Có quá nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng lậu lưu thông, mua bán trên thị trường, nên công tác bảo vệ người tiêu dùng được đặt ra cấp thiết vào thời điểm này.
Người tiêu dùng cần được bảo vệ trong “cơn lốc” hàng hóa của thị trường. Ảnh: VIỆT HÀ |
Trong tháng 2 và nửa đầu tháng 3, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, xử lý rất nhiều vụ gian lận thương mại trên thị trường. Đáng nói, tất cả mặt hàng vi phạm đều là hàng hóa thiết yếu đối với đời sống của người tiêu dùng. Theo ông Đoàn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Quảng Nam, các cuộc đấu tranh chống sai phạm của các tổ chức, cá nhân diễn ra trong thời gian qua rất cam go bởi các đối tượng đều dùng thủ đoạn tinh vi, chống trả liều mạng khi bị các trinh sát phát hiện.
Hoạt động sôi nổi trong lễ hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2018 là phát động và diễu hành trên các tuyến phố chính của TP.Tam Kỳ nhằm thúc đẩy công tác bảo vệ người tiêu dùng, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ người tiêu dùng. Nếu người dân có thắc mắc về hàng hóa đang sử dụng thì gọi đến số 1800.6838 là tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng miễn phí trên toàn quốc để được giải đáp, tư vấn. |
Đơn cử, phải qua quá trình mai phục, phục kích nhiều ngày đêm, các trình sát của lực lượng biên phòng mới tóm gọn một vụ vận chuyển 600 lít xăng dầu lậu vào biên giới Việt Nam. Mới đây, đoàn liên ngành kiểm tra thực phẩm tập trung vào sản phẩm chủ yếu là rượu, bia đã phát hiện hàng loạt sai phạm hàng hóa ở TP.Hội An, TP.Tam Kỳ, thị xã Điện Bàn, huyện Duy Xuyên, Thăng Bình. Hiện tại, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (Sở NN&PTNT) cũng đang chờ kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 (TP.Đà Nẵng) để xử lý 7 cơ sở sản xuất thực phẩm đã có dấu hiệu sai phạm qua test nhanh.
Nhằm bảo vệ người tiêu dùng trước nạn hàng hóa kém chất lượng, sáng qua (15.3), Sở Công Thương tổ chức lễ hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2018 với chủ đề “kinh doanh lành mạnh - tiêu dùng bền vững”. Ông Lê Thành Lưu - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy “Tinh thần khởi nghiệp trong doanh nghiệp” và xây dựng “Chính phủ kiến tạo” là cơ sở để xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng bền vững. Vậy nên, công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cần có những đột phá và sự chung tay hành động mạnh mẽ hơn nữa từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội và bản thân mỗi thành viên trong cộng đồng người tiêu dùng. Thay mặt Sở Công Thương, ông Lê Thành Lưu kêu gọi các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương của 18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung vào nhiều định hướng. Đó là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải được coi là trách nhiệm chung của toàn xã hội; cần phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan, tổ chức khi tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các chủ thể có mặt trên thị trường. “Rất mong các cộng đồng doanh nghiệp hãy chung tay vì một môi trường kinh doanh lành mạnh song song với chăm sóc, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mỗi người trong chúng ta hãy là người tiêu dùng thông thái, có ý thức pháp luật về các quyền của mình khi tham gia mua sắm và được bảo vệ trên thị trường” - ông Lê Thành Lưu nói.
VIỆT QUANG - VĂN HÀ