát từ Sông Voi (huyện Đông Giang) lên phục vụ nhu cầu xây dựng nông thôn mới và nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân trên địa bàn huyện. Mặt khác, trên địa bàn huyện không có mỏ cát nào và từ năm 2003 đến nay, UBND tỉnh cũng không cấp phép khai thác cát trên địa bàn huyện.

Khu đô thị quốc tế Đa Phước.
Khu đô thị quốc tế Đa Phước.

Vậy Quyết định 1193 ngày 6.4.2015 của UBND tỉnh cho phép Công ty Tây Trường Sơn khai thác cát có phải giả mạo hay không? Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Quảng Nam, Công ty Tây Trường Sơn có trụ sở tại thôn Agrồng, xã A Tiêng (huyện Tây Giang) nhưng đã thông báo giải thể. Sở KH&ĐT cùng các sở ngành liên quan vừa nhận được Thông báo số 48 ngày 28.2.2017 của Chi cục Thuế huyện Tây Giang với nội dung liên quan đến Công ty Tây Trường Sơn nợ thuế và thông báo giải thể. Công ty Tây Trường Sơn đăng ký thành lập doanh nghiệp ngày 14.11.2014 do Sở KH&ĐT cấp với ngành nghề chính là vận tải hàng hóa bằng đường bộ, khai thác đá, cát, sỏi… Người đại diện pháp luật là bà Đỗ Thị Hạnh (trú thôn 4, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình). Người nộp thuế nêu trên không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký từ ngày 22.2.2017 nhưng không khai báo với cơ quan thuế theo quy định. Doanh nghiệp kê khai thuế giá trị gia tăng và báo cáo sử dụng hóa đơn đến hết quý 4.2016. Ngày 20.1.2017, doanh nghiệp đã thông báo giải thể. Trước thời điểm xác minh địa chỉ trụ sở doanh nghiệp, Chi cục Thuế huyện Tây Giang gửi giấy mời làm việc liên quan về việc kê khai thuế nhưng không liên lạc được với doanh nghiệp.

Chủ đầu tư nói gì

Ngày 29.4, Công ty TNHH The Sunrise Bay (chủ đầu tư dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước) có văn bản gửi cơ quan báo chí “Thông tin nhà thầu thi công là Công ty CP Xây dựng và lắp máy Trung Nam có sử dụng nguồn gốc cát không hợp pháp tại mỏ cát ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam”. Chủ đầu tư khẳng định luôn tuân thủ các quy định của pháp luật và yêu cầu tất cả nhà thầu, nhà cung cấp phải thực hiện nguyên tắc này. Sự việc mà báo chí nêu là vấn đề thuộc trách nhiệm của nhà thầu và do nhà thầu chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu ngay lập tức ngừng sử dụng nguồn cát liên quan đến xã A Tiêng (huyện Tây Giang)  như hồ sơ nhà thầu đã cung cấp cho chủ đầu tư, đồng thời phải thay thế ngay nguồn cung ứng cát khác hợp pháp mà nhà thầu chứng minh được theo quy định tại hợp đồng hai bên đã ký kết ngày 11.8.2016.

Trong khi đó, ngày 29.4, ông Bùi Xuân Định - Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và lắp máy Trung Nam ký thông cáo báo chí nêu rõ: Việc giả hay không giả Quyết định 1193/QĐ-UBND không liên quan đến công ty. Theo doanh nghiệp này, từ tháng 1.2017, đơn vị đã thanh lý hợp đồng với Công ty Tây Trường Sơn. Trong 3 tháng thực hiện (10, 11, 12.2016), phía Tây Trường Sơn mới bán, vận chuyển cho Công ty Xây dựng và lắp máy Trung Nam hơn 11.000m3 cát nhưng tại điểm tập kết ở huyện Đại Lộc và chuyển ngay về công trường dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước theo đúng các điều khoản đã ký kết tại hợp đồng và phụ lục hợp đồng giữa hai bên. Đại diện Công ty CP Xây dựng và lắp máy Trung Nam cũng khẳng định, đơn vị này không liên quan và sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu cố tình có hành vi làm giả Quyết định số 1193 của UBND tỉnh ngày 6.4.2015 về việc gia hạn giấy phép khai thác cát ở khu vực xã A Tiêng, huyện Tây Giang.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chung quanh nguồn cát san lấp dự án khu đô thị Đa Phước: Công an vào cuộc điều tra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO