Chung tay bảo vệ môi trường

A.ĐÔNG - T.LÊ 11/06/2015 08:48

Việc chung tay bảo vệ môi trường ở Nông Sơn thời gian qua đạt nhiều kết quả khá tích cực nhờ vào vai trò của các tổ chức đoàn thể xã hội.

Người dân Nông Sơn ra quân vệ sinh môi trường. Ảnh: CẨM TÚ
Người dân Nông Sơn ra quân vệ sinh môi trường. Ảnh: CẨM TÚ

Thiết thực

Sau hơn 1 năm thành lập, mô hình “3 sạch” (sạch nhà, sạch đường, rau sạch) của Chi hội phụ nữ thôn Tứ Trung I và mô hình “thu gom rác thải độc hại” của Chi hội phụ nữ thôn Thạch Bích (xã Quế Lâm) đã góp phần thiết thực trong việc bảo vệ môi trường tại địa phương.

Với 30 thành viên tham gia, mô hình “3 sạch” của phụ nữ thôn Tứ Trung 1 đã triển khai trồng rau sạch bằng việc áp dụng phương pháp an toàn sinh học để cung cấp cho người dân trên địa bàn thôn và xã. Trong khi đó, Chi hội phụ nữ thôn Thạch Bích thì vận động hội viên tổ chức thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật trên các rừng cao su và ngoài đồng ruộng mỗi tháng một lần. Bà Phạm Thị Tràng (thôn Thạch Bích, xã Quế Lâm) tâm sự: “Cùng với việc tổ chức thu gom rác thải độc hại, chị em trong tổ còn thực hiện cầm giỏ nhựa đi chợ để đựng các loại thức ăn thay cho túi nilon”. Mỗi việc làm như vậy của các chị, tuy nhỏ nhưng cũng đã góp phần bảo vệ môi trường.

Triển khai phong trào nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, trong 5 năm qua, hội nông dân các cấp trên địa bàn huyện đã vận động nông dân hơn 6.500 ngày công tham gia dọn vệ sinh môi trường, tạo hành lang thông thoáng, đảm bảo giao thông. Ông Lưu Hồng Thanh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nông Sơn cho biết: “Bên cạnh việc tuyên truyền và phát động hội viên nông dân bảo vệ môi trường, hội còn phối hợp với Phòng TN&MT lắp đặt 330 hố thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng ở các xã. Mở 3 lớp tập huấn về thu gom rác thải rắn nguy hại trong sản xuất nông nghiệp ở 3 xã Quế Trung, Quế Lộc, Sơn Viên cho trên 300 hội viên, nông dân”. Việc lắp đặt hố thu gom chai lọ, vỏ thuốc bảo vệ thực vật ở huyện Nông Sơn bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của nông dân; nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong bảo vệ môi trường. Cùng với rác thải nông nghiệp thì việc xử lý chất thải chăn nuôi cũng được quan tâm. Để môi trường chăn nuôi ở nông thôn ngày càng trong sạch, Phòng TN&MT huyện Nông Sơn đang thẩm định trình UBND huyện ra thông báo chấp nhận đăng ký 6 bản cam kết bảo vệ môi trường của cơ sở nuôi heo hàng hóa xã Sơn Viên. Việc thực hiện hiệu quả cam kết này sẽ là nền tảng để mở rộng cho tất cả cơ sở nuôi heo hàng hóa và nông hộ trên địa bàn huyện.

Pano tuyên truyền trực quan, sinh động về Hưởng ứng “Ngày môi trường thế giới” ở Nông Sơn. Ảnh: CẨM TÚ
Pano tuyên truyền trực quan, sinh động về Hưởng ứng “Ngày môi trường thế giới” ở Nông Sơn. Ảnh: CẨM TÚ

Xung kích

Bên cạnh phụ nữ, nông dân thì đoàn viên thanh niên với tinh thần xung kích, tình nguyện vì cộng đồng cũng đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường. Trong năm 2014, tuổi trẻ toàn huyện đã tổ chức ra quân dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, trồng 200 cây xanh các loại, san lấp mặt đường giao thông nông thôn, phát quang dọn vệ sinh môi trường, tổ chức quét dọn vệ sinh nghĩa trang liệt sĩ với gần 1.000 công lao động. Mười chín đội thanh niên xung kích bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu do Đoàn thanh niên thành lập cũng bước đầu phát huy được vai trò của mình. Anh Phạm Văn Bằng – Chủ tịch Hội LHTN xã Quế Trung cho biết: “Những hoạt động như “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”…, sau nhiều năm triển khai đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các đoàn viên thanh niên. Điều đó thể hiện qua tinh thần nhiệt tình hưởng ứng và ra quân đông đảo dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác, chất thải, phát quang đường giao thông nông thôn và các khu dân cư tập trung; khơi thông cống rãnh, làm đẹp nghĩa trang liệt sĩ, đường làng, ngõ xóm. Đây là một tín hiệu đáng mừng”.

Có thể nói, cùng với sự chung tay của các hội đoàn thể, diện mạo huyện Nông Sơn đã có nhiều thay đổi, đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp hơn. Tuy nhiên, để giải được bài toán vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn huyện là một quá trình lâu dài bởi hiện nay tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh trên địa bàn huyện còn thấp, rác thải mới chỉ được thu gom ra bãi tập kết chứ chưa có hệ thống xử lý. Thời gian tới, ngoài sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, đặc biệt là ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc giữ môi trường.

A.ĐÔNG - T.LÊ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chung tay bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO