Đợt mưa to gió lớn mới đây, nước sông Vu Gia đoạn qua cây cầu tình thương Phú Lộc (xã Đại An, Đại Lộc) cuồn cuộn dâng cao khiến cây cầu bê tông do Tổ chức “Vòng tay Việt Nam” hỗ trợ đổ sập xuống lòng sông. Từ sự chung sức của hàng trăm hộ dân, một cây cầu tre bắc ngang sông vừa hoàn thành, tạo điều kiện cho bà con đi lại, sản xuất ngày mùa.
Mấy năm trước, người dân các thôn Phú Lộc (xã Đại An), khu Nghĩa Nam (thị trấn Ái Nghĩa) và thôn 10 (Đại Cường) qua lại hai bên bờ sông Vu Gia thuận lợi nhờ cây cầu phao Phú Lộc của anh Lê Tất Dũng, người con Đại Lộc. Rồi, từ sự hỗ trợ của các mạnh thường quân và tổ chức “Vòng tay Việt Nam”, cây cầu bằng bê tông cốt thép bắc qua hai bên bờ sông đã khánh thành trong niềm vui mừng của nhiều người.
Thế nhưng cây cầu bê tông này cũng chỉ trụ nổi được 3 năm bởi mùa mưa lũ, đoạn sông này nước chảy xiết. Trong đợt mưa to trên diện rộng kéo dài nhiều ngày mới đây, đứng bên này sông, nhìn xác cầu sụp đổ ngổn ngang, ai nấy đứng ngồi không yên.
Nước xuống, trời tạnh, người dân càng lo lắng, nóng ruột khi vụ mùa cận kề mà không thể qua sông sản xuất. Một vài chiếc ghe được bà con khiêng ra bến để qua lại, đưa người đi sản xuất, nhưng đa số là người lớn tuổi và phụ nữ, không thể vững tay chèo. Vì thế, chính quyền thôn Phú Nghĩa (sáp nhập từ thôn Phú Lộc và một phần khu Nghĩa Nam) đã đứng ra vận động ngày công lao động của nhân dân trong thôn Phú Nghĩa và vùng lân cận để làm cầu tre qua sông. Song, cây cầu tre vừa mới làm xong gặp nước lớn dâng cao, tiếp tục đổ sụp.
Huyện Đại Lộc hỗ trợ hơn 30 triệu đồng cho bà con có điều kiện mua vật liệu gồm tre cọc, xà gồ, đà chống là cây bạc hà và nhiều vật dụng khác để làm lại cây cầu tre. Đại diện chính quyền thôn Phú Nghĩa cũng tạm ứng gần 10 triệu đồng để hỗ trợ mua thêm vật liệu, lo ăn uống, nước nôi cho hơn 100 công lao động suốt mấy ngày qua. Đến ngày 7.12 vừa qua, cây cầu tre vững chắc hơn đã kịp nối đôi bờ.
Ông Nguyễn Đức Lê (70 tuổi, thôn Phú Nghĩa) cho biết: “Bà con sống ở đây chứ toàn bộ kinh tế đều nằm bên kia sông. Để có cây cầu đi lại, suốt tuần qua, cả thôn ai nấy tất bật, không kịp nghỉ trưa, ăn uống, tập trung làm cho xong. Đứng làm cầu giữa trời lạnh cực khổ mà ai nấy nóng ran trong ruột khi ngày mùa tới gần, nhiều người bỏ hết việc bám trụ ngoài sông”.
Bà Võ Thị Hương (xã Đại An) cho hay, suốt 1 tuần vừa rồi, cả mẫu đất màu đều do mình bà đảm đương bởi chồng cùng với người dân trong thôn đi làm cầu. Cứ mỗi buổi sáng và chiều tối, bà Hương cùng với mấy người nữa nhờ người lấy ghe chống qua bên kia làm đất, xuống đồng. Theo người dân, giải pháp làm cầu tre cũng chỉ là tình thế khi ngày mùa đã quá cận, chứ cầu tre chỉ 1 năm sau phải làm lại rất tốn kém.
“Ngày trước có cầu bê tông, mỗi ngày tôi chạy xe qua lại chở nông sản được, còn chừ thì tôi chỉ dám đi bộ qua, không dám chạy xe. Nông sản làm ra không biết rồi chở về kiểu gì. Không có đường vận chuyển, nông sản sẽ lại rớt giá, bị ép giá. Ba năm có cây cầu bê tông, kinh tế nhân dân ở đây cũng đỡ lên nhiều. Chừ không có cầu, nhiều người cũng không muốn thuê đất sản xuất, giá đất đấu thầu vì đó cũng giảm, chỉ còn hơn 1/3 giá cũ” - bà Hương kể.
Ông Đào Duy Phúc - Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Phú Nghĩa cho biết, thấy bà con qua lại vất vả, nguy hiểm, chính quyền thôn đã cấp tốc xin huyện được hơn 30 triệu đồng, rồi ứng thêm gần 10 triệu đồng để chi phí, hỗ trợ mua vật liệu cần thiết, nước nôi, kêu gọi 150 công lao động để sớm có cây cầu tre cho bà con đi lại. Thôn vừa sáp nhập, quỹ không có nên xoay xở vất vả. Cầu tre hay cầu phao cũng là giải pháp tình thế, người dân mong muốn có cây cầu bằng bê tông cốt thép để việc đi lại, vận chuyển nông sản dễ dàng.
Theo ông Ngô Đình Nguyện - Trưởng thôn Phú Nghĩa (xã Đại An), cây cầu tre phục vụ đi lại và sản xuất cho khoảng 500 hộ dân các thôn Phú Nghĩa vừa sáp nhập và thôn 10 Đại Cường. Nếu có cầu, người dân chỉ mất 5 - 10 phút qua lại sản xuất, còn không thì phải đi xe máy vòng cả 8 cây số nên ai nấy quyết tâm làm cầu. Nhưng tuổi thọ cây cầu chừng 1 năm là cùng.
“Mong Nhà nước, các tổ chức từ thiện - xã hội hỗ trợ chúng tôi làm được cây cầu bằng bê tông cốt thép, có tầm thấp, tương tự như cầu Hà Tân ở Đại Lãnh, có thể chỉ nước lớn đã ngập nhưng không bị gỗ, cây to, rác rưởi từ thượng nguồn “tấn công” gây sụp đổ” - ông Nguyện nói.