(QNO) - Từng diện tích rừng được trồng thêm và khoanh nuôi hằng năm, cho thấy những nỗ lực của các lực lượng kiểm lâm đối với hoạt động góp sức phục hồi rừng tự nhiên trên địa bàn Quảng Nam.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, Quảng Nam là địa phương có diện tích rừng lớn đứng thứ 2 cả nước với 681.156ha. Trong đó có khoảng 218.836ha rừng trồng, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 58,88%. Dưới những tán rừng nguyên sinh, ngày đêm vẫn có những lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ bảo vệ và giữ rừng...
Nâng ý thức giữ rừng
Rất nhiều nghị quyết, chương trình, dự án về công tác lâm nghiệp mang tầm chiến lược được Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam tham mưu Sở NN&PTNT báo cáo, trình Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành thời gian qua, đã và đang góp phần làm tốt nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh.
Ông Hà Phước Phú - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cho biết, bên cạnh phát huy vai trò trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, thông qua các dự án lâm nghiệp được triển khai giúp nâng cao ý thức giữ rừng, đặc biệt là trong cộng đồng.
"Các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt trong công tác quản lý bảo vệ rừng; đồng thời chính sách trong lâm nghiệp ngày càng đổi mới đã từng bước xã hội hóa nghề rừng, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, không chỉ phần lớn diện tích rừng tự nhiên được quản lý bảo vệ, công tác đầu tư trang thiết bị, công nghệ cho công tác lâm nghiệp cũng được quan tâm đúng mức" - ông Phú cho biết thêm.
Từ công tác phối hợp tuần tra kiểm soát, bình quân hàng năm, lực lượng kiểm lâm Quảng Nam phát hiện và xử lý hơn 300 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; chuyển cơ quan chức năng xử lý hình sự nhiều vụ án, tịch thu hơn 1.170m3 gỗ tròn; thu nộp ngân sách gần 10 tỷ đồng.
Theo ông Phú, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về lâm nghiệp ngày càng được đổi mới và chú trọng đã tác động mạnh mẽ đến tư duy của cộng đồng, từ đó nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật trong cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân. Chưa kể, sự tham gia của người dân trong giám sát việc thi hành pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh thời gian qua được tăng cường, giúp việc phát hiện các vụ xâm phạm rừng được nhanh chóng.
"Quảng Nam là tỉnh đi đầu cả nước về thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên. Đồng thời triển khai có hiệu quả các chính sách lâm nghiệp gắn với khuyến khích tổ chức và nhân dân trồng rừng, khoanh nuôi, phục hồi tái sinh rừng như thực hiện việc khoán bảo vệ rừng, sắp xếp lại tổ chức lâm nghiệp... Nhờ vậy, giai đoạn 2011 - 2023 trên địa bàn tỉnh đã trồng được hơn 90.775ha rừng và khoanh nuôi hơn 116.626 lượt héc ta rừng. Qua các giai đoạn khác nhau, công tác phát triển rừng trên địa bàn tỉnh từng bước được củng cố, diện tích và chất lượng phát triển rừng ngày càng được nâng cao đáng kể" - ông Phú nói.
Bảo tồn đa dạng sinh học
Ông Trần Văn Thu - Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cho biết, bên cạnh làm tốt công tác bảo vệ rừng, những năm qua, Quảng Nam ban hành nhiều chủ trương, định hướng chiến lược bảo vệ các giá trị đa dạng sinh học.
Với 7 khu rừng đặc dụng được thành lập trên tổng diện tích hơn 131.105ha, Quảng Nam đang giữ vai trò kết nối, phối hợp cùng nhiều tổ chức trong nước và quốc tế điều tra đánh giá tính đa dạng sinh học của rừng; qua đó góp phần tăng cường các hoạt động bảo tồn giá trị tài nguyên thiên nhiên.
"Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ, chúng tôi đẩy mạnh triển khai hỗ trợ sinh kế thông qua các mô hình sinh kế bền vững, nhằm thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị cho các cộng đồng đang sống phụ thuộc vào rừng. Ngoài ra, thông qua các chương trình hỗ trợ giảm nghèo được triển khai hằng năm, giúp ngăn ngừa, hạn chế tác động của người dân vào rừng, nhất là hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học" - ông Thu chia sẻ.
Từ năm 2000 đến nay, cùng với huy động nguồn lực triển khai thực hiện nhiều dự án hỗ trợ bảo vệ và phát triển lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam phối hợp với các dự án nâng cao năng lực chuyên môn, hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị điều tra, giám sát đa dạng sinh học, cũng như xác lập các khu rừng đặc dụng và nâng cao nhận thức cộng đồng phát triển sinh kế vùng đệm… "Đây là nguồn lực hỗ trợ có ý nghĩa giúp Quảng Nam triển khai một số hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu vực ưu tiên" - ông Thu nhấn mạnh.
Từ năm 2010 đến nay, Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam nhận phụng dưỡng 15 lượt mẹ Việt Nam anh hùng; thực hiện kết nghĩa với 2 xã Tr'Hy và Ch'Ơm (Tây Giang); đề nghị công đoàn cấp trên hỗ trợ xây dựng 2 căn nhà tình nghĩa cho công chức kiểm lâm có hoàn cảnh khó khăn.